Giáo sư Nhật Bản Gomi Masanobu: Còn biết xấu hổ, còn hy vọng!

21/04/2014 14:00 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Hàng tháng ròng sau những sự vụ liên tiếp xảy đến với người Việt trên đất Nhật, tôi mới liên lạc được với ông, người Nhật mang trái tim Việt Nam. Sau nhiều đắn đo, vị giáo sư nổi tiếng của Đại học hàng đầu Nhật Bản chấp nhận trò chuyện với TT&VH Cuối tuần từ Tokyo.

* Ông đã từng ở Việt Nam trong khoảng thời gian nào?

- Tôi đã sống ở Hà Nội trong 2 năm (1979 - 1981) với tư cách là chuyên gia hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ cho Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

* Những ấn tượng của ông về đất nước, con người Việt Nam thời điểm đó?

- Hồi đó, như các bạn cũng biết là Việt Nam đang trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống của người dân còn khó khăn và mọi thứ vẫn còn rất giản dị. Thú thực, hồi đó Hà Nội cũng như cả nước Việt Nam, sau chiến tranh còn nghèo khó lắm, và mọi người chấp nhận sự thiếu thốn đó, cùng nhau cố gắng vươn lên đúng như tinh thần là người dân của một nước Xã hội Chủ nghĩa.

Cuộc sống thanh bình với bầu không khí trong lành. Về mặt vật chất không bằng bây giờ nhưng tôi cảm nhận rằng cuộc sống về mặt tinh thần dường như giàu có hơn. Tôi cảm nhận mọi người không quá chạy theo vật chất, mọi thứ đều chừng mực và tính “tham lam vật chất” không bộc lộ rõ như bây giờ. Các bạn trẻ, cụ thể là các sinh viên mà tôi đã giảng dạy, tiếp xúc đều rất vô tư, chăm chỉ học tập với mục tiêu cao nhất là để cùng nhau xây dựng đất nước, xây dựng một xã hội tốt hơn cho tất cả mọi người và xây dựng tương lai cho mình. Tôi nhớ mãi những khuôn mặt rạng rỡ và những ánh mắt sáng ấy của các em.

Tôi cũng có cảm tưởng hồi đó Hà Nội rất an toàn, với tôi có lẽ là an toàn nhất châu Á, ngay cả so với Tokyo. Phố xá thời đó dẫu không có nhiều xe hơi, vỉa hè trên phố dọc theo các con đường gọn gàng, có thể đi bộ được và cảm nhận được Hà Nội là một thành phố rất tuyệt vời, khác xa với bây giờ!


Giáo sư Gomi Masanobu trong một hội thảo tại Việt Nam

* Ông có kỷ niệm nào khó quên về một người Việt Nam lúc đó không?

- Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn là một trong những người Việt Nam tuyệt vời mà tôi đã có dịp gặp và mời anh về nhà tôi ở Tokyo. Lúc đó, anh ấy đã là một nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới, nhưng khi gặp gỡ với chúng tôi, anh rất khiêm tốn và cư xử như một người bình thường. Vì thế bà nhà tôi vẫn cứ nhắc mãi về “một nghệ sĩ piano tài năng người Việt” mà bà ấy từng được gặp.

* Gần đây, dư luận khá quan tâm về thông tin tiếp viên hãng hàng không Việt Nam bị bắt ở Nhật do tình nghi tiếp tay cho kẻ cắp. Ông nghĩ sao về hiện tượng trên?

- Trước hết đây là một việc đáng tiếc. Không chỉ người Việt Nam các bạn mà tôi và mọi người Nhật có quan tâm đến Việt Nam đều cảm thấy rất buồn.

Song dù có xảy ra điều gì, so với thời tôi sang Việt Nam 30 năm về trước thì hiện nay số người Nhật Bản quan tâm và có cảm tình với Việt Nam đang tăng lên nhiều.

* Có thông tin ở các trung tâm thương mại Nhật xuất hiện nhiều biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt. Cảnh sát Nhật cũng phải học tiếng Việt để xử lý tội phạm người Việt. Là người gắn bó lâu với Việt Nam, ông cảm thấy thế nào?

- Vấn đề đưa ra các biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt tôi chưa xác nhận thông tin nhưng giả dụ nếu có thì tôi nghĩ rằng đây không phải cách làm thích hợp trong một xã hội “văn minh”. Nó sẽ là cách làm mang tính phân biệt chủng tộc, miệt thị, không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, tỷ lệ người Việt phạm tội tại Nhật đang có chiều hướng tăng lên thì việc cảnh sát Nhật trang bị khả năng tiếng Việt để thực hiện công vụ cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, việc họ học tiếng Việt không hẳn là chỉ phục vụ cho công việc, mà nếu nghĩ theo chiều tích cực thì nó cũng chính là công cụ giúp họ, với tư cách là một người Nhật, có khả năng hiểu hơn về Việt Nam.

Chẳng hạn, gần đây khi tôi gặp lại một người học trò cũ là cảnh sát của tôi, cậu ấy đã nói rằng từ khi học tiếng Việt thì Việt Nam đã trở thành “hai từ không thể thiếu trong cuộc đời của em”. Và tôi cảm nhận cậu ấy là một người dành tình cảm chân tình cho đất nước Việt Nam như tôi.

* Cá nhân ông nghĩ sao về truyền thông Nhật Bản khi đưa tin rất đậm về việc người Việt Nam ăn cắp thời gian gần đây?

- Đúng là vụ việc đã được đưa đậm trên truyền thông Nhật Bản thời gian gần đây. Ngoài các bản tin của các đài truyền hình như truyền hình quốc gia NHK, thì các nhật báo lớn tại Nhật Bản như Asahi Shimbun, Yomiuri Shimbun, Nihon Keizai Shimbun đều đưa tin. Và như theo dõi của tôi thì đài NHK và báo Nihon Keizai Shimbun đưa đi đưa lại ít nhất hai lần. Đáng tiếc là sự việc lần này đối với người Nhật là một sự việc lớn. Ở Nhật Bản tiếp viên hàng không, và đặc biệt là vị trí cơ phó của một chuyến bay là công việc mơ ước của lứa trẻ, của nhiều người. Họ là hình ảnh của cả một hãng hàng không, trên hết là của một quốc gia. Vậy nên, với người Nhật chúng tôi những người như vậy lại liên quan đến những sự việc như vừa rồi thật khó chấp nhận. Hệ quả là vụ việc lần này được chú ý đưa tin như là vấn đề nóng bỏng, tạo ra sự chú ý lớn của người dân Nhật đối với vấn đề.

Tôi cảm thấy thật sự đáng tiếc!


Những “cảnh báo” bằng tiếng Việt ở nước ngoài

* Sau những thông tin về việc người Nhật để biển cấm bằng tiếng Việt, cảnh sát Nhật học tiếng Việt, nhiều người Việt cảm thấy xấu hổ. Nhiều người khác cảm thấy gần như cả cộng đồng mình đều “xấu xí”.

- Đương nhiên, những thói xấu thì người dân nước nào cũng có chứ không chỉ Việt Nam. Trong người Nhật chúng tôi cũng vậy thôi, cũng có người tốt - người xấu. Và chúng tôi cũng có những người làm những hành vi đáng xấu hổ ở nước ngoài.

Tôi cho rằng khi các bạn nhận thức về điều này và “cảm thấy xấu hổ” về những hành vi không tốt do một số người trong cộng đồng gây ra cũng có nghĩa là các bạn đang quan tâm đến dân tộc mình. Điều này thể hiện rằng các bạn đang quan tâm đến đất nước mình và các bạn muốn hoàn thiện nó.

Những hành vi đáng xấu hổ chỉ do một số ít người gây ra như sự kiện lần này cũng có thể dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm cho hơn 90 triệu người còn lại trong cộng đồng nên những hệ lụy của nó thực sự rất lớn.

* Ông có lời khuyên nào dành cho cộng đồng người Việt ở Nhật Bản?

- Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nghị lực vươn lên phi thường. Các bạn có rất nhiều người kiệt xuất để được biết đến và tôn trọng trên thế giới (cả trong chiến tranh và trong thời bình). Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh người dân Nhật Bản cũng như người dân các nước trên thế giới đứng bên Việt Nam, ủng hộ Việt Nam. Và bây giờ cũng vậy chúng tôi vẫn dõi theo, ủng hộ từng bước phát triển của Việt Nam.

Để một Việt Nam ngày càng phát triển tốt hơn về kinh tế, có sự ảnh hưởng tích cực ra bên ngoài với các nét văn hóa riêng của mình là trách nhiệm của mỗi người dân. Dù là người nước nào thì sống trong một xã hội cũng cần phải ý thức và tuân thủ luật pháp, và các chuẩn truyền thống nước sở tại.

Tôi hy vọng các bạn đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản sẽ đạt được những thành công trong học tập và công việc. Và mong các bạn luôn biết rằng đối với người dân Nhật Bản chúng tôi, mọi người Việt Nam chúng tôi gặp đều đại diện cho hình ảnh của cả Việt Nam.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện. Hẹn gặp ông một ngày không xa, ở Việt Nam!

Ông Gomi Masanobu hiện là Giáo sư Khoa Nghiên cứu Ngôn ngữ Xã hội, Trường Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản. Trở về nước sau thời gian sang Việt Nam công tác dài hạn, những năm gần đây, ông vẫn thực hiện nhiều chuyến công tác đến Việt Nam cũng như hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam ở Nhật.

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm