Họa sĩ Chóe: Còn "Chí Choé" tận bên Mỹ

02/07/2008 14:08 GMT+7 | Văn hoá

HS Chóe

(TT&VH Online)
- Lịch sử biếm họa Việt Nam có một sự hoán đổi thú vị: Cách đây 70 năm, hai nhân vật biếm họa Lý Toét và Xã Xệ ai ai cũng biết, nhưng chẳng mấy ai biết đến tác giả. Còn khoảng chục năm nay, cái tên họa sĩ Choé lại trở nên quen thuộc với độc giả cả nước, cho dù họ khó nêu được rằng mình thích nhất tranh nào của anh. Chuyện nhỏ, cứ tranh biếm họa của Choé là ngon rồi...

Tôi nhớ lần găp HS Choé ở trụ sở thường trú báo Lao Động phía Nam năm 1998 nhân một chuyến đi công tác. Một cuộc đến thăm không báo trước. Người ta dẫn tôi đến cái bàn có một ông râu ria xồm xoàm đang ngồi hí húi vẽ. Tôi tự giới thiệu mình, anh đứng dậy bắt tay tôi rất chặt.
 
 Choé là một người to lớn, tướng hao hao văn hào Hemingway, đeo kính trắng. Còn tôi cũng không đến nỗi nào với chiều cao suýt soát 1m8, kính cận 6,5 đi-ốp dày cộp... Chúng tôi ra quán nước ngay sát trụ sở báo chuyện trò xoay quanh biếm họa và những cuộc đời lận đận gắn với biếm họa ở ta, ở Tây...

Về cái tên Choé, anh kể: “Tên mình là Nguyễn Hải Chí. Nhà văn Viên Linh, chủ bút báo Diễn đàn, bảo: “Ông tên Chí, vậy thì ký là Choé. Rồi không những Chí Choé ở trong nước mà tôi còn Chí Choé tận bên Mỹ. Chí Choé là vui rồi!”. Tôi cười: “Ba má tôi đặt cho cái tên là Trực Dũng. Đã Dũng mà còn Trực nghe cũng ghê. Nhưng thực tế ở trong nước và ở nước ngoài, khi “ra trận” tôi luôn đi ở hàng cuối mà rút lui bao giờ tôi cũng ở hàng đầu!”. Hai anh em đều cười...

Ốc bươu vàng. Tranh của Chóe

 

Trong cuộc trò chuyện đó, tôi và anh đều nhắc đến một người mà cả hai cùng kính trọng: anh Tống Văn Công, nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Công đoàn. Năm 1990, Choé chán nản, gần như tuyệt vọng, quyết buông cái nghiệp biếm họa. Chính anh Tống Văn Công đã thuyết phục rồi tạo điều kiện để Choé thể hiện khả năng của mình. Góc của Choé trên báo Lao động ra đời và nổi tiếng từ đó.
Tranh biếm của Chóe
 
                                                                  
Anh chàng quê tận An Giang sinh năm 1943 này nghe nói chỉ mới học có lớp hai!!! Hồi nhỏ, chuyên mài mực tàu cho ông nội viết chữ nho. Lên 7 thỉnh thoảng mày mò vẽ chơi, năm 14 tuổi có học qua một tý chút tranh pháo ở trường làng, 16 tuổi bỏ lên Sài Gòn kiếm sống...
 
Năm 20 tuổi, mê rồi tìm cách làm thơ đăng báo để ”cưa” và “cưa đổ” người đẹp Nguyễn Thị Kim Loan, người có bằng tú tài đàng hoàng và rất hâm mộ văn chương... Người đẹp trở thành người vợ thủy chung, là niềm tin, niềm tự hào của Choé - đặc biệt vào những tháng ngày bi thảm nhất cuộc đời anh.
Tranh biếm của Chóe
 
Choé là một tài năng lớn, đa dạng hiếm có: văn, thơ, nhạc, họa thứ gì cũng giỏi (nhưng toàn tự mày mò học). Choé trở thành họa sĩ biếm hết sức tình cờ. Họa sĩ biếm chuyên nghiệp của báo Diễn đàn nghỉ việc. Bí quá, người ta giao cho anh “thế mạng”- người trước đó chỉ viết thơ, văn là chính, ai ngờ với biếm họa, anh thành công quá sức tưởng tượng.
 
Những năm 1970, chiến tranh Việt Nam là tâm điểm của dư luận thế giới. Nhà báo Mỹ Bary Hilton thu thập
         Chân dung Nixon
(vẽ trong chiến tranh chống Mỹ)
một số tranh biếm họa của anh, in thành cuốn sách The World Of Choé (Thế giới của Choé) phát hành ở Mỹ năm 1973 và gọi anh là “họa sĩ biếm số 1 Việt Nam”.
 
Các báo Time, Newsweek... trích đăng biếm họa của anh. Năm 1973, báo New York Times bình chọn Choé là một trong 8 họa sĩ biếm xuất sắc nhất thế giới thập kỷ 1970. Năm 1995, Nhật mời Choé tham dự triển lãm biếm họa châu Á ở Tokyo về đề tài Phụ nữ nước tôi. Năm 2004, 29 tranh chân dung đặc sắc của Choé về những người phụ nữ đoạt giải thưởng Nobel được trưng bày trang trọng ở Stockholm nhân Ngày Việt Nam ở Thụy Điển...

Như để bù lại những năm tháng mất đi một cách bi đát vì thời cuộc, Choé vẽ cật lực không ngừng... Nhưng căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ anh. Thị lực của anh gần như mất hẳn. Gia đình và bè bạn giúp đưa anh sang Pháp, rồi sang Mỹ chữa bệnh nhưng tất cả đã quá muộn. Ngày 12/3/2003, họa sĩ Choé đã mất tại Virginia (Mỹ) ở tuổi 60. Khi biết mình bệnh, anh mong sao sống thêm 5 năm để vẽ nốt những mảng đề tài còn dở dang. Nhưng nửa chừng, Choé phải ra đi mãi mãi, mang theo nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng về số phận con người và thời cuộc.

Biếm họa Việt Nam đã mất đi người họa sĩ biếm tài năng bậc nhất, để lại bao thương tiếc trong lòng hàng chục triệu người ngưỡng mộ khắp trong và ngoài nước.

Lý Trực Dũng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm