Dũng "khùng" làm phim kiếm hiệp!

01/10/2011 16:29 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ngay khi biết đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Duku/Dũng “khùng”) đang đi chọn cảnh cho bộ phim mới Chân dài hành động, tôi đã muốn gặp anh để biết thêm thông tin về bộ phim này. Thế nhưng, mỗi lần liên lạc với anh qua điện thoại hoặc tin nhắn, phải đến vài tiếng sau mới thấy anh trả lời, với lý do hoặc đang họp hoặc vừa họp xong…

Và bài phỏng vấn “nóng hổi” này, được thực hiện ngay sau cuộc họp buổi chiều trong ngày cuối cùng của tháng Chín.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

* Anh có thể giới thiệu về bộ phim Chân dài hành động?

- Đó là một phim kiếm hiệp. Tôi đã chọn được các diễn viên nữ như là: Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Quyên và Diễm My. Còn thiếu một vai nam.

* Thật thú vị khi Duku làm phim kiếm hiệp. Anh đang làm bộ phim này đến đâu rồi?

- Vẫn đang xây dựng bối cảnh và may phục trang.

* Có khó khăn gì khi tiến hành làm bộ phim kiếm hiệp này?

- Là làm sao có được một bộ phim kiếm hiệp hấp dẫn nhưng không giống phim Hong Kong hay Trung Quốc Đại lục.

* Kỳ vọng của anh vào sản phẩm mới này?

- Một câu chuyện kiếm hiệp mà được khán giả công nhận nó có màu sắc Việt Nam và hấp dẫn.

* Nghe nói từ viết đến hoàn thành kịch bản này, anh mất đến hai năm, vì sao vậy?

- Tôi đã làm bốn phim và tự viết kịch bản. Càng làm nhiều thì để làm được cái mới mẻ hơn lại rất khó. Cái chính là tôi tự đòi hỏi mình và làm khó mình thôi. Bởi vì tôi không muốn làm trùng lắp cái mình đã làm.

Chinh phục khán giả hơn là săn giải thưởng

* Để có một bộ phim hút khách và hấp dẫn, quy tắc của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là gì?

- Phải làm cái mà mình thích, mình tin và mình yêu. Nếu bản thân mình không thích và tin, thì khó lòng thuyết phục mình lắm. Tuy nhiên Điện ảnh Việt Nam chưa phát triển đến độ mình muốn làm gì thì làm. Nên cũng phải tính toán thời điểm nào nên làm cái gì trong điều kiện có thể .

* Những người bạn chơi cùng, đều bảo Duku thông minh, và có người còn nói hiếm đạo diễn nào có được sự thông minh, nhạy bén như anh, anh nghĩ sao về điều này?

- Nếu thông minh thì chưa chắc tôi đã chọn nghề đạo diễn đâu. Thời của tôi chọn nghề bên nghệ thuật người ta thường kêu “dại”, vì cái lúc đó nghề đạo diễn hay các ngành nghệ thuật đa số đều nghèo. Tôi cũng không ngờ bây giờ tôi lại có thể sống thoải mái như vậy. Tôi may mắn khi được sống trong một xã hội bắt đầu phát triển nên cơ hội dành cho mọi ngành nghề, mà trước đó nghề đạo diễn không phải là nghề có đầu vào quá khó và quá cạnh tranh.

Tôi nghĩ người chuyên nghiệp là phải sống được bằng đúng nghề của mình. Mà muốn sống được bằng nghề thì phải có thị trường, nên tôi và một vài người nữa cố gắng làm những phim tạo niềm tin cho khán giả đến rạp. Nhưng có thị trường thì phải biết giữ và phát triển thị trường, thế nên người làm nghề phải có phong độ, luôn có cái mới và nâng cao tay nghề của mình và còn phải biết làm cái người ta đang cần và đang thiếu. Biết đâu đến một lúc thị trường đã vững, tôi lại làm những phim mang tính thử nghiệm.

* Nói đến phim thương mại, nổi bật lên hai cái tên Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng. Để có vị trí như ngày nay, anh nghĩ gì về chặng đường làm đạo diễn đã qua của mình?

- Chúng tôi có 2 cái may mắn. May thứ nhất là, lúc chúng tôi ra trường, TFS - Hãng phim Truyền hình TP.HCM có những dự án phim tivi 90 phút. Ban giám đốc lúc ấy cũng khá ưu ái cho nhân tố mới nên tạo cơ hội cho chúng tôi làm. Qua những phim truyền hình 90 phút đó, chúng tôi xem như có phim đầu tay mà đi “chào hàng”. Dù sau này tôi chưa làm thêm phim nào cho TFS, nhưng thế hệ chúng tôi luôn biết ơn TFS đã tạo cơ hội cho sinh viên mới ra trường trở thành đạo diễn trong khi trước đó phim chỉ do các hãng phim nhà nước làm và phải xếp hàng chờ “dài cổ” mới đến lượt, có người gần 50 tuổi vẫn được gọi là đạo diễn trẻ.

May thứ hai là, sau đó vài năm các hãng phim tư nhân ra đời sau thành công của Gái nhảy, bắt đầu người làm nghề hay các nhà đầu tư phát hiện ra là khán giả Việt Nam không hề quay lưng với Điện ảnh Việt Nam. Điều này tạo cho chúng tôi niềm tin và hy vọng, chúng tôi bắt đầu ý thức chinh phục khán giả hơn là đi săn giải thưởng.

* Và rồi anh đã thành công và trở thành nhân vật nổi bật trong làng Showbiz. Thế nhưng, đó là một thế giới không dễ dàng, sự đào thải cũng khắc nghiệt, anh làm thế nào để vẫn ung dung là Duku - luôn là chính mình?

- Tôi nghĩ làm bất cứ nghề gì cũng không thể hoàn toàn chỉ làm theo ý thích riêng của mình. Hiện tại tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình. Vì tôi làm tự do, không thuộc ai quản lý, nên có quyền lựa chọn việc mình làm. Làm nhiều thì có tiền nhiều, muốn nghỉ ngơi thì làm ít đi.

* Khi nghỉ ngơi thì anh thích làm gì?

- Gặp gỡ ăn uống cùng bạn bè. Nếu được nghỉ dài thì tôi thích nhất là đi du lịch với một nhóm bạn. Tìm hiểu và update nghề bằng việc xem phim hay lướt web tìm thông tin về những xu hướng của quốc tế.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (người đội mũ lưỡi trai) trên trường quay. Ảnh do nhân vật cung cấp

Duku - Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn hay đạo diễn?

* Nhớ lại một chút quá khứ, tôi vẫn thắc mắc về nguyên do nào mà anh lại lựa chọn nghề đạo diễn ở thời điểm đó?

- Lúc đó tôi cũng không biết chọn nghề gì. Cũng đi thi đại thôi, nghĩ rằng nghề này được đây đi đó, gặp nhiều người đẹp. (cười).

* Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có khi nào góp ý về con đường nghệ thuật mà anh lựa chọn không?

- Chưa bao giờ. Ba tôi chỉ khuyên tôi về cách sinh hoạt. Như phải: siêng tập thể dục, ăn uống điều độ...

* Gia đình có ý nghĩa thế nào với con đường nghệ thuật của anh?

- Gia đình là cả cuộc sống của tôi. Gia đình làm cho tôi cảm thấy bình yên nên yên tâm làm việc và yên chí dù có mệt mỏi như thế nào thì về nhà là nơi cư trú an lành và vui vẻ.

* Anh có thể kể lại kỷ niệm vui khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc bài thơ Mẹ đi vắng của anh sáng tác khi mới 4 tuổi?

- Lúc 4 tuổi tôi và anh tôi có bị bệnh sốt xuất huyết cũng khá nặng. Trước đó mỗi lần bạn bè ba đến nhà nhậu tôi hay nghêu ngao bài “mẹ đi vắng”, chắc vì lúc đó cũng “nhiễm” các chú bác ngày nào cũng qua nhà hát hò nên thế là cũng theo phong trào nghêu ngao đủ thứ. Khi tôi bệnh nằm cấp cứu thì chú Sơn có chép lại giùm bài hát đó và có sửa cho nó trở nên hoàn thiện hơn, có lẽ đó là một giá trị tinh thần rất lớn đối với gia đình tôi.

* Sau “sự kiện” này, cá nhân anh và gia đình có nghĩ hay tiên đoán về con đường nghệ thuật của anh?

- Lúc đó gia đình cho tôi đi học nhạc. Càng học thì tôi thấy có vẻ năng khiếu của mình về âm nhạc cũng không quá xuất sắc, nên học cho biết, lúc nào hứng thì sáng tác chơi cho vui. Vì tôi chỉ có khả năng viết ca khúc thôi, chứ không đi xa hơn được, vì năng khiếu đàn kém, hát kém và nhạc lý cũng kém. Tôi nghĩ chỉ có thể sáng tác ca khúc thôi thì chưa đủ để làm nghề chuyên nghiệp, nên cuối cùng tôi lại chọn nghề đạo diễn.

* Có năng khiếu về văn chương, và điều đó đã thể hiện qua những trang viết của anh, vì sao Duku không theo nghiệp văn chương?

- Hồi đi học, môn văn là nỗi kinh hoàng của tôi. May mắn lắm thì tôi mới được điểm trung bình. Nhưng cũng may là chưa bao giờ bị điểm “liệt” để bị thi lại hay ở lại lớp. Nên chưa bao giờ tôi nghĩ mình có khả năng văn chương cả. Nói thật mỗi lần tôi viết kịch bản cũng rất khổ sở bởi vốn từ, cách diễn đạt, nhiều khi hình ảnh hiện rõ trong đầu mình mà không biến diễn tả ra thành chữ như thế nào. Nên tôi phải viết blog hay facebook để tập viết.

* Anh đã bao giờ nuôi mộng văn chương chưa?

- Thực chất từ nhỏ đến cách đây hai năm thì tôi chưa bao giờ mơ mộng về văn chương. Nhưng gần đây tôi lại nảy sinh sẽ viết một cuốn truyện Thần thoại Việt Nam cho thiếu nhi. Bởi tôi nghiệm lại thời trẻ con của tôi không có nhiều sách Việt Nam để nuôi mầm trí tưởng tượng.

* Từ hình ảnh một nhà văn - từ chính ba mình - anh đã nghĩ về nghề văn như thế nào?

- Bây giờ tôi thấy nghề viết văn là một nghề rất thú vị. Bạn muốn viết gì thì viết và người đọc thì lại được thoải mái tưởng tượng, còn Điện ảnh mọi thứ quá cụ thể và phụ thuộc nhiều thứ quá!

* Anh có dự định in một cuốn sách từ những trang viết của mình không?

- Có chứ. Thật ra tôi đã in cuốn sách kịch bản Nụ hôn thần chết rồi, lúc ấy bán cũng chạy. Tôi thích sau này con hay cháu của tôi sẽ đọc được một cuốn sách mà đầy ắp trí tưởng tượng hồn nhiên và trong sáng.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm