Gặp người chép lại bức tranh vẽ bằng máu

16/06/2009 14:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong lĩnh vực nghệ thuật không chỉ sáng tạo ra cái mới là thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ, đôi khi thể hiện lại cái cũ một cách chân thực và có hồn nhất cũng chứng minh tài năng của người nghệ sĩ. Câu chuyện về người chép lại bức tranh được vẽ bằng máu: Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc của họa sĩ Diệp Minh Châu đã nói lên điều đó. Ông chính là họa sĩ - nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức.


Họa sĩ Trần Thức

“Chỉ đồ họa” bằng máu của Diệp Minh Châu

Một bức tranh kỳ lạ, chỉ có một chất liệu duy nhất là máu, đó là bức tranh Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc của họa sĩ Diệp Minh Châu. Theo như lời kể của họa sĩ Trần Thức, thì vào đêm 2/9/1947, tại chiến khu Nam Bộ, trong giây phút xúc động, họa sĩ Diệp Minh Châu đã tự trích máu ở cánh tay và dùng máu của mình để vẽ lên bức tranh Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc. Và ông có đề ở trên bức tranh là: “Thay mặt giới văn nghệ sĩ kháng chiến Nam Bộ con xin kính dâng cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm đẹp nhất đời con”.

Chính vì Diệp Minh Châu đã dùng ngón tay của mình vẽ lên bức tranh đó nên nó được gọi là “chỉ đồ họa”.

Tuy nhiên qua năm tháng bức tranh đó dần dần xuống cấp. Vì đó là bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử nên vào khoảng năm 1960, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật đã đề nghị họa sĩ Trần Thức chép lại bức tranh này. Và ông đã bắt tay vào công việc...

Dùng màu nước để “phục chế” màu máu?

Dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng họa sĩ Trần Thức vẫn nhớ như in những ngày tháng đó. Thời gian đầu, công việc tiến triển thật khó khăn bởi kỹ thuật phục chế tranh của Việt Nam lúc bấy giờ là rất thủ công và thô sơ. Mọi chi tiết phải được làm thận trọng, tỉ mỉ sao cho đúng với bản gốc nhất.


Họa sĩ Trần Thức bên bức tranh chép Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung,
Nam, Bắc (Bản gốc của Diệp Minh Châu, vẽ bằng máu)

Ông kể: “Lúc đó tôi dùng một chiếc hộp lớn, có một lỗ ô vuông cố định và đèn soi phía dưới. Sau đó can bức tranh lên mặt hộp, vì bức tranh được vẽ trên lụa, qua năm tháng nó đã nhăn lại nên tôi phải dùng giấy bóng kính mờ can phẳng, đặt cácbon ở dưới rồi dùng đèn soi làm từng chi tiết. Sau khi làm hết các chi tiết rồi thì mới đối chiếu với toàn thể để thấy được tính tương quan chung”.

Bức tranh Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc được Diệp Minh Châu vẽ bằng máu trên vải lụa đã ngả màu năm tháng. Điều đó khiến Trần Thức phải thức trắng đêm để suy nghĩ và tìm lời giải là dùng chất liệu gì để giống với bản gốc nhất.

“Tất nhiên đây là một bức tranh máu nhưng người phục chế không thể dùng máu mình mà vẽ được bởi máu ra thì nó đông ngay, hơn nữa còn phải tính cả độ đậm nhạt của nét vẽ nên tôi buộc phải dùng màu nước mà màu chủ đạo là nâu sẫm, còn lụa của ông ấy (họa sĩ Diệp Minh Châu) theo thời gian nó đã phai đi và không được sáng như lụa mới thì tôi cũng phải nhuộm thế nào cho nó đúng màu thời gian” - họa sĩ Trần Thức nhớ lại.

2 lần được đặt chép

Họa sĩ Trần Thức tốt nghiệp Văn Khoa, Đại học Sư phạm (khóa đầu tiên) vào năm 1957. Ông công tác tại Bảo tàng Cách mạng VN, rồi chuyển sang Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chuyên môn nghiên cứu và phục chế tác phẩm mỹ thuật.

Trần Thức cũng giống Diệp Minh Châu ở chỗ ông vẽ tranh về Bác nhưng trước đó ông chưa từng được gặp Bác. Điều đó càng thể hiện sự cảm thụ nghệ thuật tuyệt vời của ông khi ông vẽ lại bức tranh này mà vẫn giữ được cái thần của nhân vật. Ông chia sẻ: “Trong nghệ thuật là phải nhìn về toàn bố cục, từ chi tiết đến đại thể đều phải giống và phải đạt được tinh thần thì mới coi là đạt được nghệ thuật. Trong quá trình chép lại, điều quan trọng nhất đặt ra là phải giống Bác Hồ và ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc . Đó gọi là cái thần trong nghệ thuật mà nếu không tả được, bức tranh đó sẽ chỉ là bức tranh “chết.”

Sau khoảng 2 tuần miệt mài bên khung gỗ vừa vẽ, vừa điều chỉnh, họa sĩ Trần Thức đã hoàn thành tác phẩm của mình và chính ông cũng không ngờ rằng công việc của mình lại có thể được đánh giá cao như vậy. Ông kể: “Sau khi tôi chép bức tranh ấy thì theo nguyên tắc tôi có đưa cho ông Diệp Minh Châu xem và ông ấy nói rằng: “Đây là bức tranh mà cậu chép rất đạt, tôi rất thích”.

Bức tranh của ông cũng được hội đồng thẩm định của Bảo tàng Mỹ thuật đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn so với bản gốc và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Nhờ thành công của bức đầu tiên, năm 1975, ông tiếp tục được Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt chép lại tranh đó lần thứ 2 để tặng nhân dân miền Nam. Còn bản gốc của bức tranh, theo ông, thì hiện đặt tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Khắc Trường

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm