Gặp lại chàng Chơn trong 'Chim phóng sinh'

01/10/2014 16:54 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1997, bộ phim 2 tập Chim phóng sinh đã đưa diễn viên khuyết tật Phan Văn Sáng đến với màn ảnh nhỏ. Với vai Chơn trong Chim phóng sinh, Phan Văn Sáng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, sau chừng ấy năm, cuộc đời anh vẫn là chuỗi ngày buồn sống trong bệnh tật.

Gặp Phan Văn Sáng nhiều lần tại các quán cà phê cóc ở Sài Gòn, tán với anh đủ thứ chuyện thời sự văn nghệ, thấy anh luôn vui vẻ, nhưng không thể ngờ anh đang sống với bệnh ung thư đại tràng và đã trải qua phẫu thuật từ 3 năm nay.

Hai cuộc tình “phóng sinh”

* Nhiều người nói, nhà văn Nguyễn Hồ đã phát hiện ra khả năng diễn xuất của anh?

- Tôi và nhà văn Nguyễn Hồ sống cùng xóm trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Kịch bản Chim phóng sinh là chú viết cho tôi và đề nghị đạo diễn Trần Quang Đại cho tôi làm diễn viên chính. À, có chuyện này ít người biết, kịch bản là của chú Nguyễn Hồ, nhưng kịch bản phân cảnh là của nhà văn Võ Phi Hùng. Lý do thật đơn giản, chú Nguyễn Hồ muốn bạn mình có chút tiền nhuận bút nên giao Võ Phi Hùng viết phân cảnh. Đó là cái tình bạn bè văn nghệ giúp nhau.


Diễn viên Phan Văn Sáng

* Hóa ra nhà văn Nguyễn Hồ viết Chim phóng sinh là vì anh?

- Chuyện cũng khá dài dòng. Khi đó tôi làm các nghề sửa điện, sửa ống nước, sửa ti-vi kiếm sống qua ngày. Ngoài thời gian này, tôi tham gia các hoạt động thể thao dành cho người khuyết tật tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM với vai trò chủ nhiệm. Do vậy, nên thỉnh thoảng tôi đi xin tài trợ cho các hoạt động của CLB Thể thao người khuyết tật. Đi xin tài trợ, có nơi thấy tôi tàn tật hai chân nên thương, có nơi không biết tôi nên đã đuổi thẳng.

Buồn vì mình muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho những người có cùng hoàn cảnh như mình, mà mình vô danh quá nên không ai tin. Tôi đem chuyện này đến nhà kể với chú Nguyễn Hồ. Nghe chuyện, ông đã viết kịch bản Chim phóng sinh cho tôi đóng vai chính. Tập 2 của phim có cảnh tôi đua xe lăn là vì vậy.

* Sau Chim phóng sinh, nhiều người đã biết đến anh, nghe nói là có fan nữ tình nguyện chăm sóc anh?

- Tôi sinh năm 1958 tại Sài Gòn, cơn sốt bại liệt lúc 2 tuổi đã cướp đi đôi chân của tôi. Lúc nhỏ nhìn bạn bè chạy nhảy, tôi rất thèm được đi đứng như người bình thường. Gia đình tôi có 9 anh chị em, cha tôi cưng chiều tôi nhất vì tôi tật nguyền. Ông làm mọi việc để tôi được đi học và tôi đã học cho đến năm 1975 thì chuyển sang học nghề để tự nuôi bản thân. Tôi không nghĩ đến chuyện lấy vợ sinh con.

Sau phim Chim phóng sinh, lúc đó tôi đã 40 tuổi, cũng không còn trẻ nữa để mơ ước có một gia đình. Lúc này, có một người đã đến với tôi. Hoàn cảnh người ấy đã lỡ một lần đò, có hai con riêng. Với người bình thường, để giữ được hạnh phúc hôn nhân đã khó huống gì là tôi. Những chung đụng trong cuộc sống hàng ngày, khiến mọi thứ tan vỡ, chúng tôi có 3 năm sống cùng nhau.

* Hình như, chuyện hôn nhân của anh không dừng lại?

- Tôi chỉ sợ không có người thương yêu mình, chứ có phụ nữ thương mình sao mình không đón nhận?! Tôi có người vợ thứ hai, cũng “tình buồn” gặp nhau, cô ấy có một con riêng. Ở với nhau một thời gian, cô ấy xuất cảnh sang Nhật. Tôi thấy vợ mình có cơ hội sống hạnh phúc hơn khi ở với mình, nên tôi đã vui vẻ để cô ấy đi. Thậm chí, tôi còn đi lo các thủ tục giấy tờ cho vợ đi Nhật được thuận lợi.

Tóm lại, sau hai lần lấy vợ, đến giờ này tôi vẫn độc thân, không vợ con gì hết. Tôi nghĩ như vậy cũng hay, vì tôi sợ mình làm vướng bận nếu gia đình đề huề đông đúc. Mà mình thì…


Phan văn Sáng (bìa trái) trong phim Chim phóng sinh

Trời chưa muốn tôi ra đi

* Vậy bây giờ anh sống ra sao khi trái gió trở trời và trong người đang mang trọng bệnh?

- Mỗi ngày của tôi rất đơn giản. Sáng ra khỏi nhà, lang thang với bạn bè, tối về ngủ. Nếu có nơi nào mời đóng phim, thấy hợp thì nhận lời. Mỗi năm, tôi tổ chức hai chương trình cho người khuyết tật ở TP.HCM. Ngày 1/6 tổ chức ở Cung văn hóa Lao động cho các cháu thiếu nhi và ngày 3/12 tổ chức cho hàng ngàn người ở Công viên Suối Tiên.

Ba năm trước, tôi một mình chạy xe vào Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM để điều trị ung thư. Khi ấy trong túi tôi còn chưa đến một triệu đồng và không hề thông báo cho ai biết hết. Vì có thể tôi sẽ chết và tôi không muốn làm phiền người khác. Cũng may, bác sĩ biết tôi qua Chim phóng sinh và một số phim khác, nên chỉ yêu cầu tôi đóng vài trăm ngàn thủ tục. Mổ xong, bạn bè tìm đến giúp tôi viện phí. Trời còn chưa muốn tôi ra đi, tôi tin vào số phận, trời chưa muốn mình chết thì kiểu gì mình cũng sống được.

* Gần đây, một số nghệ sĩ khi gặp khó khăn đều lên tiếng để được giúp đỡ. Sao anh lại im lặng khi bệnh nặng trong người và chấp nhận cuộc sống thanh bần?

- Tôi hay nói đùa với vài bạn diễn viên trẻ rằng, khi ai đó hỏi về cuộc sống của mình, thì cứ trả lời là nhà em ở quê đất đai mênh mông, giàu đó. Vì tôi biết nhiều bạn diễn viên khi mới vào nghề rất nghèo, nhưng vài năm sau khi nổi tiếng thì giàu to. Nhà cửa, xe hơi ở đâu mà có nhanh vậy? Trong khi cát-sê đóng phim có được bao nhiêu! Cho nên, cứ nói với thiên hạ là nhà ở quê rất giàu, để lỡ mai này nổi tiếng giàu thiệt bằng những cuộc đánh đổi, thì thiên hạ khỏi nghi ngờ.

Tôi đã sống khổ và ý thức tự lập quen rồi, nên không bị áp lực về vật chất như nhiều diễn viên khác. Nhiều nghệ sĩ than khổ để được giúp đỡ, tôi không làm như vậy được. Khi có tiền thì tôi ăn cơm, hết tiền về nhà ăn mì gói. Bác sĩ nói, bệnh của tôi hạn chế ăn mì gói. Vậy mà tôi ăn hoài có sao đâu, miễn tôi thấy thanh thản là được.

* Được biết, anh rất thân với nhà văn Võ Phi Hùng và là người ở bên Võ Phi Hùng những ngày cuối đời. Có lẽ anh đã học được sự chịu đựng nỗi cô độc từ ông ấy?

- Tôi thấy mình giống nhà văn Võ Phi Hùng ở điểm này và có duyên với ông ấy. Những ngày cuối đời, Võ Phi Hùng tránh mặt tất cả bạn bè, trừ tôi. Khi ông vào nằm viện, rất may có được một người yêu cũ ở nước ngoài về chăm sóc. Khi tôi đến bệnh viện, chị ấy đã nhờ tôi cùng chăm sóc cho đến khi ông qua đời. Có lẽ đây là duyên phận của kiếp người.

* Năm 2013, anh có đóng phim Cá lên bờ nhưng đến nay chưa phát sóng, anh có biết vì sao không?

- Phim Cá lên bờ dài 20 tập do Hà Minh Mẫn viết kịch bản, Trương Dũng đạo diễn. Tôi cũng không hiểu vì sao phim chưa lên sóng, có thể còn kẹt ở khâu biên tập. Nhà biên kịch Hà Minh Mẫn còn viết một kịch bản nữa dành cho tôi diễn vai chính, nhưng chưa biết khi nào làm phim khả thi. Nếu tôi vẫn còn sống khỏe, thì tôi sẵn sàng nhận lời đóng các phim mà một người như tôi làm được.

* Xin cảm ơn và chúc anh luôn sống lạc quan!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm