GUNTER SACHS: Chàng Playboy cuối cùng

29/04/2009 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nổi tiếng là một người đa năng - một nghệ sĩ thành đạt, một doanh nhân giàu có, một nhà thể thao có tiếng, một tác giả bestseller…, Gunter Sachs còn được gắn thêm mác “chàng Playboy cuối cùng”, theo nghĩa khởi thủy tích cực của từ này. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên người chồng cũ của nữ hoàng điện ảnh Pháp Brigitte Bardot (B.B) lại “được” nhận cái danh ấy…

Sinh năm 1932, ngay thời tuổi trẻ, doanh nhân Gunter Sachs đã gặt hái ngay được nhiều “quả ngọt”. Trong thời gian rảnh rỗi, ông tập trượt băng và ngay lập tức giật giải Á quân đội trẻ châu Âu 1959. Trong những thập kỷ 1960 và 1970, ông cho ra 6 phim tài liệu và nhanh chóng thu về nhiều giải thưởng giá trị. Hiện thời, Gunter Sachs đang thích chụp ảnh - và khối lượng các tác phẩm nhiếp ảnh của ông đã đủ nhiều và trên cả đủ đẹp để được đem trưng bày tại hơn 40 triển lãm quốc tế. Lâu đài Tsaritsyno ở Moskva hiện đang trưng bày một triển lãm ảnh lớn của nghệ sĩ đặc biệt này.
 
Một bức ảnh của Gunter Sachs
 
Như thể còn chưa đủ sung túc, Gunter Sachs còn được thiên phú cho năng khiếu của một nhà sưu tầm đồ cổ có hạng. Ngay từ khi các nghệ sĩ pop art như Andy Warhol và Roy Lichtenstein chưa được ai biết tên thì ông đã mua hết tác phẩm của họ; sau này chỉ riêng tiền lãi từ đó cũng đã làm ông trở thành triệu phú. Thậm chí thánh địa của khoa học cũng ghi dấu chân Sachs với một công trình nghiên cứu chiêm tinh học về mối quan hệ giữa vị trí sao trời với nhân cách, được công nhận có cơ sở khoa học và trở thành một best-seller quốc tế.
 
Cuộc đời riêng của ông không ít hào quang. Giữa những năm 1960, ông kết hôn với nữ diễn viên Brigitte Bardot, biểu tượng tình dục của màn bạc thời bấy giờ. Từ năm 1969 đến nay, ông sống với người mẫu Thụy Điển Mirja Larsson và hai con ở Paris.
 
GunterSachs và BB

Chân dung của “chàng Playboy cuối cùng” vừa qua đã phần nào “lộ diện” khi ông có cuộc gặp gỡ giới báo chí tại Nga.

* Thưa ông Gunter Sachs, năm ngoái ông có triển lãm tổng kết ở Leipzig (Đức) và coi đó là triển lãm cuối cùng của mình. Có lý do đặc biệt nào để hôm nay ông hiện diện ở Moskva?

- Là một người lữ hành tò mò và không mệt mỏi, tôi đã đi khắp thế giới và từ những năm 1960 đã nhiều lần đến Moskva. Ngày xưa, thành phố này là một thủ phủ xám xịt và buồn tẻ, nhưng hôm nay nó có sức hấp dẫn khó cưỡng lại được. Thêm một lý do nữa là lâu đài Tsaritsyno, ngoài những phòng triển lãm hoành tráng, còn có thêm ba rạp phim để tôi chiếu phim của mình.

* Ông đã làm triển lãm hai lần trước ở Nga, vậy nhất định ông phải có quan hệ đặc biệt với xứ sở này?

- Đúng thế. Tôi cho rằng trong huyết quản của tôi có vài giọt máu Nga, hoặc cũng vì hồi sống ở Paris tôi có nhiều bạn bè từ tầng lớp quý tộc Nga và mối quan hệ ấy đã góp phần tạo dựng nhân cách tôi. Tôi cũng tin rằng mối tình sâu nặng với nữ họa sĩ Nga Paule Cals là một lý do đáng nhắc đến. Ngày còn trẻ, tôi có một thần tượng là George Gamov, cộng tác viên trong nhóm Edward Teller “cha đẻ của bom nhiệt hạch”, đồng thời là người lý giải Vụ Nổ Lớn cũng như viết ra nhiều sách khoa học thú vị. Nói gì thì nói, mối quan hệ nội tâm của tôi với cái gọi là “tâm hồn Nga” là một điều không thể phủ nhận.

* Hiếm khi thấy những người nổi tiếng thời nay biết kếp hợp thành công giữa kinh tế với một phong cách sống cao sang, như ông đã từng thể hiện hồi thập kỷ 1960.

- Có lẽ tôi nhiều may mắn. Lấy ví dụ: tôi sưu tầm nghệ thuật không phải vì coi đó là hình thức làm kinh tế, mà vì tôi tôn kính nghệ thuật và cũng vì tôi hít thở tinh thần thời đại giống các nghệ sĩ mà tôi được phép kết bạn. Hay ta thử xem Saint - Tropez. Hôm nay Saint - Tropez là tụ điểm của nghệ sĩ và những người có máu mặt trong xã hội. Nhưng hồi những năm 1950, khi chúng tôi phát hiện ra cái làng đánh cá mơ mộng này của Pháp thì ở đó chưa có gì ngoài bảo tàng Musée de l’Annonciade.

* Nhờ ông mà Saint - Tropez có hào quang của ngày hôm nay, tuy rằng khái niệm “hào quang” đã bị thay đổi, ít nhiều mang vẻ tiêu cực.

- Tôi đã có lần nhận xét như sau: “Những gì của văn minh thời hậu chiến sinh ra như tính văn hóa, tính quốc tế, Playboys... bây giờ đã khác trước”, tuy tôi không muốn vơ đũa cả nắm và đánh đồng mọi lĩnh vực. Saint - Tropez là cảm xúc sống mới của giới trẻ, được nuôi từ mầm xanh mới mọc chứ không phải đem tiền ra mua xổi được. Hôm nay ai có tiền là có thể mua vé để bước vào giới thượng lưu.

* Ông sống từ 40 năm nay trong một cuộc hôn nhân êm ấm. Mặc dù vậy, không có bài báo nào nói đến ông mà lại thiếu chữ “Playboy”, vì sao vậy?

- Báo chí là vậy, họ gọi một số người là người hùng, những người khác là Playboy, v.v... Thậm chí họ còn hãnh diện đã “phát minh” ra một danh từ mới để cứ thế nhai đi nhai lại, quên rằng đôi khi làm biến dạng cả khái niệm. Lấy đâu ra chữ “Boy” cho một người 77 tuổi như tôi?
 
Gunter Sachs và B.B hồi những năm 1960

* Khái niệm này có khiến ông bực mình?

- Khái niệm khởi thủy của “Playboy” không hề mang tính tiêu cực. Ngày xưa Playboy trong xã hội quốc tế là một người trẻ tuổi, đẹp trai, dễ mến theo cách hiểu khác với hôm nay. Đó là những người thông thạo thế giới, biết nhiều ngoại ngữ, biết tận hưởng hội hè, cư xử lịch thiệp và phần lớn có phong vẻ rất thể thao - họ có sức hấp dẫn tự nhiên đối với phụ nữ.

* Ông là người nghiện công việc, sáng nào cũng ngồi máy tính từ lúc 6 giờ. Sao ông không dành thời gian tận hưởng cuộc sống?

- Cả đời tôi có một động lực là trí tò mò ham hiểu biết. Tôi luôn tìm cách nhìn ra phía sau những điều huyền bí, sau tất cả những gì cuốn hút tôi. Nếu trí tò mò của tôi gặp phải một đích ngắm hấp dẫn thì thậm chí tôi sẽ đặt cược với quỷ sứ để được khám phá nó. Một minh chứng là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của tôi về chiêm tinh học không mang màu sắc dị đoan mà sau này được giới khoa học “tâm phục khẩu phục” công nhận. Nếu cứ để thời gian trôi đi mà không đem lại gì thì chẳng khác chấp nhận việc để cho một người chống nạng chạy vượt lên trước mình. Dĩ nhiên tôi cũng phải ngủ, nhưng rủi thay - hoặc may mắn thay - tôi hay thức dậy vào giữa đêm: đó là thời điểm nảy ra những ý tưởng quý giá và là thời gian để ta chắt lọc được những tinh hoa.

* Cụ nội của ông là nhà công nghiệp nổi tiếng Adam Opel. Chắc chắn ông có nhiều suy nghĩ về cuộc khủng hoảng hiện tại đối với tập đoàn sản xuất ô tô Opel?

- Dĩ nhiên về cảm tính thì sự kiện này làm tôi mất ăn mất ngủ, vì đây là một phần lịch sử dòng họ cũng như truyền thống lâu đời của doanh nghiệp, nhưng cũng vì mẹ tôi là người cả đời tâm huyết với Opel. Dù hiện tại rất khó khăn về kinh tế và kỹ thuật, tôi không thể hình dung nổi là người ta sẽ dễ dàng đóng cửa một nhà máy có triển vọng như Opel. Theo tôi, đó có lẽ sẽ là một sự hủy diệt, mà không chỉ hủy diệt giá trị vật chất.
 

* Trong triển lãm Moskva, ông cũng trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh mới.

Gunter Sachs bên bức ảnh chụp siêu mẫu Claudia Schiffer
- Nhiếp ảnh thử nghiệm luôn là một đề tài hấp dẫn tôi từ những ngày còn làm phim tài liệu. Cách đây 40 năm, tôi đã sử dụng máy quay phim cao tốc thường chỉ dùng cho mục đích khoa học; máy này ghi lại 10.000 hình/giây, một thành tích kinh khủng về cơ học. Dựa vào đó, gần đây tôi nảy ra ý định bắn màu vẽ lên da người mẫu và ghi hình bằng tốc độ 1/2.000 giây trước khi màu chạm đến da. Một công việc rất lý thú. Tôi tặng một đoạn phim cho Yves Klein và anh ta chỉ quan tâm lúc màu đập lên da, còn tôi thì thích khoảnh khắc trước khi xảy ra va chạm. Trong triển lãm này tôi trưng bày một ảnh đen trắng của Yves Klein cạnh ảnh Màu Lam của tôi ở Tsaritsyno. Tôi cũng có loạt ảnh về vụ nổ màu mà thử mãi mới chụp được. Chúng sẽ hợp thành bộ ba. Ở sân trời của bảo tàng treo 5 dải lụa tơ tằm dài hơn 6 thước, in bằng máy in phun liền một công đoạn cũng là một thử nghiệm phức tạp.

* Và đây sẽ là triển lãm cuối cùng?

- Đúng và không đúng. Sau đó tôi còn một triển lãm nhỏ hơn ở Bảo tàng Frieder Burda tại Baden - Baden nhân New Pop Festivals 09. Trong mọi trường hợp, tôi muốn tiếp tục chụp ảnh nghệ thuật và làm sách.
 
Ngọc Hà (trích dịch)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm