Đừng “đóng hộp” sân khấu trong nhà hát!

02/12/2009 15:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ở VN, biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng thường chỉ diễn ra trong dịp lễ, Tết hay nhân sự kiện nào đó thì ở các nước láng giềng, văn hóa cộng đồng khá phát triển. Liên hoan (LH) Nghệ thuật và Truyền thông Mekong 2009 đang diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) giới thiệu không ít những mô hình hoạt động văn hóa hướng đến cộng đồng khá hiệu quả.

* Thành tố tích cực kết nối cộng đồng

Năm 1986, những thanh niên ở các trại tập trung của người tị nạn dưới thời Khmer Đỏ ở khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia được gửi đến tham gia các lớp hội họa nhằm thoát khỏi sức ép tâm lý.

Năm 1992, sau khi những người tị nạn trở về nhà, nhóm phụ trách những trẻ em ở vùng đất có trại tập trung nói trên theo đuổi ý tưởng dùng nghệ thuật như phương tiện cứu rỗi tâm hồn và họ thành lập tổ chức Phare Ponleu Selpak (PPS), tiếng Khmer có nghĩa là ánh sáng nghệ thuật. PPS thành lập ba trường nghệ thuật làm nòng cốt, vừa đào tạo và vừa hoạt động nghệ thuật. Xiếc trở thành một trong những thế mạnh trong hoạt động biểu diễn của PPS.


Các nghệ sĩ trẻ của PPS biểu diễn xiếc trong lễ
diễu hành trước ngày khai mạc LH.


Ông Khoun Det, một trong những người thành lập PPS và hiện là giám đốc nghệ thuật PPS cho biết, PPS theo đuổi mô hình xiếc xã hội (social circle): xiếc kết hợp với kịch, âm nhạc... làm thành các tiểu phẩm vui tham gia khá nhiều hoạt động cộng đồng. Ông cho biết: “Thông qua các buổi biểu diễn, những nội dung về giới, tình dục, HIV/AIDS được lồng ghép một cách khéo léo và các thông điệp này đến với người xem một cách nhẹ nhàng, vui vẻ”.

Không chỉ biểu diễn, các  chương trình nghệ thuật cộng đồng còn đưa ra hay gợi mở để giới trẻ bộc lộ những vấn đề mà họ phải đối mặt để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Nghệ sĩ múa Zhang Yinzhong (Trung Quốc) phát triển một dự án cộng đồng tại một số vùng dân tộc thiểu số ở đất nước này. Anh dạy cho các em nhảy múa, diễn kịch, chiếu phim... với nhiều tiết mục khơi gợi giá trị truyền thống văn hóa ở nơi các thanh niên đang ở mà chính họ thường không quan tâm hay các giá trị văn hóa đó dường như bị bỏ quên... Các chương trình này được thiết kế theo hướng “đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả” nên sân khấu “dã chiến” có thể dựng ở bất kỳ đâu hay thậm chí biểu diễn ở hội trường, phòng họp đều  phù hợp. Kết hợp với các chương trình này, chuyên gia được mời đến nói chuyện về các chuyên đề giáo dục giới tính, tuyên truyền về HIV/AIDS.

* Có thể kiếm tiền từ các hoạt động nghệ thuật cộng đồng

“Học viên tham gia các lớp dạy nhảy đã tiến tới thành lập các nhóm nhảy múa, đi biểu diễn và có thu nhập”, anh Zhang Yinzhong vui mừng cho biết.

Ông Khoun Det nói thêm, sau khi thu nhận các em có năng khiếu để tham gia các lớp đào tạo về xiếc, kịch, âm nhạc..., trong quá trình hoạt động, em nào bộc lộ khả năng đặc biệt và có tư chất tốt thì có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp, gửi đi đào tạo ở VN hay giữ lại làm giảng viên”.

Đã có 4 bạn trẻ được gửi đến đào tạo ở Trường Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN. Với tinh thần học hỏi, ý thức tập luyện và tư chất tốt, con đường trở thành các nghệ sĩ chuyên nghiệp đang mở ra trước mắt họ. Hy vọng rằng, sau những hoạt động cộng đồng, họ sẽ có cơ hội để làm việc chuyên nghiệp  tại một nhà hát để có cơ hội phát triển và nâng cao hơn nữa nghề nghiệp. Có thể xem đây là nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống ổn định của nghệ sĩ và hy vọng họ có thể nhận được những khoản lương thường xuyên hơn.
 
* Mảnh đất mà sân khấu VN còn “bỏ trống”

Mô hình hoạt động văn hóa cộng đồng của các nghệ sĩ ở các nước láng giềng gợi mở nhiều suy nghĩ cho các nghệ sĩ và các nhà quản lý văn hóa ở nước ta. Thay cho nghệ thuật được đóng hộp trong các nhà hát và bán vé thì hãy đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, trước hết bằng việc xóa bỏ rào cản quan niệm, rằng nghệ thuật quần chúng ở thứ bậc thấp và nghệ sĩ ra đường biểu diễn thuộc hàng thứ cấp.

4 nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ (Như Lai, Hoài Nam, Hoàng Tùng và Công Dũng) cùng các đồng nghiệp đã vượt qua nỗi e ngại này để diễn hơn 40 suất vở kịch “Stereo Man” và phiên bản mới sau này tại các trường đại học trong cả nước. Vừa phục vụ cộng đồng bằng nghệ thuật, họ vừa có thu nhập và thù lao, mà đôi khi còn cao hơn cát-sê biểu diễn ở nhà hát.

Tiếc là, hoạt động văn hóa cộng đồng vẫn là mảnh đất mà các nghệ sĩ chuyên nghiệp và các nhà hát ở nước ta còn bỏ trống, coi như “sân chơi” của các diễn viễn viên nghiệp dư và thường gọi chung là “nghệ thuật quần chúng”.

Tùng Sơn (từ Phnom Penh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm