Đừng nhầm giữa kịch và văn Nguyễn Huy Thiệp!

05/12/2008 09:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dù hay dù dở, Đến bờ bên kia (đạo diễn NSƯT Anh Tú, kịch bản được Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể từ truyện ngắn Sang sông của chính ông) cũng cứu cả cuộc hội thảo khi tạo sự tranh luận rôm rả thế này - NSND Doãn Hoàng Giang khẳng định. Thực tế chứng minh lời ông: suốt 3 tiếng đồng hồ, cuộc Hội thảo giữa LH (tổ chức chiều qua 4/12) chỉ thu hút mọi luồng ý kiến quanh vở diễn này. Ngoài Đến bờ bên kia, 5 vở diễn đã dự thi chỉ được các chuyên gia sân khấu điểm qua, hoặc thậm chí gần như không nhắc tới.
 

Cùng “mổ” Sang sông…

Cũng dễ hiểu, khi Đến bờ bên kia thu hút sự chú ý cao độ của dư luận đến như vậy. Một phần, đây là vở diễn do Hội Sân khấu đầu tư chọn làm tiết mục khai mạc với việc mời các đạo diễn và diễn viên có tiếng từ hầu hết các nhà hát của Hà Nội (NH Kịch Tuổi Trẻ, NH Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam). Nhưng xa hơn, “thương hiệu” Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Sang sông vốn đã… nổi như cồn từ hơn chục năm nay. Bằng chứng: khi thảo luận, rất nhiều chuyên gia tại hội thảo - trong đó có cả 2 đạo diễn Doãn Hoàng Giang và Anh Tú - vẫn “tiện miệng” gọi vở diễn bằng cái tên Sang sông trong nguyên bản.
 
Cảnh trong vở “Đến bến bờ bên kia” (KB Nguyễn Huy Thiệp).
Ảnh Nguyễn Đình Toán

Có người khen, nhưng cũng rất nhiều người hỏi tôi rằng vở diễn ấy nói cái gì? - GS. NSND Đình Quang kể - Tôi không trả lời, vì ai dám chắc cách hiểu của mình là đúng trước một vở diễn như thế này. Theo nhận xét của ông, Đến bờ bên kia không phải là một vở diễn thành công. Trong thời lượng một vở diễn, đạo diễn Anh Tú đã đưa vào quá nhiều ý đồ, khiến những ý tưởng chính của vở không rõ ràng và thiếu sự nhuần nhuyễn, rành mạch.

Việc tranh luận về cách hiểu thông điệp của Đến bờ bên kia thế nào cho đúng đã châm ngòi cho những ý kiến khác nhau tại Hội thảo. Nhiều tới mức, không ít ý kiến lạc đề đã quay sang phân tích các lớp nghĩa trong nguyên bản truyện ngắn Sang sông. NSƯT Anh Tú buộc lòng phải đứng lên giải thích: xin đừng nhầm Sang sông với Đến bờ bên kia. Sang sông là truyện ngắn, còn Đến bờ bên kia là kịch bản do tác giả Nguyễn Huy Thiệp tự tay chuyển thể. Những ý tưởng được nhà văn viết trong 2 tác phẩm ấy khác nhau rất nhiều.
 
Một cảnh khác trong vở “Đến bến bờ bên kia”.
Ảnh Nguyễn Đình Toán
 
“Khi gặp Nguyễn Huy Thiệp, tôi nói: em mê mải với truyện ngắn của anh từ lâu - NSƯT Anh Tú kể tiếp - truyện Sang sông, anh viết rất hay, hay hơn gấp trăm lần so với kịch bản Đến bờ bên kia”. Theo lời anh, kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp gồm ba hồi, Lên đò – Nhân duyên, Trên đò – Bản tính và Xuống đò – Sắc không. Nhưng, kịch bản trong hồi một gần như chỉ toàn những màn giao đãi mà không có “tính kịch”. Khi dựng, đạo diễn này gần như đã phải cắt bỏ toàn bộ 2 hồi đầu, hồi cuối để tập trung phát triển khúc giữa (Trên đò - Bản tính) và thay đổi khá nhiều.
 
“Hội chọn và giao cho tôi dàn dựng kịch bản này, tôi cho rằng việc dựng vở như thế nào cũng là một thách thức đối với bản thân mình. Bình thường một vở diễn có nội dung, có thắt nút, có cào trào, mở nút, thế nhưng kịch bản này không theo bố cục, không thắt nút, không có nhân vật chính. Đặc biệt, chi tiết tên cướp đập vỡ cái bình cổ, tôi đã phải nghĩ nát óc để có thể đưa lên sân khấu sao cho hợp lý.”

Kịch bản thử nghiệm, hay kịch bản… yếu?

Theo NSƯT Anh Tú, sân khấu thử nghiệm không thể chỉ là chỗ để đạo diễn tung hứng với dăm ba miếng trò của mình. Thử nghiệm ở đây là xem một kịch bản như thế có đứng được trên sàn diễn và tới được người xem không? “Cái chúng ta cần là rung động tới tâm hồn của người xem. Có thể có người chê, nhưng tôi cũng gặp nhiều tác giả tỏ ra xúc động với vở diễn, trong đó có cả những em nhỏ”.

“Trong 5 vở còn lại, tôi khá ấn tượng với Biến vĩ của tình yêu. NSND Lan Hương đã tỏ ra có nhiều tìm tòi công phu trong cách dàn dựng vở diễn này. Còn vở Em bé bán diêm thì việc lồng ghép các lớp chi tiết với nhau chưa ngọt. Trong khi đó, cách “thử nghiệm” của vở Đồng quê âm vang không có nhiều điểm mới. Nhưng, 6 vở diễn đã qua là một tín hiệu đáng mừng, khi chúng ta bắt đầu thấy được mạch đập của sự thử nghiệm. Nói đúng hơn, đó là sự thôi thúc, trăn trở và tìm tòi ở những đạo diễn dự thi để “làm mới” cách dàn dựng của mình (GS NSND đạo diễn Đình Quang)

Tới đây, dường như một câu hỏi được đặt ra: Đến bờ bên kia là một kịch bản viết với ý đồ thử nghiệm, hay bản thân tác giả Nguyễn Huy Thiệp không thạo những nguyên tắc sân khấu, để kịch bản có tính khả thi khi dàn dựng? Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có khả năng viết kịch?

Ý kiến trên được đưa ra bởi nhà viết kịch Ngọc Thụ, Chi hội trưởng Chi hội Tác giả của Hội sân khấu Việt Nam. Ông Thụ gay gắt: xem Đến bờ bên kia, tôi gần như không thấy thông điệp gì được gửi gắm một cách “tới nơi tới chốn”. Mọi ý tưởng đều lộn xộn và thiếu rõ ràng. Tôi nghĩ, Hội sân khấu rất cần thận trọng khi đầu tư mời các nhà văn tham gia viết kịch bản. Trước đây, đã một số lần chúng ta thử làm việc ấy, và kết quả thu được đều chẳng khả quan gì…

Những ý kiến tranh luận trái chiều ấy vẫn không thể ngã ngũ trong buổi hội thảo vào chiều 4/12 vừa qua. Nhưng rõ ràng, sự xuất hiện của Đến bờ bên kia đã gây không khí khá “nóng” trong giới làm nghề - điều mà từ vài năm nay, người ta chẳng mấy khi bắt gặp ở một nền sân khấu đang thưa vắng người xem

Ngân Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm