Hãng phim nhà nước: Ngồi nhìn 'cá gỗ' chờ tiền làm phim

12/07/2013 13:15 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Dự án làm phim đã duyệt, ngày nộp phim cũng đã ấn định nhưng tiền thì chưa được chi. Các hãng phim nhà nước như ngồi trên đống lửa.

Sau 2 năm điện ảnh nhà nước “đóng băng”, tới tháng 6 năm nay Bộ VH,TT&DL đã phê duyệt kế hoạch đặt hàng sản xuất các phim phục vụ cho dịp lễ và LHP Quốc tế Hà Nội, gồm: Sống cùng lịch sử, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Những đứa con của làng.

1.Những đứa con của làng được giao cho Công ty TNHH MTV Nam Phương (Hongngatfilm). Bộ phim này đã từng được duyệt từ thời ông Lại Văn Sinh còn làm Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhưng sau scandal “thụt két” tại Cục tới giờ phim mới được cấp kinh phí. Hãng phim dự kiến cần 9 tỷ đồng để làm, nhưng chỉ được cấp 6 tỷ đồng nên đang kêu gọi thêm đối tác. Một mặt hãng vẫn phải ngồi chờ kinh phí về.

Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải phóng cũng cùng cảnh ngộ. Dự án phim cổ trang Mỹ nhân chưa khởi động vì vẫn chờ kinh phí. Được biết, có thể phim sẽ là đại diện Việt Nam dự LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF 2014) sẽ được tổ chức tháng 10/2014. Chỉ còn hơn một năm HANIFF khai màn, trong khi riêng khâu làm trang phục đã mất 3 tháng.

Hai dự án lớn nhất được giao cho “anh cả” Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam. Đó là phim Nhà tiên tri làm cho dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sống cùng lịch sử làm cho dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hai phim này đều có thời hạn nộp vào khoảng tháng 3 năm sau và hãng chưa biết làm thế nào để kịp tiến độ.


Những người viết huyền thoại - bộ phim nằm trong kế hoạch sản xuất của năm 2009 đến nay vẫn chưa thể ra mắt

Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho biết: “Một bộ phim tốc độ làm nhanh nhất cần một năm, có phim kéo dài tới hai năm. Như thế mới đủ để người làm có thời gian tư duy, sản xuất và làm hậu kì. Trong khi đó chúng tôi chỉ có một nửa thời gian cần thiết để làm hai bộ phim. Cái này cũng có lỗi của Hãng đã biết lịch kỉ niệm nhưng không làm kịch bản sớm để nhà nước còn có sự chuẩn bị sớm.

Hãng dự toán kinh phí Sống cùng lịch sử phải khoảng 30 tỷ đồng nhưng vì năm nay kinh tế khó khăn, nên nhà nước chỉ duyệt 21 tỷ đồng. Tiền ít thì chúng tôi buộc phải cắt xén bớt yêu cầu nghệ thuật đi, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu làm một bộ phim ra tấm ra món”.

2. Thực tế thủ tục đầu tư kinh phí cho các hãng phim nhà nước lâu nay vẫn mang tiếng “siêu” chậm. Trong cuộc tọa đàm về chiến lược phát triển điện ảnh tới năm 2020 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại cơ chế để ngành văn hóa chủ động chi kinh phí cho điện ảnh.

Hiện tại Cục Điện ảnh hằng năm phải gửi các dự án phim cho Bộ VH,TT&DL duyệt. Nhưng đơn vị có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện lại là Bộ Tài chính. Cơ chế rườm rà, mệt mỏi như thế nào những người trong cuộc đều biết cả. Đó là còn chưa kể những quy định về phí, lệ phí đã lỗi thời, kinh phí duyệt luôn thấp hơn so với giá thị trường khiến phim nhà nước luôn trong tình trạng phải giật gấu vá vai.

Ngoài ra, cho đến bây giờ phim nhà nước vẫn không có phí quảng bá phim. Phim làm xong không vào nổi các rạp tư nhân hoặc có vào được cũng không thể trụ lâu. Kết quả là phim chỉ được chiếu miễn phí trong các dịp kỉ niệm, còn lại là cất kho.

Trong nhiều năm nay các hãng phim nhà nước rơi vào bi kịch “Đời thừa”. Dù họ mạnh hơn hẳn về đội ngũ nhân lực, máy móc nhưng cơ chế vận hành có vấn đề nên buộc phải ra rìa thị trường điện ảnh khi bước vào thời kỳ xã hội hóa. Để nuôi quân, họ buộc phải đi làm phim truyền hình hoặc “đánh thuê”.

Trong các cuộc họp của ngành điện ảnh trong những năm gần đây chỉ thấy nỗi buồn, sự chán nản... Ông Thái Hòa - Giám đốc Hãng phim Giải phóng - từng than thở: “Ba bốn năm trở lại đây hãng không tham gia thị trường làm phim điện ảnh nữa, toàn để cho tư nhân làm. Cũng tự ái lắm nhưng hệ thống chiếu bóng là đầu ra của điện ảnh đều nằm trong tay tư nhân. Phim mình kinh phí ít thì sao đủ khả năng để trụ rạp với bom tấn nước ngoài”.

Bốn bộ phim Sống cùng lịch sử, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Những đứa con của làng tạm thời đã mang tiền về cho các hãng phim nhà nước, nhưng chưa thể khiến những người làm nghề bớt mông lung về số phận của hãng mình.

Linh Lan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm