"Giải mật" về giải Nobel Văn chương 50 năm trước: Khơi lại tranh cãi về John Steinbeck

05/01/2013 07:48 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tài liệu lưu trữ mở của Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa tiết lộ, việc vinh danh nhà văn Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Robert Graves và Lawrence Durrell nhằm giành giải Nobel Văn chương năm 1962 là một lựa chọn không làm hài lòng nhiều phía.

Theo quy tắc, Viện Hàn lâm luôn giữ bí mật danh sách các đề cử giải Nobel Văn chương mỗi năm trong vòng 50 năm tiếp theo. Với Nobel năm 1962, các đề cử vừa được công bố hôm 2/1, lập tức khơi lại cuộc tranh cãi cũ.

Ủy ban Nobel gặp khó

Theo đó, 66 nhà văn trên thế giới đã được đưa ra xem xét, trong đó có John Steinbeck. Ngoài ra, còn có các nhà văn Anh Robert Graves, Lawrence Durrell, nhà soạn kịch Pháp Jean Anouilh và nhà văn Đan Mạch Karen Blixen.

Khi trao giải, Viện Hàn lâm đã ca ngợi Steinbeck bằng những từ ngữ như "vì những trang viết đầy hiện thực nhưng cũng giàu chất tưởng tượng, đồng thời mang nét hài hước đầy nhân ái và nhận thức sâu sắc về xã hội". Mặc dù vậy, tư liệu mới công bố này cho thấy nhà văn Mỹ đã được lựa chọn vì ông là người giỏi nhất trong một nhóm tác giả không quá xuất sắc.

Nhà văn John Steinbeck, chủ nhân của một trong những giải Nobel Văn chương bị phản đối dữ dội nhất trong lịch sử. Ảnh: Getty Images.

"Không có ứng cử viên rõ rệt nào cho giải Nobel năm đó và Ủy ban Nobel đã bị rơi vào một hoàn cảnh khó khăn" - Henry Olsson, một thành viên của ủy ban, viết trong tài liệu, theo nhà báo Kaj Schueler của tờ Svenska Dagbladet (Thụy Điển).

Nhà văn Anh Robert Graves bị loại, theo Schueler, là vì mặc dù ông đã sáng tác vài tiểu thuyết lịch sử nhưng cơ bản vẫn được xem là nhà thơ. Karen Blixen, tác giả cuốn tự truyện nổi tiếng Out of Africa, tự khiến bản thân mình không đủ tiêu chuẩn xét giải khi… qua đời vào tháng 9 năm đó. Còn Lawrence Durrell thì Viện Hàn lâm cho rằng bộ tiểu thuyết The Alexandria Quartet chưa đủ lớn để đoạt giải, nhưng quyết định sẽ "để dành" tác giả Anh này cho tương lai. Durrell cũng là một ứng cử viên từ năm 1961 nhưng cũng không chiến thắng.

Nhà văn John Steinbeck, tên đầy đủ John Ernst Steinbeck, Jr. (1902 – 1968) từng viết 27 cuốn sách, bao gồm 16 tiểu thuyết, 6 cuốn phi hư cấu và 5 tập truyện ngắn. Ông từng giành cả hai giải thưởng lớn về văn chương là Pulitzer (các năm 1939 và 1952) và Nobel năm 1962.

Không có lý do rõ ràng cho việc Jean Anouilh bị bỏ qua, nhưng trước đó nhà thơ Pháp Saint-John Perse mới giành giải Nobel vào năm 1960, cho thấy văn chương Pháp đã có được sự công nhận. Đồng thời, ở năm 1962, một tác gia Pháp khác là Jean-Paul Sartre, người sẽ được trao giải Nobel vào năm 1964 (nhưng Sartre đã từ chối), cũng đã được Ủy ban Nobel để ý.

"Một trong những sai lầm lớn nhất"?

Trở lại với John Steinbeck. Trước năm 1962, nhà văn Mỹ từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam này đã 8 lần được đề cử Nobel. Những tác phẩm được coi là khá nhất của ông đều đã xuất bản trước đó khá lâu: Of Mice and Men (Của chuột và người) năm 1937, The Red Pony (Ngựa con màu đỏ) năm 1945, The Grapes of Wrath (Chùm nho nổi giận) năm 1939, The Pearl (Viên trân châu) năm 1947 và East of Eden (Phía đông vườn địa đàng) năm 1952.

Nhưng thư ký thường trực của Viện Hàn lâm, ông Anders Österling, tin rằng cuốn tiểu thuyết mới nhất (vào thời điểm đó) của Steinbeck là The Winter of Our Discontent (Mùa Đông lo âu), ra năm 1961, mới thực sự có vai trò quan trọng.

"Sau một vài dấu hiệu chững lại trước đó, Steinbeck đã lấy lại vị trí của mình như một người mang sứ mệnh kể lại những sự thật về xã hội và là một nhà hiện thực chủ nghĩa có thể sánh ngang với các bậc tiền bối như Sinclair Lewis và Ernest Hemingway" - tờ Svenska Dagbladet viết. Cả Lewis và Hemingway (cũng như chính Steinbeck) đều là chủ nhân của Nobel Văn chương, lần lượt vào các năm 1930 và 1954.

Tóm lại, vào năm 1962 có Graves (Anh) và Steinbeck (Mỹ) là hai ứng cử viên hàng đầu. "Giữa hai người đó, tôi thấy lựa chọn thật khó khăn. Graves lớn tuổi hơn, nhưng lại kém nổi tiếng hơn, danh tiếng của Steinbeck hẳn nhiên là vượt trội" - thư ký Viện Hàn lâm Österling nhận định.

Österling cũng khẳng định quan điểm của ông nghiêng hẳn về Steinbeck cho giải Nobel năm đó.

Tuy nhiên, lựa chọn đó của Viện Hàn lâm về sau gặp phải sự phản đối dữ dội, và bị phê phán là "một trong những sai lầm lớn nhất của Viện", quan điểm từ một tờ báo Thụy Điển sau khi giải công bố.

Còn tờ New York Times sau đó đặt câu hỏi tại sao Ủy ban Nobel lại trao giải cho một tác giả có "tài năng hạn chế, kể cả trong những cuốn sách khá nhất của ông ta, và còn bị giảm giá trị bởi cách viết làm ra vẻ triết gia hạng bét".

Bản thân Steinbeck cũng không đồng ý với vinh quang dành cho mình. Khi được hỏi ông có cho rằng mình có xứng đáng với giải Nobel không, ông đã trả lời: "Thật tình là không".

Trước Steinbeck, người chiến thắng giải Nobel Văn chương 1961 là nhà văn Nam Tư (cũ) Ivo Andrić, vượt qua tác gia Anh JRR Tolkien của bộ truyện Lord of the Rings (Chúa Nhẫn).

Huyền Mi (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm