Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2014: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chúc mừng ‘tân khoa’

25/03/2014 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối qua (24/3) tại TP.HCM, trong không khí trang trọng, kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2014 đã chọn được 5 “tân khoa” cho 3 hạng mục. Năm nay, giải không trao cho hạng mục Việt Nam học, dù có nhiều ứng viên xứng đáng, “vì chúng tôi muốn cân đối tỷ lệ giữa người Việt và người nước ngoài”, đại diện BTC, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết.

Tỷ lệ đó như sau: giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, trao cho vợ chồng Lư Nhất Vũ - Lê Giang và ông Thomas J.Vallely (Mỹ); giải Dịch thuật, trao cho PGS Ngô Đức Thọ vì sự nghiệp dịch thuật và truyền bá văn hóa Hán - Nôm; giải Nghiên cứu, trao cho nhà sử học Tạ Chí Đại Trường (Mỹ).


Bà Nguyễn Thị Bình trao giải

Khi nghe tin ông Thomas J. Vallely được trao giải Phan Châu Trinh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi thư chúc mừng, trong đó có đoạn: “Tôi rất vui khi biết anh được giải văn hóa Phan Châu Trinh, đây là một quyết định chính xác từ BTC giải thưởng. Quen biết anh 25 năm nay, tôi thấy những đóng góp của anh cho giáo dục Việt Nam thực sự to lớn, trong đó có cả việc tư vấn đào tạo các cấp lãnh đạo Việt Nam để giúp họ hoạch định các sách lược dài lâu cho quốc gia”.


PGS Ngô Đức Thọ nhận giải về dịch thuật

Trong diễn từ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có đoạn viết: “Được nhận giải thưởng văn hóa mang tên cụ Phan Châu Trinh, chúng tôi vô cùng xúc động và vô cùng bối rối. Xúc động vì được quỹ văn hóa đánh giá công việc làm vừa qua của tập thể được tốt đẹp, có lợi ích cho đất nước. Góp phần chấn hưng nền văn hóa và giáo dục nước nhà đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Và, bối rối vì phần lớn chúng tôi làm thế nào tiếp tục công việc để xứng đáng với phần thưởng đáng trân trọng này.

Tình hình văn hóa và giáo dục nước nhà hiện nay không cho phép ai ai cũng tự do lấy phần mình, mà trước mắt rất cần đội ngũ quyết tâm, thật sự biết quý trọng văn hóa, biết xăn tay áo, vạch kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc, khẩn trương gìn giữ những gì cha ông ta để lại bằng một tinh thần mới, một sức trẻ chứa đầy ý tưởng trong sáng, gạn đục khơi trong, biết quý trọng thật sự trí tuệ của người xưa để lại”.


Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đại diện nhận giải về giáo dục

Còn ông Thomas J. Vallely thì viết: “Giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt giáo dục đại học, là chìa khóa để giải phóng nguồn lực mới cho tăng trưởng và thịnh vượng. Nói tóm lại, giáo dục là một mệnh lệnh kinh tế của Việt Nam. Giáo dục còn là một mệnh lệnh chính trị”.

Đến dự lễ còn có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Thư ngỏ của bà có đoạn: “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” là khẩu hiệu hành động được nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh nêu lên từ đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập của đất nước ngày nay, khẩu hiệu ấy vẫn tiếp tục mang tính thời sự nóng hổi. Hơn bao giờ hết, tương lai nước Việt phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa phát triển với những chủ nhân tự do, sáng tạo và có trí tuệ ngang tầm thế giới”.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm