Giám đốc 333Gallery Bangkok Lý Bích Ngọc: Mỹ thuật là một kênh đầu tư rất tốt để kinh doanh

20/09/2015 19:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lý Bích Ngọc hiện là Giám đốc phòng tranh 333Gallery tại Bangkok (Thái Lan) và là giám tuyển mỹ thuật. Điều hành một trong những bộ sưu tập quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, với hơn 100 họa sĩ các thế hệ, hơn 2.000 tác phẩm qua thời kỳ. Mấy năm qua, giám tuyển này cũng đã nỗ lực bắc nhiều nhịp cầu để mỹ thuật Việt Nam - Thái Lan giao lưu, chia sẻ, cảm nhận về nhau nhiều hơn.

Phòng tranh 333Gallery thành lập từ năm 2011, với triển lãm đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan. Những họa sĩ Việt đã trở nên rất thân thiết với 333Gallery từ những ngày đầu như Đỗ Xuân Doãn, Hồ Hữu Thủ, Hồ Hồng Lĩnh, Lương Khánh Toàn…, về phía Thái có Thirasak Wongcumnan, Somyot Kumsang, Suwit Jaipom, Direk Kingnok… Hiện nay số lượng và chất lượng các họa sĩ cộng tác cùng 333Gallery ngày càng nhiều hơn, cũng có cả các tên tuổi đến từ Hà Lan, Italy, Pháp, Mỹ.

* Vì sao chị chọn kinh doanh mỹ thuật và nghệ thuật, trong khi đây là một cái nghề mà nhiều người mới nghe đã muốn tránh xa?

- Công việc với mỹ thuật cho tôi cơ hội hàng ngày được ngắm nhìn những tác phẩm đẹp, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập đáng kính. Với tôi, làm việc tại một phòng tranh là công việc mơ ước. Là phụ nữ, tôi chọn cho mình nghề nghiệp nhẹ nhàng, dễ chịu, lại liên quan đến nghệ thuật, văn chương, còn gì bằng.

Tôi yêu thích công việc này vì tính chất không gấp gáp, nhưng luôn mang lại hào hứng khi xem tranh mới, không cầu kỳ, nhưng luôn rất cẩn trọng khi nghiên cứu, sưu tập... Và quan trọng, mỹ thuật là một kênh đầu tư rất tốt để kinh doanh.

Giám tuyển Lý Bích Ngọc. Ảnh: Huỳnh Bá Long

Đây là một nghề khó, đòi hỏi người ta phải đủ tinh tế để tiếp xúc, phải có kiến thức để thẩm định, đặc biệt phải nhạy bén giỏi giang trong kinh doanh. Tất cả những tố chất này hội tụ nhuần nhuyễn thì mới tạo được một nhân vật có khả năng cải thiện môi trường kinh doanh mỹ thuật tại Việt Nam trong tương lai. Bản thân tôi cũng luôn ý thức và không ngừng học tập để bồi dưỡng.

Tôi chưa từng thấy ai “tránh xa” những điều đẹp đẽ cả, mọi người luôn có xu hướng muốn lại gần hơn để say sưa, chiêm ngưỡng, tán tụng. Hiện tại có rất nhiều phòng tranh tại Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tốt với nhiều năm danh tiếng. Ngoài ra, tôi biết có một số anh chị cũng làm ngành mỹ thuật, nhưng tạm thời bỏ cuộc do nhiều nguyên do, nhưng tôi tin rằng ngay khi có thời cơ tốt, họ sẽ trở lại.

* Trước đây chị làm gì?

- Tôi là một người trẻ tuổi, chưa có nhiều điều để kể. Tôi từng là một biên tập viên phim truyền hình, cộng tác với nhiều hãng. Thu nhập đóng thuế đầu tiên là từ việc biên tập, rà soát các sai sót kỹ thuật, chính tả trong kịch bản.  

* Vậy là có khoảng cách nhất định với mỹ thuật, khó khăn và thách thức chắc không ít?

- Tôi không ngại, bởi khó khăn là tính chất công việc, còn thách thức luôn làm tôi hào hứng. Trước tiên phải học tập để thẩm định tranh, ngày ngày như vậy, vì tác phẩm luôn khác nhau. Sau đó là nắm rõ lịch sử mỹ thuật Việt Nam, theo từng giai đoạn phát triển, sự khác biệt vùng miền, cũng như nghiên cứu bút pháp, chất liệu đặc trưng của từng tác giả.

Và “no money, no honey”. Giá của nghệ thuật rất cao, không phải muốn là được, dù đầu tư vào nghệ thuật được cho là khôn ngoan. Chủ đề này đã được các chuyên gia về thị trường và các giám tuyển quan trọng trong khu vực đưa ra bàn luận tại Art Stage Singapore năm 2014. Tôi phải có đầy đủ các lý do và điều kiện để cân nhắc với những khoản chi lớn.  

* Nhiều người kể chị trở nên “quyết liệt” với mỹ thuật kể từ khi gặp, rồi làm việc chung với nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont. Điều này có đúng không?

- Nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont là người có vai trò quan trọng trong những năm đầu sự nghiệp của tôi. Làm việc cùng ông, được tiếp xúc với tác phẩm nguyên bản, quan trọng. Rồi hơn 30 năm kinh nghiệm sưu tập cổ vật của ông nữa, có rất nhiều bài học. Hiện nay tôi hân hạnh được cộng tác với nhiều nhà sưu tập nổi tiếng thế giới, thông qua uy tín của ông.


Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 4, từ bên phải) ghé thăm 333Gallery tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: T.L

* Ngoài mua bán, 333Gallery còn làm những việc gì?

- Tại 333Gallery chúng tôi không chỉ cùng làm việc mà chia sẻ say mê mỹ thuật cùng nhau. Triển lãm nghệ thuật của chúng tôi được tổ chức thường xuyên và hợp tác với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Đều đặn hàng năm, chúng tôi tổ chức xuất bản các đầu sách như: Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam; Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử; Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906 - 1954; Nguyễn Thụ - Con đường phương Đông; Nguyễn Kao Thương - Vẽ là lẽ sống… Tổ chức các chuyến tham quan sáng tác, gặp gỡ giữa họa sĩ hai nước Việt Nam - Thái Lan, các sự kiện này cũng dựa trên tinh thần giao lưu văn hóa và tình hữu nghị, thông qua việc thúc đẩy hợp tác các chương trình nghệ thuật, nhằm tăng cường bền chặt mối quan hệ ngoại giao hai nước.

* Hình như người Việt vẫn chưa đánh giá đúng về di sản và gia sản mỹ thuật của mình nên mới để phần lớn tác phẩm đẹp ra nước ngoài. Chị nghĩ sao?

- Đây không phải là lần đầu tiên tôi nói về vấn đề này. Người Việt chúng ta là dân tộc trân trọng văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản, gia sản. Nhưng để gìn giữ và phát huy các giá trị quý báu đó không phải ai cũng biết làm, đặc biệt là trong thời đại mới này, muốn làm cần nhờ đến các chuyên gia có năng lực.

Tôi có thể nhắc đến bộ tranh ký họa của Tô Ngọc Vân hiện nay đang sở hữu bởi 333Gallery. Trong quá trình làm việc để sưu tập, tôi và gia đình họa sĩ cũng có nhiều suy tư. Nhưng sau đó gia đình họa sĩ rất hạnh phúc và mãn nguyện, vì chúng tôi trân trọng nó, tổ chức triển lãm và in sách trang trọng. Như vậy còn tốt hơn là việc gia đình không có điều kiện bảo quản, bị đứng trước nguy cơ bị bán từng bức riêng lẻ.

Với thế giới phẳng chúng ta nên có tầm nhìn sáng suốt và rộng rãi hơn. Đã đến thời kỳ nghệ thuật Việt Nam mở cửa, vượt qua biên giới và quan niệm cũ kỹ để gia tăng, khẳng định giá trị. Tranh của các họa sĩ nổi tiếng thế giới vốn đã nằm trong các bộ sưu tập quốc tế đắt giá.

Tôi ủng hộ sự hiện diện của mỹ thuật Việt Nam trong các bộ sưu tập lớn, điều này là vô cùng cần thiết, nhằm cộng hưởng giá tranh cho các họa sĩ thế hệ trẻ, tạo nên những cú hích thúc đẩy phát triển thị trường mỹ thuật.  

* Trong tương quan với mỹ thuật Thái Lan và Đông Nam Á, mỹ thuật Việt có ưu thế và lép vế gì?

- Đây là một câu hỏi lớn và cần nhiều câu chữ để trả lời cho rõ nghĩa. Theo đánh giá lạc quan của tôi, mỹ thuật Việt Nam có rất nhiều ưu thế và không lo ngại bị thua kém bất cứ quốc gia nào trong tương lai. Hiện tại, chất lượng nghệ thuật của Việt Nam được đánh giá tốt so với khu vực, mặc dù chúng ta chưa có được nhiều điều kiện hậu thuẫn phát triển.

Tôi mong chờ sự xuất hiện nhiều hơn của những nhân vật mỹ thuật, các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, và các nhà đấu giá cả trong nước và quốc tế để hoàn thiện hệ thống thị trường mỹ thuật của chúng ta. Đất nước chúng ta vẫn còn trẻ trong lĩnh vực này, tôi tin tưởng rằng 5 năm tới sẽ là giai đoạn phát triển bùng nổ của mỹ thuật Việt.

Sau 5 năm làm việc, tôi nhận thấy mỹ thuật Việt Nam phát triển thiếu đồng bộ và rời rạc. Chúng ta sẽ đi được xa hơn, phát triển nhanh hơn nếu chặt chẽ cộng tác trong các dự án chung nhằm phát triển thị trường. Vực dậy hoạt động của các hiệp hội nghề, các cậu lạc bộ sưu tầm nghệ thuật sẽ mang lại các hiệu quả tích cực.

Tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ và các phòng tranh cũng là một vấn đề cần phải tăng cường khẩn trương để hòa nhập vào các môi trường lớn. Trong tương lai, chúng ta không ngại đấu tranh cho các vấn đề về bản quyền, tác quyền nghệ thuật…, những điều liên quan trực tiếp đến giá tranh.

Truyền thông cho mỹ thuật vẫn hạn chế, khi mà việc mua bán tranh trên thị trường nói chung vẫn còn được bảo mật, các nhà sưu tập có xu hướng không muốn công bố các thương vụ lớn làm cho bề nổi của thị trường có vẻ yên ắng, không giống như sự sôi động ngầm của nó. Tôi cũng mong đợi nhà nước sớm có chính sách phát triển, xây dựng hệ thống quản lý ưu tiên cho thị trường mỹ thuật, điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch các thông tin có lợi.

* Một câu hỏi hơi riêng tư, chị có ngại nghệ thuật làm một phụ nữ xinh đẹp trở nên khó gần với đấng lang quân trong tương lai?

- Ngạc nhiên rằng, chúng tôi luôn trở nên hào hứng hơn khi đề cập đến nghệ thuật thay vì các chủ đề về kinh doanh, hay chính trị vốn vô cùng nghiêm túc, mô phạm.

Câu chuyện về mỹ thuật dễ dàng làm người ta đồng tình và lại gần nhau hơn thay vì đưa ra các quan điểm cứng nhắc, đối đầu, xa cách. Những khi bàn luận về các vấn đề khác quá căng, tôi nhanh chóng xoay trục sang mỹ thuật để duy trì một cuộc hội thoại dễ chịu giữa hai người. May mắn, người đàn ông của tôi hiện nay không phải là người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, nhưng vô cùng yêu thích và có quan tâm nhiều đến mỹ thuật.

Tôi nghĩ điều may mắn này không phải trông chờ hay mưu cầu mà có được, những người có các mối quan tâm, quan điểm tương đồng, có những ước mơ lý tưởng giống nhau, và yêu nhau thì tự nhiên sẽ hấp dẫn nhau mỗi ngày.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm