Họa sĩ Lã Quý Tùng: Người đứng sau những bộ phim “bom tấn”

03/09/2012 10:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - “Nghề của tôi là phải được nghĩ, được chơi và được xài tiền, sự hà tiện sẽ giết chết nghề nghiệp…”. Người nổi tiếng với cái nghề “VIP” như vậy, thay vì được săn lùng trên báo chí hay nổi bần bật trong các sự kiện showbiz, thì lại sống và làm việc trong sự thầm lặng, được ít người biết tới.

Tham gia thiết kế bối cảnh cho khoảng 15 bộ phim quốc tế được sản xuất tại Việt Nam như Xích lô, Mùa Hè chiếu thẳng đứng, Người Mỹ trầm lặng, và nhiều bộ phim đình đám trong nước - Dòng máu anh hùng, Chơi vơi,… toàn những phim mà bối cảnh được xem như “một nhân vật”, được liệt vào nhóm những họa sĩ có đóng góp nhiều nhất cho nền điện ảnh Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại, nhưng Lã Quý Tùng lại gần như vô danh. Thầm lặng với công việc vất vả, lặng lẽ tại những buổi ra mắt phim rầm rộ và lúng túng với những lần nhận giải thưởng, Lã Quý Tùng làm nghề chẳng đợi bước ra ánh sáng, giống như chính cái nghề thiết kế bối cảnh phim trong tâm thức của khán giả phim Việt.


 Họa sĩ Lã Quý Tùng. Ảnh: Văn Bảy

Từ “người tình” kín tiếng…

Lã Quý Tùng vào nghề thiết kế bối cảnh phim từ năm 1988, khi đang là sinh viên mỹ thuật và đó là bộ phim quốc tế có kinh phí đầu tư lớn được sản xuất tại Việt Nam (30 triệu USD): Người tình của đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Đây chính là ngã rẽ đưa anh vào một con đường dài... “Làm phim và vẽ là hai công việc nhưng đều phải cầm cọ cả thôi. Đó chính xác là hai “ổ dịch”, nó sẽ bùng phát vào mùa nắng hay mùa mưa. Còn tùy!”, Lã Quý Tùng nói tưng tửng thế về nghề của mình.

Thuộc kiểu nghệ sĩ có sẵn “mâu thuẫn kinh niên” trong người: vừa quyết đoán vừa khiêm nhường, vừa nhút nhát vừa vui vẻ, vừa năng động vừa kiệm lời…, Lã Quý Tùng thường xây dựng xung quanh anh một thế giới của riêng mình, người ngoài khó xâm phạm. Cũng chính vì thế mà tuy là nghệ sĩ có “kích cỡ” trong làng điện ảnh nhưng Tùng dường như vẫn vô danh. Ngay ở các phim trường mà anh đảm nhận vị trí thiết kế bối cảnh như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Sài Gòn Yo!, Chơi vơi, Bi, đừng sợ!... thì số người gọi đầy đủ được tên anh cũng khá ít. Họ cứ gọi anh bằng cái danh xưng đơn giản: anh Tùng thiết kế.


Chuẩn bị để làm nổ chiếc máy bay trực thăng

Lúng túng khi xuất hiện tại các sự kiện nhiều công chúng, ngay cả khi lên nhận giải Bông sen Vàng dành cho thiết kế phim Dòng máu anh hùng. Có lúc đồng nghiệp phát hiện ra anh đã kín đáo uống trước vài ly rượu cho đủ tự tin! Đạo diễn Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn nhận xét về Lã Quý Tùng: “Ấn tượng của tôi về anh, đó là một người rất kiên nhẫn, hiểu công việc tường tận, luôn tìm cách khắc phục khó khăn, nghiêm túc, đam mê, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, chăm chút cho từng khuôn hình và thực sự là một người lãnh đạo nhóm giỏi. Khi thiết kế mỹ thuật cho Dòng máu anh hùng, anh đã có rất nhiều ý tưởng sáng tạo về hình ảnh, màu sắc, những kiến giải sâu sắc về văn hóa Việt Nam cùng kinh nghiệm làm việc với đồng nghiệp nước ngoài trong nhiều phim trước đó, để giúp tôi tạo ra một thế giới riêng trong phim của mình”.

… đến 300 ngàn USD nan giải

Khi được hỏi tâm đắc với phim nào nhất đã làm nếu nhìn dưới góc độ thiết kế mỹ thuật, anh nói thích Mùa Hè chiếu thẳng đứng của Trần Anh Hùng; còn nhìn tổng hòa từ kịch bản, đạo diễn cho đến thiết kế, thì là phim ngắn Ngày giỗ của Hàm Trần. Nhưng tác phẩm đem lại sự hài lòng cho anh vẫn chưa ra đời. 



Bối cảnh trại lính trong phim Người lính (ĐD: Aleksandr Chernyaev) của Nga. Ảnh: TL

Anh bảo: “Nhìn từ góc độ ý định sáng tạo, phim thích nhất là phim chưa làm, vì nghệ thuật là sự phung phí, mà kinh phí cho các phim tại Việt Nam còn quá giới hạn, quá thấp, thật khó để triển khai trọn vẹn ý tưởng. Muốn có một tác phẩm điện ảnh thực thụ thì mọi bộ phận phải được phát huy hết công năng của mình, chứ làm cái gì cũng sợ lỗ, sợ tốn kém thì đó mới là sản phẩm kinh doanh, chưa phải là nghệ thuật”.

Nói như vậy nhưng Lã Quý Tùng rất hiểu hoàn cảnh cũng như tâm cảnh của giới làm phim Việt Nam, anh chẳng phê phán ai. Giới sản xuất kể rằng với các phim quốc tế anh lấy thù lao chừng 14 đến gần 20 ngàn USD, tùy dự án; riêng phim Việt thì anh không bao giờ nói giá, tùy khả năng mà nhà sản xuất tự đề nghị, dao động từ 2 đến 5 ngàn USD. Lã Quý Tùng luôn bị mang tiếng là làm đắt, không phải cát-sê, mà chủ yếu do đòi hỏi về chất lượng dự án. Dustin Nguyễn kể rằng anh từng đem dự án phim Lửa Phật nhờ Lã Quý Tùng lên đồ hình và tính kinh phí thiết kế, nhưng cuối cùng đành rút lui vì quá tốn kém. Muốn làm tạm được theo cách của Lã Quý Tùng, kinh phí phải lên đến 500 ngàn USD, làm tương đối thì hơn 1 triệu USD. Sở dĩ đắt như vậy vì Dustin Nguyễn muốn đây là một phim có tính chất “viễn tưởng”, về một vùng đất gần như không có trong lịch sử. Dustin Nguyễn nói rằng nếu kinh phí sản xuất phim trên 5 triệu USD thì đề nghị của Lã Quý Tùng là khoa học và hợp lý, nhưng giá trần của dự án này không được như vậy, nên anh đã đổi phương án để làm với kinh phí ít hơn. Lã Quý Tùng bị mang tiếng làm quá đắt chỉ vì anh muốn làm cho tương đối đúng, mà muốn làm đúng thì lúc nào cũng cần nhiều tiền.


Dựng trạm gác trong phim Người Mỹ trầm lặng. Ảnh: TL

Đang “phải làm”, chứ chưa “thích làm”

20 năm lăn lộn với nghề thiết kế bối cảnh, Lã Quý Tùng từng có rất nhiều “lính”. Một họa sĩ thiết kế nói rằng trong số những người hiện đang mang “chức danh” họa sĩ thiết kế phim trường làm việc tại nhiều đoàn phim, nhất là phim truyền hình, quá nửa từng là “lính” của Tùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và làm được đúng bản chất của nghề. Thật trớ trêu khi chúng ta vẫn sản xuất phim hàng ngày nhưng lại chẳng có chuẩn mực để đánh giá tay nghề của các họa sĩ thiết kế, muốn biết chuẩn mực về thiết kế thì chỉ có cách chờ các đoàn phim quốc tế đến tuyển họa sĩ mà thôi. Bởi vậy mà khi hỏi Lã Quý Tùng “làm thiết kế cho các phim nước ngoài khó hay dễ?”, anh trả lời gần như không cần suy nghĩ: “Dễ, nếu so với phim Việt Nam, vì ở phim trường, người nào việc nấy, chẳng bị những người ất ơ xía vào. Cái khó duy nhất, nếu có, đó là khi đến nhận việc, bạn phải làm sao cho họ thấy bạn là người của việc này, qua được cửa này, mọi việc khác sẽ được như ý của bạn”.

Phim thích nhất là phim chưa làm, vì nghệ thuật là sự phung phí

Anh vẫn luôn biết các nhà sản xuất rất sợ làm những phim có năm tháng rõ ràng, vì nó rất phiền về mặt thiết kế và sẽ rất tốn kém. Ngay phim Dòng máu anh hùng với kinh phí đầu tư khoảng 1,5 triệu USD thì tinh thần vẫn là “tráng lớp màu thời gian”, nghĩa là phải ăn gian bối cảnh để mọi thứ nhìn cũng tàm tạm. Tùng bảo nếu thực sự đầu tư bối cảnh cho đúng thời gian, thì 1,5 triệu USD vẫn là mức kinh phí… chẳng làm gì được.

“Nghề của tôi là phải được nghĩ, được chơi và được xài tiền, sự hà tiện sẽ giết chết nghề nghiệp. Trong khi đó, đa phần đoàn phim và người làm phim ở Việt Nam đang sống trong tình trạng phải làm, chứ không phải thích làm, nên thật khó đạt đến cái gọi là cảm xúc hay thăng hoa trong nghệ thuật. Trong bối cảnh như vậy, tôi nghĩ những người lành nghề nên trở thành một ê-kíp với nhau, để làm sao tạo ra được một thế hệ mới, mà trong đó phải có được diễn viên lớn. Nếu thiếu diễn viên tên tuổi với sức hút thực sự, nền điện ảnh sẽ trở về số 0, dù nỗ lực của các bộ phận có nhiều đến đâu đi nữa”, Lã Quý Tùng nói.

Sau phim Cột mốc 23 (ĐD: Quốc Duy), một năm nay, ngoài thời gian xây dựng không gian nghệ thuật tại Củ Chi để làm địa chỉ lưu trú sáng tác cho các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, Lã Quý Tùng đã trở lại giá vẽ, bắt đầu nghĩ đến việc chuyển những phác họa lâu nay thành tác phẩm. Anh nói, biết đâu sẽ rời bỏ phim trường vĩnh viễn để về chơi với mình, dù mình hôm nay được hình thành từ hai nửa: giá vẽ và phim trường. Nếu mà Lã Quý Tùng giải nghệ, chắc chắn các phim trường sẽ thấy trống vắng...

Nói thì nói vậy, nhưng một nguồn tin cho biết, rất có thể Lã Quý Tùng sẽ ký tên vào một dự án phim nước ngoài khá lớn trong một hai năm tới, các nhà sản xuất của dự án này đang ngắm nghía bối cảnh tại Việt Nam

Văn Bảy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm