Hiền hòa như lễ hội tại Nam bộ (Kỳ 2): Cốt lõi văn hóa làm nên sự 'hiền hòa'

13/03/2015 10:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nam bộ có 3 lễ hội lớn là vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang, với trung bình khoảng 1 triệu lượt người tham dự), lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang, khoảng 600 ngàn người) và lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer (chủ yếu ở Sóc Trăng, Trà Vinh, khoảng 400 ngàn người).

Ba lễ hội nói trên thực sự là “thời điểm mạnh” của cộng đồng: vừa là dịp để con người giao tiếp với đấng thiêng liêng, lại vừa là dịp để thực hành tinh thần dân chủ, thể hiện chất nhân văn nhân bản, nghĩa là dịp để con người củng cố mối quan hệ tốt đẹp với nhau.

Gìn giữ sự thiêng liêng

Lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27/4 âm lịch, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẹ Đất của lưu dân người Việt trên vùng đất mới. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội vía Bà là nghi thức tắm Bà diễn ra vào lúc 24h ngày 23 rạng sáng 24/4 âm lịch. Đây thực chất chính là nghi thức cầu mưa phổ biến của cư dân nông nghiệp vào lúc cao điểm của mùa nắng. Như vậy, lễ vía Bà không chỉ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, với công cuộc khai cương thác địa ở vùng Châu Đốc tân cương mà còn là lễ nghi nông nghiệp thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/8 âm lịch. Sinh thời, ông Nguyễn là đại tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nên sau khi hy sinh ông sớm được tôn thờ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và sau này là Phật giáo Hòa Hảo với danh hiệu Quan Thượng đẳng đại thần.


Lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 2009 có khoảng 900 ngàn lượt người, năm 2013 có gần 1 triệu lượt người. Ảnh: Huỳnh Phương   

Chính vì vậy mà lễ giỗ này chỉ sử dụng thức ăn chay để cúng và đãi khách thập phương. Mỗi kỳ giỗ ông tại đây tiêu thụ đến hơn 60 tấn gạo và hàng trăm tấn thực phẩm các loại do bá tánh tự nguyện quyên góp. Như vậy, ở lễ giỗ ông Nguyễn có sự hòa trộn giữa tín ngưỡng anh hùng dân tộc và niềm tin tôn giáo. Chính nguồn cội tâm linh đó làm nên sức thu hút lớn lao của lễ giỗ ông Nguyễn và tính chất tự nguyện tự giác, nhiệt tình, vô tư và hòa hiếu của hơn nửa triệu người tham gia.

Lễ hội Ok-om-bok được tổ chức vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch, lúc cao điểm của mùa nước lũ trong năm và là thời điểm chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mùa. Gồm nhiều lễ thức và tiết mục, trong đó đút cốm dẹp cho trẻ con ăn chính là nghi thức cầu mùa; thả đèn nước (hoa đăng) chính là nghi thức tạ ơn thần nước; và thả đèn gió (đèn trời) chính là nghi thức cầu tạnh để bắt đầu thu hoạch. Tiết mục hấp dẫn nhất trong lễ hội Ok-om-bok chính là đua ghe ngo, nhằm cổ vũ tinh thần thượng võ, sức mạnh của hợp quần đồng thời mang ý nghĩa ma thuật nhằm tiễn nước.

Với ý nghĩa thiêng liêng đó, mỗi dịp tham gia lễ hội là một cuộc hành hương, là một sinh hoạt vừa đời thường vừa tâm linh, là dịp soát xét lương tâm, bồi dưỡng lương tri để hướng thiện. Đó cũng chính là quan niệm về lễ hội của đồng bào Khmer: Lễ hội chính là dịp để “làm phước”, tức làm những việc tốt đẹp để tích luỹ phước báo cho kiếp sau. Chính vì vậy mà phần lớn các lễ hội Khmer đều được gọi là “bund”, nghĩa là “đám phước” theo tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo.

Theo nghĩa đó, người ta đến lễ hội là để cho đi chứ không phải để nhận về, không phải để mưu lợi, càng không phải để tranh đoạt.

Tôn vinh một hệ giá trị

Theo chúng tôi, có được diện mạo tốt đẹp như trên là vì ba lễ hội này chứa đựng cái cốt lõi văn hóa quý giá bên trong nó: chất nông nghiệp và tinh thần dân tộc. Chính chất nông nghiệp làm nên tính hiếu hòa và tinh thần dân tộc làm nên sự đoàn kết, thương yêu nhau giữa những người tham dự.

Tuy nhiên, bao trùm trên hết vẫn là bản chất lưu dân nơi vùng đất mới. Chính cái chất phóng khoáng, rộng rãi, lòng bao dung và đức vị tha vốn có của lưu dân làm nên đức tính hòa hiếu của người dân, mà lễ hội chính là dịp thể hiện tập trung nhất phẩm chất tâm hồn của họ.

Nói cách khác, ba lễ hội đó tưởng chừng để hướng đến đấng thiêng liêng và hoài vọng về quá khứ, nhưng thực ra mục đích cuối cùng chính là hướng đến những con người cụ thể tham gia lễ hội này và phục vụ cho đời sống hiện tại. Do đó, trong thời khắc lễ hội, cái thiêng và cái tục hòa làm một, con người hòa cùng đất trời và đấng thiêng liêng, cá nhân hòa mình vào cộng đồng, cộng mệnh và cộng cảm với nhau. Con người trong hiện tại phút chốc được thăng hoa cùng vũ trụ, trải lòng cùng lịch sử dài dằng dặc của tiền nhân.

Lễ hội, theo đúng nghĩa của nó, phải tôn vinh một hệ giá trị của con người và tuyệt đại đa số người tham gia phải cùng mặc định cảm thông, chia sẻ giao ước thầm lặng này. Do đó, một khi lễ hội mà đa số người tham gia chỉ chăm chăm thu vén “chiến lợi phẩm” về mình, thậm chí ẩu đả nhau để giành phần cho mình, thì đó chính là hình thức thể hiện tập trung nhất cho cái tâm thế tranh đoạt vị kỷ trong đời sống hàng ngày của họ. Khi đó lễ hội không còn là lễ hội theo đúng nghĩa của nó, mà là hình thức mê tín dị đoan, là cơn lên đồng tập thể của những kẻ điên tiết vì tranh đoạt.

Th.S Lê Công Lý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm