Giải thưởng Tài năng (Talent Prize): Hé lộ 8 tài năng hội họa

30/09/2010 13:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giải thưởng Tài năng (Talent Prize) trong lĩnh vực hội họa do Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tổ chức đã thu hút 165 hồ sơ dự thi với gần 700 bức ảnh chụp tác phẩm, BGK đã chọn được 8 nghệ sĩ có ý tưởng sáng tạo tốt hơn cả. Lễ trao giải thưởng và tổ chức triển lãm tranh cho họa sĩ tài năng nhất sẽ được công bố vào trung tuần tháng 10 tới.


Tác phẩm Cơn đau của Đào Anh Việt (197,5x212cm, sơn dầu)

1. Bà Natasha, giám khảo cuộc thi cho biết các tác phẩm dự thi rất đa dạng, từ chủ đề đến chất liệu. “Cần phải nói thực về chất lượng chung - cả hai mặt được và chưa được của các thí sinh. Đáng tiếc là một số thí sinh đã không nghĩ nghiêm túc đến đẳng cấp của cuộc thi và gửi đến BTC những bức vẽ giống như tranh vẽ chưa xong của học sinh phổ thông. Một số khác thì trình bày quá đơn giản, không có ý niệm rõ ràng” - bà nói.

Và bà cũng thú thật là, cũng có những bức tranh để lại ấn tượng khá bối rối, cho ít nhất là cá nhân bà khi chúng có ý tưởng phía sau sâu sắc; song hình thức lại là vay mượn một cách quá ư rõ rệt từ nước ngoài (Trung Quốc và châu Á). Rõ ràng là dạng tranh này sẽ có thành công hơn nếu người sáng tác từ chối sự vay mượn hình thức và nhận thức được giá trị của tính nguyên bản hơn là chỉ chú trọng đến cảm xúc trong sáng tác.  

2. Trên cái nền chung ấy, có những nghệ sĩ đã không ngại sử dụng những chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa để phản ánh nội dung đương đại. Một số thứ nghiệm thoải mái với hình thức cắt dán hoặc những khả năng sáng tạo từ công nghệ máy tính, và thực tế là tạo nên được những sáng tác mỹ thuật thực sự chứ không phải là dạng tranh minh họa hay trang trí như chúng đang làm ra vẻ vậy.

Những nghệ sĩ xuất sắc hơn cả trong số đó đã lọt vào chung khảo gồm 8 người, đó là: Đào Anh Việt, Lương Văn Trung, Lê Trần Anh Tuấn, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Tuấn Tú, Lê Hoàng Bích Phượng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thế Hùng.

Đáng chú ý là Đào Anh Việt. Sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Tác phẩm của anh chỉ đề cập đến cầu Long Biên và những hội thoại giữa nó với một người. Như nghệ sĩ đã đề cập, anh quan tâm đến lịch sử phức tạp của cây cầu qua hơn 100 năm với những biến động xã hội từ thời kỳ thuộc địa đến hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, rồi thời bao cấp và nay. Với anh, cây cầu không chỉ là một di tích lịch sử với thân thể bị tàn phá, nhiều vết thương, vết sẹo; nó cuốn hút tình cảm, ý nghĩ và cảm hứng của mọi người và trở thành một tượng đài của tinh thần Việt Nam. Bên cạnh bố cục của cây cầu ở nhiều góc nhìn khác nhau, họa sĩ còn thêm hình ảnh một người trẻ trong đa dạng trạng thái cảm xúc, bởi vậy đã nhấn mạnh sự kết nối (một quan hệ) cả về tinh thần và thể xác giữa cây cầu với một con người...

Công chúng sẽ chọn người đoạt giải duy nhất

Về giải thưởng, BGK chỉ chọn ra 8 thí sinh xuất sắc vào chung khảo và tổ chức triển lãm các tác phẩm của họ trong vòng 2 tuần trong tháng 10/2010. Trong quá trình triển lãm, chính khán giả sẽ bầu chọn cho nghệ sĩ qua website www.cuocthitainang2010.com. Cuộc thi Tài năng 2010 chỉ có một giải thưởng duy nhất trị giá 3.700 USD được trao cho nghệ sĩ được bầu chọn nhiều nhất, trong đó 1.000 USD sẽ được trao bằng tiền mặt, 2.700 USD sẽ được sử dụng để tổ chức 1 triển lãm cá nhân cho nghệ sĩ được giải.

Với loạt tranh tiêu đề Bảng đen, Nguyễn Hồng Phương (sinh năm 1976) dễ bị công chúng cho rằng anh là một họa sĩ quá đơn giản và thơ ngây, cho dù nghệ thuật của anh phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Phương đi theo hướng của các nhà biểu hiện trừu tượng sau Thế chiến II, chính xác hơn, nghệ thuật của anh rất gần với những thử nghiệm cùng kiểu chữ viết nguệch ngoạc và chữ theo phong cách graffiti của nghệ sĩ Mỹ Cy Twombly, thập niên 50, thế kỷ 20.


“Cuộc thi này giúp chúng ta không chỉ nhận ra được những tài năng trẻ mà còn cho thấy rõ ràng những xu hướng mới trong sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam” - bà Natasha khẳng định.

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm