Hình ảnh những phiên chợ xưa

06/04/2014 14:21 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi có trong tay một số hình ảnh do người Pháp chụp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 về những phiên chợ ở nước ta, và một số tranh của các họa sĩ vẽ về chợ. Đó là bức chợ Thăng Long, tranh dân gian Hàng Trống, tranh chợ Vạn Linh của họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ năm 1957, bức tranh in khắc gỗ Chợ Nhông của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung năm 1958. Mỗi một bức ảnh, một bức tranh vẽ về chợ có sắc thái và hình ảnh khác nhau ít nhiều nhưng cái tinh thần của người Việt Nam đi mua và bán ở chợ cho đến nay vẫn không khác là bao.

Bức ảnh chợ ở Bắc Kỳ trong sưu tập của SCGM, do những nhà nhiếp ảnh người Pháp chụp đầu thế kỷ 20 cho thấy một chợ phiên ở làng quê Việt Nam rất rõ nét. Đàn ông thì đội nón tam giác, đàn bà đội nón thúng (nón ba tầm) và hầu hết dân đi chợ là phụ nữ. Tựa sát vào hàng rào cây là những quán chợ, nhà lá lợp tạm chỉ đủ che chút nắng mưa, còn phần lớn người buôn bán tự do ngồi ngoài trời với đủ các loại rau củ quả. Một bức ảnh chi tiết hơn về hai người nông dân cáng lợn ra chợ rất sinh động.


Chợ Nhông, Nguyễn Tiến Chung, in khắc gỗ, năm 1958

Bức tranh dân gian Hàng Trống Chợ Thăng Long có lẽ là hình ảnh cổ xưa nhất về chợ Việt Nam được ghi nhận lại, vì theo các nguồn tư liệu về tranh dân gian, thì tranh Hàng Trống thịnh hành trong thế kỷ 18. Trong bức tranh này, khu vực bán gia súc và gia cầm được vẽ rõ nét, cạnh đó là các quán chợ làm nghề rèn, bốc thuốc, hàng xén và cả một hàng ăn rong nữa. Người ta cho rằng đây là hình ảnh chợ của Thăng Long vào thế kỷ 19, trước khi người Pháp có mặt ở Hà Nội. Trong suốt thế kỷ 20, chiến tranh liên miên, việc họp chợ vẫn diễn ra nhưng ít thường xuyên hơn, và quy mô nhỏ hơn, nhất là trong thời kỳ bao cấp, Nhà nước quản lý về thương mại. Tuy nhiên hai bức tranh về chợ của họa sĩ Nguyễn Thụ và Nguyễn Tiến Chung cũng phần nào cho thấy hình ảnh chợ Việt Nam thời kỳ đầu hòa bình sau kháng chiến chống Pháp. Bức Chợ Vạn Linh của Nguyễn Thụ vẽ ngày 18/3/1957. Đây là một chợ nhỏ của người Tày ở Chi Lăng, Lạng Sơn chuyên buôn bán lâm thổ sản.

Theo như bức vẽ Chợ Vạn Linh có vài dãy nhà tạm dựng lên để buôn bán gần một quả núi, xung quanh là rừng núi cả, vùng này là một bãi bằng trên vài quả đồi thấp. Người đi chợ cũng thưa thớt, chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng. Bức Chợ Nhông của Nguyễn Tiến Chung là một bức tranh in khắc gỗ năm 1958. Chúng tôi cho rằng đây là chợ Nhông thuộc xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Tây xưa, nay thuộc về Ba Vì, Hà Nội. Chợ này đã có những nhà xây lợp ngói, tuy nhiên hình ảnh người nông dân Hà Tây đi chợ Nhông cũng không khác gì những người trong hai bức ảnh mà người Pháp chụp. Có thể nói trong thời gian đó đời sống nông thôn Việt Nam thay đổi rất chậm. Hầu hết nông dân vẫn đội nón thúng, mặc áo hai thân, tứ thân hoặc áo cánh cộc, chân đi đất và buôn bán rau hoa quả và ít gia cầm nuôi từ gia đình.

Mặc dù thương mại đóng vai trò rất nhỏ bé trong xã hội phong kiến và trong thời bao cấp, kinh tế thị trường chưa có, chợ chỉ là kinh doanh tiểu thương của người Việt Nam, lãi suất không cao, không có sự tích lũy tư bản chủ nghĩa, hàng hóa hoàn toàn là sản phẩm nông nghiệp, dư thừa một chút thì đem bán đi để mua vài mặt hàng khác mà gia đình mình không có. Tuy nhiên ý nghĩa văn hóa của chợ phiên Việt Nam lại rất quan trọng với người Việt, đi chợ, chơi chợ, họp chợ… là những dịp trao đổi, gặp gỡ, kết chạ, tìm gặp người thân quen, còn việc mua bán lãi lờ không có mấy ý nghĩa.

Trên đây là hình ảnh về những phiên chợ này:

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm