Hoàng Thu Trang, tác giả ca khúc bị Mờ Naive mạo nhận: Con 'Chim Sâu' trong vườn nhạc

24/07/2016 06:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi nổ ra vụ "hot girl cover" Trần Hà My (nghệ danh Mờ Naive) mạo nhận là tác giả của ca khúc Điều em muốn nói, cái tên Hoàng Thu Trang mới được dân trong nghề nhắc đến và trở thành "từ khóa" được "lùng sục" liên tục trên Google.

Dẫu vậy, kết quả tìm kiếm sẽ không bao giờ chính xác, hoặc lẫn với vô vàn cái tên Hoàng Thu Trang khác nếu không "đính kèm" theo sau nickname của cô: Chim Sâu. Và Hoàng Thu Trang cũng thích người khác gọi mình là Chim Sâu hơn là tên thật!

15 tuổi đã đăng ký bản quyền 15 ca khúc

Chim Sâu sinh năm 1983, ra trong một gia đình gốc Hà Nội, nhưng ngoại đạo với âm nhạc: Bố làm kinh doanh, mẹ làm khoa học, còn em gái hiện đang làm việc liên quan đến giáo dục tại London (Anh).

Chim Sâu học nhạc từ khi 4 tuổi, để hoàn thành ước mơ dang dở của mẹ. Trong suốt thời ấu thơ, tuy nhà không có điều kiện nhưng cứ nghe ở đâu có thầy giỏi là bố mẹ lại tìm đến xin học cho Chim Sâu.


Hoàng Thu Trang tại Pháp

Năm 12 tuổi, Chim Sâu bắt đầu viết ca khúc đầu tiên về chính người mẹ của mình. Rồi lần lượt hàng loạt các tác phẩm khác ra đời sau đó. "Ban đầu, khi "công bố" các tác phẩm với... bố mẹ, tất nhiên là bố mẹ không tin. Nhưng sau đó, bố mẹ thấy tôi suốt ngày chỉ vùi đầu vào nhạc, viết ngày càng nhiều, bố mẹ đã thực sự tin những giai điệu đó là do tôi sáng tác. Đến năm 1998, bố mẹ tôi đã mang 15 ca khúc thiếu nhi của tôi đi đăng ký bản quyền" - Thu Trang nhớ lại.

Ngoài sáng tác, khi ấy Thu Trang còn thành lập ban nhạc mang tên Tuổi thần tiên cùng với 3 em gái, tự tổ chức “event” để biểu diễn các ca khúc tự sáng tác trong phạm vi gia đình. Năm 15 tuổi, qua giới thiệu, bố mẹ đưa Chim Sâu đến gặp nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và được thầy định hướng cho thi vào khoa Sáng tác, Học viện Âm nhạc Quốc gia (tên cũ: Nhạc viện Hà Nội).

Trong thời gian học tại trường nhạc, Chim Sâu đã từng có lựa chọn sang Nga học về sáng tác với cố nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (con trai NGND Nguyễn Lân). Tuy nhiên vì nhiều lí do nên cô đã bỏ qua cơ hội ấy.

Rồi sau đó, cô "bỗng dưng bị mất đi hứng thú với âm nhạc", nên khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ học (ĐH KHXHNV), Chim Sâu sang Pháp du học và nhận được học bổng toàn phần của Hội đồng chung Châu Âu để theo học ngành truyền thông tại cả Pháp và Đan Mạch.


Từ đó, mọi chuyện cứ cuốn cô đi ngày càng xa với con đường âm nhạc. Và, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2010, Chim Sâu làm việc trong ngành truyền thông từ đó đến nay.

Năm 2013, cô cùng gia đình sang định cư tại Pháp nhưng cô vẫn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Marketing của Hệ thống cơ sở đào tạo nghệ thuật dành cho trẻ em mang tên Polaris tại Hà Nội. Mỗi năm Chim Sâu đều "bay" về Việt Nam khoảng 4 tháng để làm việc. Thời gian còn lại cô điều hành công việc từ xa.

Cuối năm 2014, cô bắt đầu viết ca khúc người lớn và tính cho đến thời điểm này, cô đã viết được khoảng hơn 10 ca khúc. Điều còn lại (tên cũ: Điều em muốn nói) là ca khúc về tình yêu đầu tiên của cô được giới thiệu tới công chúng, nhưng rất tiếc lại qua con đường scandal không mong muốn (bị Mờ Naive mạo nhận).

Chỉ thích ở "trong khu vườn" âm nhạc thiếu nhi

Chim Sâu không lựa chọn viết nhạc thiếu nhi một cách có chủ đích. Âm nhạc đến với cô một cách tự nhiên, là phương tiện để cô thể hiện nội tâm, suy nghĩ, tình cảm. Và vì cô viết nhạc cho thiếu nhi khi còn là... thiếu nhi nên có lẽ vì thế mà mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Cô hiểu thiếu nhi nghĩ gì, muốn gì mà không cần tưởng tượng.

16 ca khúc cho thiếu nhi cho thấy, cô viết không phải với tâm thế của một người lớn tuổi mà hoàn toàn bằng "góc nhìn" và sự cảm thụ của một... đứa trẻ.

Đó có thể là niềm hân hoan được cùng gia đình đi nghỉ mát khi hè đến (Chào mùa hè), niềm vui được may áo mới, được đi chơi vào ngày Quốc tế thiêu nhi (Ngày tết thiếu nhi), ước mơ của trẻ em về hòa bình (Khoảng trời mơ ước), những chiếc đèn lồng rạng rỡ sắc màu của ngày Tết Trung thu (Vui Trung thu), tâm sự của ngọn gió (Gió), nỗi buồn khi về thăm quê, thăm nhà cũ nhưng người bà yêu quý đã qua đời (Thăm quê)

"Tôi chỉ là một người viết nhạc vì niềm đam mê, tình cờ dạo chơi qua khu vườn âm thanh và vì quá yêu mến nên đã dừng chân lại. Cho đến bây giờ, khi trưởng thành, dù đã thử viết nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nhưng với tôi, viết nhạc cho thiếu nhi vẫn mang đến niềm vui và cảm xúc dễ chịu nhất, thân thuộc nhất. Dường như với nhạc thiếu nhi tôi luôn có một sự hứng thú đặc biệt, kỳ lạ, khó lý giải"- Chim Sâu nói.

Từ năm 2014 đến nay, khi được làm việc trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi, Chim Sâu nhận thấy các bạn nhỏ có rất ít sự lựa chọn về ca khúc, hoặc phải tìm đến các bài hát dành cho người lớn, các ca khúc nước ngoài, hoặc hát lại các bài hát cũ tuy hay nhưng nội dung đã không còn phù hợp với phong cách và nhận thức của trẻ em hiện đại.

Điều đó thôi thúc cô và các bạn đồng nghiệp lựa chọn, biên tập, thu âm và phát hành một sản phẩm âm nhạc ý nghĩa, hoàn thiện dành cho trẻ em, chính là album ca khúc thiếu nhi Trong khu vườn gồm các bài hát do cô sáng tác, dành cho lứa tuổi từ 4-10, đã ra mắt khán giả cả nước trên hệ thống Zing MP3 ngày 1/6 vừa qua.

Bên cạnh đó, có 5 ca khúc đã được lựa chọn để xuất bản trong album Trong khu vườn trong năm 2016, cùng với MV ca khúc chủ đề album được thực hiện bởi nghệ sĩ trẻ Từ Hà An, một người bạn của cô hiện đang sống và làm việc tại Pháp.

“Sứ giả”nghệ thuật ở Việt Nam và Pháp

Cũng từ năm 2014 đến nay, Chim Sâu và các đồng nghiệp đang thực hiện một dự án cộng đồng mang tên “Từ nghệ thuật đến niềm vui” với mục đích phổ cập kiến thức nghệ thuật cho trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức và trải nghiệm của các em trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa nói chung.

Cụ thể, trong 3 năm qua, nhóm của Chim Sâu đã tổ chức gần 100 buổi workshop miễn phí dành cho cả trẻ em và người lớn trên địa bàn Hà Nội, mời các nghệ sĩ, nhà tâm lý học, giáo dục học đến trao đổi, cung cấp kiến thức về văn hóa nghệ thuật nói chung.

Các đề tài hết sức phong phú và kiến thức đều được giản lược hóa để có thể tiếp thu dễ dàng, cũng như giúp khơi gợi tình yêu nghệ thuật ở trẻ em, như: Tìm hiểu về nghệ thuật Opera; các nhạc cụ bộ gõ có gì; violin – cây vĩ cầm kiêu sa; chuỗi hoạt động của CLB Sách nhạc – Giúp trẻ thích đọc sách hơn nhờ âm nhạc; giới thiệu về nghệ thuật múa ballet; Baby feels the beat; cha mẹ có thể chơi với con bằng âm nhạc như thế nào?...

Ngoài ra, Chim Sâu còn có một dự án khác đang thực hiện liên quan đến âm nhạc, nhưng không dành cho trẻ em mà cho cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam ở Pháp, mang tên Music Rendez-Vous (tạm dịch: Cuộc hẹn âm nhạc).


Hoàng Thu Trang trong sự kiện gây quỹ từ thiện và kỉ niệm năm đổi chéo 2014 "sinh-tái sinh" của tổ chức Appel Lorient

Theo đó, Chim Sâu tổ chức một chuỗi các buổi hòa nhạc ở các thành phố ở Pháp để giới thiệu âm nhạc và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Từ khi bắt đầu năm 2014 đến nay, cô đã thực hiện 6 buổi hòa nhạc ở các thành phố Nantes, Rennes, Lorient, Pont Avent trong đó buổi hòa nhạc quy mô lớn nhất khoảng 500 người. 3 trong số 6 buổi hòa nhạc Chim Sâu thực hiện hợp tác với tổ chức tình nguyện quốc tế APPEL Lorient (tổ chức cứu trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt - ốm yếu, bệnh tật, nghèo khó ở Việt Nam) để quyên tiền từ thiện gửi về Việt Nam chữa bệnh cho các em nhỏ.

Để có được những buổi biểu diễn này, Chim Sâu một mình làm từ A-Z: dành thời gian tập hợp các bạn sinh viên Việt Nam yêu ca hát, dạy thanh nhạc, chọn lựa ca khúc, lên chương trình, luyện tập biểu diễn, đệm đàn… và "móc hầu bao" chi phí cho tổ chức. Các buổi hòa nhạc hoàn toàn không bán vé, biểu diễn các ca khúc Việt Nam theo chủ đề (tỷ lệ ca khúc Việt Nam – nước ngoài là 70 – 30) để giới thiệu âm nhạc và văn hóa Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các em sinh viên Việt Nam có một sân chơi lành mạnh, thỏa mãn đam mê ca hát.

2 năm tới đây (2017-2018), cô sẽ vẫn bắt tay vào thực hiệnmột dự án âm nhạc lớn, giới thiệu về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và kỷ niệm mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp. Ngoài ra, cô đang rốt ráo tìm kiếm tư liệu và lao vào sáng tác các ca khúc cho album âm nhạc dành cho thiếu niên (lứa tuổi 12-16) dự kiến sản phẩm này sẽ phát hành trong năm tới.

Ước có giải Cống hiến vì âm nhạc thiếu nhi

Hoàng Thu Trang cho biết, sự khác biệt cơ bản giữa đời sống âm nhạc thiếu nhi ở Pháp nơi cô đang sống so với Việt Nam chính là ở cơ hội được tích lũy và thẩm thấu trong môi trường âm nhạc từ khi còn bé. Theo cô, việc được nuôi dưỡng, cho tiếp xúc, tham gia các hoạt động nghệ thuật, kể cả hàn lâm hay đường phố, từ bé sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu của đứa trẻ với nghệ thuật.

"Từ Fete de la musique nổi tiếng của người Pháp (lễ hội âm nhạc đường phố vào tháng 6 hàng năm) đến các Festival nhạc jazz, các buổi ballet, hòa nhạc giao hưởng thính phòng… đều có rất đông trẻ em đi xem. Điều đó thể hiện trẻ em phương Tây được tiếp xúc thường xuyên và coi việc thưởng thức các hoạt động nghệ thuật từ cao cấp đến bình dân là chuyện hết sức bình thường", Chim Sâu đưa ra cái nhìn so sánh về đời sống âm nhạc thiếu nhi Pháp – Việt.

"Trong khi đổi lại ở Việt Nam, Nhà hát Lớn gần như rất xa vời với trẻ nhỏ. Các chương trình ballet nghệ thuật, opera, hòa nhạc cổ điển hầu như cũng vắng bóng thiếu nhi, sinh viên đến xem dù có nhiều chương trình không cần vé vào cửa. Bản thân tôi cũng từng tổ chức rất nhiều hoạt động nghệ thuật miễn phí, cả hàn lâm, cả bình dân cho trẻ em nhưng số lượng tham gia ít hơn dự kiến rất nhiều, đa phần vì cha mẹ lười đưa con đi hoặc cảm thấy “không cần thiết”. Đó là điều khác biệt và khá buồn cho giáo dục nghệ thuật cho trẻ em ở Việt Nam" - cô nói thêm.

Để thúc đẩy và phát triển hơn nữa đời sống âm nhạc thiếu nhi trong nước, cô cũng ước ao làm được một Giải Âm nhạc Cống hiến Thiếu nhi kiểu như Giải Âm nhạc Cống hiến.

Cô bộc bạch: "Ở Pháp có Giải thưởng Constantin dành cho các album sản xuất trong vòng 1 năm, không phân biệt ngôn ngữ và quốc tịch của nghệ sĩ nhằm phát triển các tài năng trẻ có phong cách độc đáo, chủ yếu dành cho các nghệ sĩ mới. Người thắng giải được quyết định bởi một hội đồng bình chọn gồm các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, nhà sản xuất âm nhạc. Về cách thức tổ chức và bản chất, tôi thấy giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa khá giống với giải thưởng Constantin, trừ việc phạm vi trao giải của giải Cống hiến có nhiều hạng mục hơn.

“Tôi hay theo dõi những giải thưởng này để chọn các ca khúc mới mà khán giả Pháp yêu thích, bầu chọn, sau đó tập cho các em sinh viên Việt Nam “cover” và biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc của dự án Music Rendez-Vous. Ước gì tôi có đủ khả năng để làm được như thế - một Constantin hoặc Âm nhạc Cống hiến Thiếu nhi dành cho những nghệ sĩ, không phân biệt tuổi tác, ngôn ngữ đã có những cống hiến cho âm nhạc thiếu nhi nước nhà..." – cô bày tỏ.

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm