Hà Nội - trăm năm trong 'bóng thời gian'

04/02/2014 11:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - So với những bức ảnh đen trắng cổ điển và u buồn, thì những bức ảnh màu thô sơ quý giá này mang đến một Hà Nội nguyên vẹn, tinh khôi từ 100 năm trước. Ở đó, có nắng vàng tươi, có Hồ Gươm biếc xanh, có những con người da thắm thịt hồng... Tất cả như mới diễn ra hôm qua, như còn gặp ở đâu đây trong hoài cảm về “bóng thời gian”.

Đó là những bức ảnh màu “đời đầu” của Leon Busy, chụp Hà Nội cách đây 1 thế kỷ.

Thời gian đã bắt những bức ảnh màu của Leon Busy phải trải qua một hành trình dài. Tháng 7/1914, viên sĩ quan hậu cần Pháp tới Hà Nội từ cảng Marseille cùng với đống thiết bị cồng kềnh của mình. Tháng 12/2013, hơn 60 bức ảnh màu của ông lần đầu tiên được trưng bày tại đây. Có nghĩa, sự oái oăm của lịch sử đã bắt những tác phẩm này phải đi hết cung đường 100 năm, trước khi trở về đúng nơi từng khai sinh ra nó.

Và theo dòng chảy thời gian, cái nhìn của Việt Nam cũng dần vượt lên định kiến hẹp hòi của một thời. Không phải lần đầu, đóng góp về văn hoá của những người Pháp như Leon Busy được tôn vinh bằng sự trân trọng và hân hoan như thế. Nhưng, ở trường hợp này, những bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội sắc màu 1914 - 1915” còn mang theo nó nhiều hơn là câu chuyện của một cá nhân...


Hồ Gươm

Trong “Thư khố hành tinh”

Trước Leon Busy (1874 - 1951), cơ duyên để có những bức ảnh này phụ thuộc vào một cái tên khác: Albert Kahn (1860-1940). Albert không phải một nghệ sĩ nhiếp ảnh, và cũng không phải là người tìm ra công nghệ chụp ảnh màu vào đầu thế kỉ XX - điều mà một người bạn thân của ông là Lumiere đã làm được. Albert chỉ là một chủ ngân hàng, một doanh nhân thành đạt nhờ kinh doanh vàng và kim cương mua từ Nam Phi.

"Nhưng, thật may mắn mà thế giới có một Albert Kahn" - nhà sử học Dương Trung Quốc nói. Ông Quốc là một trong những người Việt Nam hiếm hoi có dịp tới thăm bảo tàng Albert Kahn tại Paris. Bảo tàng với 72 vạn tấm ảnh màu và 18 vạn thước phim này là di sản mà Albert để lại cho nhân loại, trong đó có hơn 1.300 bức ảnh về Việt Nam.

Năm 1903, Lumiere phát minh ra công nghệ chụp ảnh màu ở dạng sơ khai, với việc sử dụng cộng hưởng hỗn hợp tinh bột khoai tây nhuộm 3 màu lục, cam, tím trên một chất nền bằng kính.Cơn sốt ảnh màu, cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn đã tạo nên thú chơi bưu ảnh phổ biến khắp châu Âu. Vì đã có thời gian tham gia nhiều chuyến du khảo, Albert Kahn khao khát được tận hưởng mọi cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán của các nền văn hoá trên Trái đất. Và, ông hiểu rằng công nghệ ảnh màu có thể giúp mình vượt qua được những điều bất khả thi về thời gian và địa lý, bởi chẳng ai có thể một mình đi khắp thế giới này...

Một phần lớn tài sản của Albert Kahn được đầu tư để mua thiết bị và thuê các nhiếp ảnh gia đi khắp thế giới. Trong 2 thập kỷ, kể từ 1909, họ mang về cho Albert bộ sưu tập ảnh khổng lồ mà ông đặt tên là Thư khố của hành tinh. Để rồi, khi phá sản vào năm 1932, toàn bộ những gì Albert sở hữu đều bị sung công. Ông mất 8 năm sau đó mà không có người thừa kế.

"Đó là câu chuyện thú vị về một con người phá sản trên thương trường nhưng lại thành công tột bậc về văn hoá" - nhà sử học Dương Trung Quốc nói - "Tiền bạc của Albert có thể mất hết, nhưng di sản nghệ thuật này lại khiến cái tên Albert khắc sâu vào trí nhớ của mọi người".


 Văn Miếu

Ông Tây “ma xó” từ 100 năm trước

Trước khi tới Hà Nội vào năm 1914, Leon đã có 4 chuyến đi tương tự tới Bắc Kỳ. Cả 4 chuyến đi ấy (lần đầu tiên vào năm 1899) đều diễn ra trong một thời gian ngắn, với những công việc đặc trưng của một sĩ quan trong Bộ thuộc địa Pháp. Giữa chuyến đi thứ tư và thứ năm ấy là 2 giải thưởng của Hội nhiếp ảnh Pháp trao cho ông vì những bức ảnh màu chụp Đông Dương - "bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa của Pháp", như lời Albert Sarraut, cựu toàn quyền khu vực này. Chừng ấy là đủ để dự án Thư khố của hành tinh chấp nhận Leon là người thực hiện các loạt ảnh trên đất Đông Dương kể từ 1914.

Những tư liệu ít ỏi còn lưu lại cho thấy Leon Busy cũng là một "ma xó" ở Việt Nam theo cách gọi bây giờ. Ông nói thạo tiếng Việt, từng đặt chân tới nhiều vùng quê, am hiểu khá rõ về nếp sống và các sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân Bắc Bộ. Trong thời gian từ 1914 - 1921, Leon cung cấp cho dự án của Albert hơn 1.300 bức ảnh. Hầu hết các bức ảnh được thực hiện tại Hà Nội, ngoài ra còn một số khác chụp tại Sơn Tây, Lạng Sơn, Sài Gòn, Hải Phòng...

"Tại Paris, tôi có dịp xem tổng thể số ảnh của Leon. Quãng thời gian sống tại Việt Nam đã trang bị cho ông cái nhìn nhạy bén của một nhà xã hội học và dân tộc học" - ông Quốc nói - "Hầu hết các di tích, phong cảnh đặc biệt của Hà Nội khi đó như Văn Miếu, Đền Quán Thánh, cầu Doumer (Long Biên), Phủ Toàn quyền... đều được Leon khảo tả kỹ ở những góc độ đặc thù. Tương tự, cũng phải kể tới những phong tục tập quán, trang phục và diện mạo con người - trong đó nhân vật được trải rộng từ những người dân vô danh cho tới gia đình Tổng đốc Hoàng Trọng Phu hoặc bà Tư Hồng, người đã trúng thầu phá thành Hà Nội".


Ông Đồ bày câu đối Tết ở Hà Nội cách nay 1 thế kỷ

Bóng thời gian trên những bức ảnh màu

Triển lãm tại Hà Nội do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức chỉ lựa chọn hơn 60 bức ảnh của Leon từ số ảnh kính đang được lưu giữ tại Paris. Và cũng chỉ tập trung quanh đề tài Hà Nội. Thế nhưng, ngần ấy cũng đủ để người xem cảm thấy ngỡ ngàng pha chút luyến tiếc về không gian thanh bình và mộc mạc của một Hà Nội đầu thế kỷ.

"Người Pháp đã có những bức ảnh chụp Việt Nam ngay từ năm 1860. Nhưng, khác với sự cổ điển, mực thước của ảnh đen trắng, những bức ảnh màu thô sơ này lại có một nét đẹp riêng" - KTS Đoàn Bắc, nhà sưu tập ảnh Hà Nội cổ, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa - "Kỹ thuật cũ không tạo ra sự sắc nét như nhiếp ảnh hiện đại. Bù lại, chiều nét rất sâu, cùng những gam màu mộc mạc của nó, khiến chúng ta có cảm giác rất rõ về bóng dáng của thời gian..."

Những con đường đất, không gian thoáng đãng của Văn Miếu, Hồ Gươm, những người phụ nữ với áo yếm, những nhà nho với móng tay dài... Hà Nội đầu thế kỷ XX trong khuôn hình của Leon chưa chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu "Âu hoá" phương Tây nên còn đậm tính nguyên sơ và trong trẻo. Rồi, lẫn trong đó là những tín ngưỡng, tập quán đậm màu sắc Á Đông về đạo Lão, đạo Nho, đạo Tam phủ, Tứ phủ hay việc thờ Thành hoàng bản địa... Tất cả đều được Leon ghi lại một cách khá tinh tế và tỉ mỉ qua những bức ảnh của mình. Và, bởi đặc tính của ảnh màu thời kỳ ấy là chỉ chụp được cảnh tĩnh, nên người ta không khó để hiểu được tay máy người Pháp này đã phải vất vả thế nào để sắp đặt được những cảnh sinh hoạt độc đáo ấy, với đống máy móc thô sơ và khổng lồ của mình.

Cũng như Albert Kahn, Leon Busy đã là người thiên cổ. Nhưng, tình cảm và sự quan tâm của ông tới văn hoá Việt Nam vẫn đang được đón nhận ở đây, 100 năm sau...

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm