Hoãn tuyên án vụ kiện của nghệ sĩ Ngọc Trinh, Nhà hát Kịch TP.HCM bất lợi

07/07/2017 20:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/7, phiên tòa xử vụ nghệ sĩ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM đã tiếp diễn với nhiều tình tiết mới và kết luận của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa với lợi thế nghiêng về phía Ngọc Trinh.

Mở đầu phiên tòa, Ngọc Trinh và luật sư của mình khi được mời phát biểu đã chủ động xin rút lại phần đòi bồi thường 96 triệu đồng bù lỗ cho các vở kịch và các đêm diễn trong 6 tháng hợp tác với Nhà hát Kịch TP.HCM.

Ngọc Trinh nói rằng cô nhận chịu phần lỗ này vì muốn giữ tình cảm chứ không phải vì không đủ cơ sở đòi bồi thường.

Cô khóc nói tại tòa vẫn coi nghệ sĩ Khánh Hoàng – nguyên giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM là anh trai, ông Trần Anh Kiện hiện đang là giám đốc Nhà hát hiện nay là anh trai. Cô kiện vì lâm vào bước đường cùng vì phải bảo vệ mình, mong hai người kia hiểu, không coi cô là người xấu xa. Ở phiên tòa trước vì cô giận nên nói không hợp tác với nhà hát nữa, nhưng biết đâu rồi sau này cô sẽ nguôi ngoai nỗi buồn lại hợp tác với nhà hát.

Chú thích ảnh
Ngọc Trinh đã khóc tại tòa. Ảnh: Hòa Bình

Sau khi yêu cầu Ngọc Trinh và đại diện Nhà hát Kịch TP.HCM cùng các luật sư của mình trình bày lại ý kiến, nguyện vọng của mình về vụ kiện, chủ tọa phiên tòa đã công bố một văn bản viết tay ghi lại biên bản cuộc họp nội bộ ngày 30-10-2014 của Nhà hát Kịch TP.HCM về việc hợp tác với Ngọc Trinh khiến mọi người tại phiên tòa bất ngờ.

Trước khi đọc công khai biên bản này, chủ tọa phiên tòa đã cho mời thư ký của Nhà hát Kịch TP.HCM, người đã viết biên bản này ra trước tòa biên bản này là thật, trung thực. Sau khi đã xác nhận tính xác thực của biên bản này, chủ tọa phiên tòa đã đọc lớn nguyên văn biên bản viết tay này tại phiên tòa.

Theo biên bản, ông Quý Bình yêu cầu bộ phận trị sự, hành chánh của nhà hát hủy hợp đồng với Ngọc Trinh, hủy vé đã bán ra, hoàn tiền số vé đã bán trên mạng mà nhà hát giữ tiền, không nói thông tin này ra bên ngoài, và cho biết những quyết định này đã được ông Trần Khánh Hoàng (lúc đó đang là giám đốc nhà hát) đồng ý.

Đáng chú ý là nội dung của biên bản này khác với nội dung biên bản chiều ngày 1-11-2014 của nhà hát cho rằng Ngọc Trinh không đồng ý hợp tác nữa và là người chấm dứt hợp đồng trước.  Trước đó, tại phiên xử chiều ngày 4/7, luật sư của Ngọc Trinh và luật sư của Nhà hát Kịch TP.HCM đã tranh luận căng thẳng về việc bên nào là người chấm dứt hợp đồng trước. Luật sư của Nhà hát Kịch TP.HCM và ông Trần Quý Bình đều luôn luôn khẳng định rằng Ngọc Trinh mới chính là người chấm dứt hợp đồng trước, không chịu ký vào hợp đồng do Nhà hát Kịch TP.HCM đưa ra nên nhà hát không có trách nhiệm bồi thường.

Chú thích ảnh
Ngọc Trinh trong một vở diễn

Tại phiên tòa, luật sư của Nhà hát Kịch TP.HCM đã cho rằng cho dù hợp đồng hợp tác giữa Nhà hát Kịch TP.HCM tuy chưa ký kết thì vẫn có giá trị theo Luật Dân sự, tuy nhiên, hợp đồng này không phù hợp với qui định của Nhà nước về việc những đơn vị nghệ thuật nhà nước hợp tác với một đơn vị xã hội hóa phải được ký kết bằng hợp đồng văn bản nên hợp đồng thỏa thuận miệng này cũng không có giá trị.

Tòa đã hỏi lại đại diện Nhà hát Kịch rằng đã biết qui định nhà nước này trước hay sau khi thỏa thuận hợp tác với Ngọc Trinh. Đại diện nhà hát sau khi lúng túng đã trả lời rằng có biết. Tòa hỏi tiếp đã biết vậy tại sao vẫn tiến hành hợp tác thực tế với Ngọc Trinh suốt 6 tháng để người ta đầu tư rồi thất thoát tiền bạc lớn…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hoài Linh đến tòa ủng hộ Ngọc Trinh

Sau khi tòa xét hỏi hai bên nguyên đơn, bị đơn và mời hai bên trình bày ý kiến lần cuối, đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm về vụ kiện: Hợp đồng hợp tác giữa bà Ngọc Trinh và Nhà hát kịch TP.HCM tuy chưa ký kết bằng văn bản nhưng đã được thực hiện với 6 vở kịch và 55 suất diễn, cùng với buổi họp báo công bố việc hợp tác vào năm 2014 nên được công nhận là có hiệu lực theo luật dân sự. Nhà hát Kịch TP.HCM đã vi phạm hợp đồng khi chấm dứt hợp tác với bà Ngọc Trinh nên có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại về đầu tư và hậu quả phát sinh.

Tuy nhiên, khoản tiền đòi bồi thường vì đã mua độc quyền 6 kịch bản khi hợp tác với nhà hát để dựng diễn của Ngọc Trinh sẽ không được tính là chi phí thiệt hại có thể đòi bồi thường, vì các kịch bản này vẫn thuộc quyền sở hữu của Ngọc Trinh khi ngừng hợp tác. Việc bồi thường được tính trên chi phí hợp lý, hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Chú thích ảnh

Đại diện Nhà hát Kịch TP.HCM vẫn thể hiện thiện ý được tiếp tục hợp tác với Ngọc Trinh, giúp cô khắc phục thiệt hại bằng việc cho Ngọc Trinh diễn miễn phí một suất diễn mỗi tuần kéo dài trong một năm. Nếu sự thiệt hại vẫn chưa được khắc phục nhà hát sẽ tiếp tục hỗ trợ Ngọc Trinh thu hồi vốn bằng việc hỗ trợ rạp diễn. Ngọc Trinh và luật sư của mình cho biết ghi nhận thiện ý này và sẽ suy nghĩ thêm.

Tòa tuyên bố do cần có nhiều thời giam để xem xét trước khi đưa ra quyết định, tòa sẽ hoãn việc tuyên án, dự kiến sẽ tuyên án vào sáng ngày 11/7.

Vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM: Hoà giải không thành, Tòa hoãn tuyên án

Vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM: Hoà giải không thành, Tòa hoãn tuyên án

Ngày 4/7, Tòa án nhân dân Quận 1, TP.HCM đã xử tiếp vụ nghệ sĩ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM sau phiên xử ngày 30/6. Vụ xử đã kéo dài suốt cả ngày khá căng thẳng nhưng tòa vẫn chưa thể tuyên án mà hẹn sẽ xử tiếp vào sáng 7/7.

Hòa Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm