Gãy râu trên mặt nạ vàng Vua Tutankhamun: Khốn đốn vì 'sửa sai' bằng keo dính

25/01/2015 06:00 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc mặt nạ trên mặt Tutankhamun, vị Pharaoh nổi tiếng Ai Cập, đã bị gãy phần râu trong quá trình làm sạch tại Bảo tàng Ai Cập. Sự cố trở nên nghiêm trọng hơn khi một nữ giám tuyển của bảo tàng đã quyết định tự sửa chỗ gãy bằng một loại keo epoxy.

Nữ giám tuyển kể trên và chồng bà đã cùng nhau đổ keo vào dán phần râu bị gãy. Kết quả là keo đã chảy đầy phần cằm của mặt nạ. Thấy vậy, ông chồng tiếp tục dùng dao cạo sạch keo.

Hành động "tu sửa" rất vô ý thức này đã khiến mặt nạ bị nhiều vết xước. Chưa hết, việc dính keo epoxy tạo ra một khoảng hở giữa phần râu và phần cằm trên chiếc mặt nạ.


Chiếc mặt nạ vàng 3.300 năm tuổi của Tutakhamun đã bị gãy khi đang được làm sạch tại Bảo tàng Ai Cập ở Caro

Vội vã "sửa sai"

Các chuyên gia nói rằng loại keo mà vợ chồng nữ giám tuyển sử dụng không phù hợp để dính phần râu gãy trở lại mặt nạ. Họ đánh giá 2 người có thể đã tìm cách “chữa cháy” để nhanh chóng đưa chiếc mặt nạ đã 3.300 năm tuổi này trở lại phòng trưng bày. Sau sự cố, hệ thống đèn chiếu sáng trong phòng trưng bày đã phải giảm cường độ sáng để du khách không nhìn thấy chỗ hư hỏng trên mặt nạ.

Bảo tàng Ai Cập hiện là một trong những điểm du lịch chính ở Cairo. Chiếc mặt nạ của Vua Tutankhamun cùng nhiều di vật khác được tìm thấy trong lăng mộ ông là những món đồ thu hút khách tham quan hàng đầu của bảo tàng.

Sau sự cố, 3 nhà giám tuyển giấu tên của Bảo tàng Ai Cập đã đưa ra những lý do khác nhau giải thích cho sự việc. Họ nói rằng mặt nạ đã được đưa khỏi khu trưng bày trong năm ngoái để làm sạch. Tuy nhiên họ không nhất trí được với nhau là phần râu cằm đã bị gãy do tai nạn hay người ta cố tình tháo nó ra để tu sửa.

Các giám tuyển này cho biết, lãnh đạo bảo tàng đã ra lệnh cho họ phải gắn phần râu gãy trở lại mặt nạ một cách nhanh chóng để phục vụ hoạt động trưng bày.

“Thật không may là người chồng đã dùng một loại keo có độ dính rất cao. Thứ keo này có thể dính được cả kim loại và đá, nhưng lại không phù hợp với các hiện vật nổi tiếng như chiếc mặt nạ vàng của Tutankhamun. Giờ trên mặt nạ có một khe hở giữa gương mặt và phần râu cằm. Khách tham quan tinh ý có thể thấy một lớp keo màu vàng trong suốt nằm giữa hai phần này” – một nhà giám tuyển nói.

Nhà Ai Cập học Tom Hardwick cho biết: “Sau khi xem những bức ảnh được phát tán, tôi biết chiếc mặt nạ đã được mang đi tu sửa. Tuy nhiên tôi không rõ người ta làm bằng cách nào và dùng chất liệu gì”.


Việc dùng keo epoxy đã khiến mặt nạ bị hư hại nặng hơn

Chiếc mặt nạ lừng danh

Trước khi xảy ra sự cố, chiếc mặt nạ vàng đặt trên mặt xác ướp của Tutakhamun đã khiến cả thế giới quan tâm đến lĩnh vực khảo cổ và Ai Cập cổ đại.

Tutankhamun là Pharaoh trị vì Ai Cập vào năm 1332 – 1323 trước Công nguyên, sau khi lên ngôi ở tuổi lên 9. Ông là con trai của Akhenaten. Khi trở thành Vua, ông đã kết hôn với người chị cùng cha khác mẹ là Ankhesenpaaten. Triều đại của Tutakhamun kéo dài rất ngắn. Ông qua đời ở tuổi 19 và được cho là bị mắc bệnh vẹo cột sống.

Tutakhamun hiện vẫn là một trong những Pharaoh nổi tiếng nhất. Các chuyên gia đã có cuộc nghiên cứu sâu rộng về cuộc đời cũng như sức khỏe của ông, sau khi lăng mộ ông được phát lộ.

Năm 1907, Huân tước Carnarvon George Herbert đã đề nghị nhà khảo cổ kiêm nhà Ai Cập học Howard Carter giám sát các cuộc khai quật tại Luxor, miền Nam Ai Cập.

Vào ngày 4/11/1922, nhóm của nhà khảo cổ Carter đã tìm thấy những bậc thang dẫn tới lăng mộ Vua Tutankhamun. Sau đó, họ tìm thấy lăng mộ ông - ngôi mộ Ai Cập cổ đại còn nguyên vẹn nhất. Carter đã dành nhiều tháng để ghi mục lục các hiện vật nằm tại phòng ngoài của lăng mộ, trước khi mở phòng chôn cất và phát hiện ra chiếc quách của Tutankhamun vào tháng 2/1923.

Ngành du lịch Ai Cập từng là một trong những trụ cột của nền kinh tế nước này. Hiện hoạt động du lịch vẫn chưa được khôi phục sau vụ Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi năm 2011. Hiện nay, việc mở cửa thêm nhiều lăng mộ và bảo tàng mới là một phần trong những kế hoạch nhằm phục hồi ngành du lịch Ai Cập. 

Tuy nhiên, nhà chức trách đã không đưa ra sự đổi mới có ý nghĩa nào đối với Bảo tàng Ai Cập, kể từ khi nó được xây dựng hồi năm 1902.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm