Đừng vội buồn khi chữ 'Hiếu' đổi thay

31/01/2014 08:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trước sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, tình trạng suy thoái đạo đức nhức nhối, nhiều người lo ngại chữ Hiếu bị khuất lấp hoặc phai nhòa. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, phải ban hành luật để giữ gìn giá trị đạo Hiếu, nhiều người ái ngại cho giá trị cổ truyền này.

Tuy nhiên, trao đổi với Thể thao & Văn hóa, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho hay: Đây là sự thay đổi bình thường theo quy luật phát triển. Ta không nên quá buồn khi chữ Hiếu thay đổi (nhưng không mất chất).


TS Nguyễn Văn Vịnh

Việt Nam không nên "luật hóa" chữ Hiếu

* Ông nghĩ sao về việc Trung Quốc năm vừa qua đã “luật hóa chữ Hiếu”?

- Điều này thể hiện những xung đột văn hóa mạnh đã khiến họ buộc phải dùng “cây gậy pháp lý” để can thiệp vấn đề đạo đức. Bởi chân giá trị Khổng Giáo với “trai thời trung hiếu làm đầu” đang bị lung lay bởi lối sống cá nhân của phương Tây.

* Những xung đột văn hóa này cũng xảy ra ở Việt Nam, thưa ông?

- Đúng. Chúng ta cũng đang trong giai đoạn tiếp biến văn hóa rất mạnh và sâu. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của Đạo Khổng. Do đó, chữ Hiếu cũng được coi là một trong những giá trị tối thượng. Điều này được thể hiện trong lời răn dạy, những quy phạm đạo đức như: ở nhà phải hiếu kính cha mẹ; cán bộ, viên chức phải hiếu với dân…

Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, với sự hòa nhập, mô hình gia đình chúng ta cũng có nhiều sự biến đổi, dẫn tới sự biến đổi trong hệ giá trị. Những gia đình 3 thế hệ chỉ tồn tại rải rác ở nông thôn. Các thanh niên hiện nay có xu hướng thích sống độc lập, nên mô hình “tam đại đồng đường” sẽ dần biến mất.

* Lũy tre làng chở che phần nào cho bản sắc văn hóa Việt trong thế giới phẳng. Nhưng, ở nông thôn hiện nay, dù còn đó những gia đình “tam đại đồng đường”, song chữ Hiếu có vẻ cũng không còn như xưa…

- Cách thức của nền sản xuất hiện đại khiến người lao động có thể không còn làm ở nơi cư trú. Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam hiện nay, làng quê chỉ có người già và trẻ nhỏ. Người lao động chỉ về quê dịp lễ tết. Vì vậy sự quan tâm, chăm sóc người nhà cũng được thể hiện bằng những phương tiện hiện đại. Điều này tất nhiên không bằng sự giao tiếp và chăm sóc truyền thống, nhất là ở nông thôn, nơi việc giao tiếp trực tiếp vẫn rất được coi trọng.

* Ở thành thị chắc chữ Hiếu phai nhạt càng khủng khiếp…

- Theo xu thế của xã hội hiện đại, việc du nhập các yếu tố của văn hóa phương Tây là tất yếu. Và cách tổ chức của xã hội của Tây Phương cũng khá phổ biến ở thị thành. Những trại dưỡng lão cũng đã xuất hiện để những người già có thể sống và được chăm sóc ở đó.

Cần nhắc lại, lòng hiếu kính của người Á Đông được xem là nếp văn hóa rất đẹp. Nó tạo sự bền vững của gia đình. Nên tôi nghĩ nếu chúng ta đánh mất chữ Hiếu, là chúng ta đánh mất chính bản thân mình.

* Vậy thưa TS, nên chăng ta cũng đưa chữ Hiếu vào luật?

- Vấn đề chúng ta đang bàn thuộc phạm trù văn hóa, đạo đức. Việc “luật hóa” và đưa ra các chế tài dạng này rất khó. Thêm nữa, nếu đưa chữ Hiếu vào luật, khi con cái “vi phạm pháp luật” thì bố mẹ kiện con. Việc này đưa ta từ sự mất mát này tới sự tổn thương khác.

Hơn thế, bản thân văn hóa có cơ chế tự cân bằng trước những biến động. Xét với trường hợp chữ Hiếu với văn hóa Việt, tôi nghĩ nó chưa bị xuống cấp tới mức phải dùng tới luật pháp.

* Tức là ta cứ ngồi im đợi văn hóa… “tự cân bằng”?

- Không hoàn toàn vậy. Ta nên can thiệp truyền thông, giáo dục để tạo lên sự ổn định sự hài hòa trong nếp nghĩ và cách hành xử.


Gìn giữ trên nền tảng chữ Hiếu truyền thống

*Vậy theo TS, chữ Hiếu mà ta đưa vào giáo dục, truyền thông có phải chữ Hiếu theo tiêu chuẩn Khổng giáo?

- Tất nhiên ta vẫn phải đứng trên nền của giá trị chữ Hiếu xưa của Nho giáo.

* Nhưng bố mẹ giờ cũng không chỉ chăm sóc con cháu như xưa mà đi du lịch, tận hưởng tuổi già...

- Xã hội thay đổi, quyền được hưởng thụ của người già là đương nhiên. Họ có nhu cầu chính đáng được đi du lịch, tận hưởng những tháng ngày nhàn rỗi suốt một đời lao động. Trong một số trường hợp, bản thân người già cũng không còn thích mô hình con cái ở với bố mẹ nữa. Xu hướng văn hóa cá nhân ở bất cứ đâu đều đang được cổ súy và hướng đến.

* Như vậy, cứ khư khư chữ Hiếu truyền thống khi hệ thống đã đổi khác, e chừng không ổn…

- Ngược lại, như tôi đã nói, văn hóa có khả năng tự cân bằng để hài hòa. Chữ Hiếu hiện tại vẫn đứng trên nền giá trị truyền thống nhưng nó không hoàn toàn là miếng ăn, cái mặc nữa. Giờ chữ Hiếu là nhu cầu mang tính chất tinh thần và giá trị văn hóa nhiều hơn.

Dù bị ảnh hưởng rất nhiều của các xu thế, lối sống khác nhau nhưng chân giá trị văn hóa sẽ điều chỉnh tới mức hài hòa. Nó không nằm trong sự kiểm soát hay điều chỉnh của luật pháp.

* Ông có thể đưa ví dụ về sự tự cân bằng của giá trị chữ Hiếu trong cuộc sống hiện đại?

- Ví như khi đi xa, chín chắn, người ta thường tự nghĩ tới chuyện tu sửa mồ mả, chăm chút bàn thờ (dù trước đấy, khi thanh niên, họ tư duy rất mở và không nghĩ nhiều tới chuyện này). Bởi văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt rất vững chắc. Đến một thời khắc nhất định, người ta sẽ tự hồi quy về chuẩn văn hóa. Nên ta đừng quá sợ những sự kiện bề nổi, những cú sốc văn hóa lặt vặt.

Cần nói thêm, nếu Việt Nam luật hóa chữ Hiếu bằng việc quy định số lần thăm viếng của con cái với cha mẹ là không ổn. Bởi chữ “Hiếu” còn là hiếu kính với tổ tiên. Nên người ta vẫn nói: Thờ thần như tại. Nghĩa là thờ tổ tiên như họ vẫn đang sống. Và trong chuyện hương khói, ở nông thôn hay thành thị, văn hóa Việt có tính bền vững để chúng ta có thể lạc quan

* Cảm ơn ông, chúc ông và gia đình năm mới nhiều niềm vui!

Luật chữ Hiếu của Trung Quốc gây tranh cãi ngay từ đầu

Ngày 1/7/2013, Trung Quốc gây chú ý khi thông qua luật củng cố đạo Hiếu. Luật mới về cơ bản là sự sửa đổi Luật Bảo vệ Quyền lợi của Người cao tuổi. Luật nói rằng con cái trong nhà phải thường xuyên viếng thăm cha mẹ, ông bà. Luật cấm mọi hoạt động bạo hành đối với người già, ví dụ chửi mắng, dùng ngôn từ mang tính phân biệt, đánh đập hoặc bỏ rơi.

Luật nhắc lại trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ cao tuổi, cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế. Ngoài ra con cái không được cản trở các hoạt động mang tính tự do khác của người già như kết hôn. Con cái phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đã già của mình, không cần biết tình trạng hôn nhân của họ ra sao. Nếu con cái không chăm sóc cha mẹ tử tế, họ có thể bị các bậc thân sinh ra họ đâm đơn khởi kiện.

Các công ty tuyển dụng lao động ở Trung Quốc cũng được yêu cầu phải đảm bảo cho người lao động có cha mẹ sống ở nơi xa phải được hưởng tối thiểu 20 ngày nghỉ phép để họ có thời gian về thăm cha mẹ. Luật mới còn cho phép các bậc phụ huynh ở Trung Quốc đưa con cái họ ra tòa, nếu hoạt động chăm sóc cha mẹ không được thực hiện tử tế.

Tuy nhiên ngay từ khi mới ở mức đề xuất, luật mới đã gây tranh cãi. Trước tiên, luật không nêu rõ con cái viếng thăm cha mẹ bao nhiêu lần và trong một khoảng thời gian kéo dài bao lâu thì mới không bị xem là bất hiếu. Luật cũng không nêu rõ án phạt mà một người sẽ phải nhận nếu không tới thăm cha mẹ già, không làm tròn chữ Hiếu. "Luật này khó khả thi. Nhà chức trách định nghĩa thế nào về chữ “thường xuyên” và họ sẽ đưa luật vào đời sống ra sao" - một người dùng mạng Sina Weibo giấu tên viết.

Một người dùng mạng khác nhận xét trên tờ South China Morning Post: "Ý định của chính quyền thì tốt, nhưng phương thức thực hiện thì quá dở. Luật pháp không phải công cụ để quản lý các vấn đề liên quan tới đạo đức. Đạo đức không phải là thứ ta có thể cưỡng ép".


Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm