Đột nhập “biệt thự cho người chết” ở Quảng Ninh

21/03/2011 14:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau cái rùng mình ớn lạnh vì khí “âm” trong lòng đất, tôi dụi mắt và choáng váng. Hầm mộ giống như cả một tòa biệt thự sang trọng âm thầm nằm trong lòng đất đã gần 2.000 năm nay. Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo vừa mới phát hiện ở Hà Nam (Trung Quốc) cũng được xây dựng theo kiến trúc tương tự, chỉ khác ở số lượng gồm tới hai vòm và bốn phòng nhánh vòm cuốn ở hai bên.

Hầm mộ gạch lớn có tên gọi dân gian là “Hố Của” tại thôn Năm, xã Song Khoai, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh có niên đại thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, cách đây hơn 1.800 năm. Do bị thủng một diện tích chừng 1m2 trên đỉnh vòm mộ nên từ lâu đất, rác đã tạo thành một lớp dày gần 1m ở trong lòng mộ. Sau năm 2002, cơ quan văn hóa huyện đã tổ chức xây bờ và lợp che chắn, nhưng đến nay đã mất hết tấm lợp.

Những hiện vật gốm và mảnh vỡ được thu thập nghiên cứu, gắn chắp, phục vụ bảo quản và trưng bày cho Bảo tàng Bạch Đằng.

Hầm mộ quý tộc

Đây là một hầm mộ gạch kiểu Hán (Han style) được xây dựng bằng hàng ngàn viên gạch lớn (cỡ trung bình 26x45x7cm). Tất cả gạch xây đều có in hoa văn nổi trên các cạnh khiến cho hầm mộ như một bức tường phù điêu lộng lẫy.

Hầm mộ gồm ba gian lớn. Gian chính giữa hình chữ nhật mỗi chiều 3 - 4m. Các tường cạnh của gian này được xây thẳng đứng cao chừng 3m rồi thu dần vào tạo thành một đỉnh vòm bốn múi hình thót nhọn, tạo thành một lỗ thoát hồn lên trời. Từ đỉnh vòm này xuống nền gạch đáy cao trên 4m. Đây là một kiểu hầm mộ quý tộc xây theo kiến trúc xếp gạch giật cấp rất điêu luyện, bắt đầu phổ biến vào thời Đông Hán. Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo vừa mới phát hiện ở Hà Nam (Trung Quốc) cũng được xây dựng theo kiến trúc tương tự, chỉ khác ở số lượng gồm tới hai vòm và bốn phòng nhánh vòm cuốn ở hai bên.

TS Nguyễn Việt chụp lại mẫu hoa văn gạch cổ trong hầm mộ


Tại hầm mộ “Hố Của” ở Sông Khoai, hai phía Bắc, Nam của gian vòm cao chính giữa người xưa làm thêm hai gian vòm cuốn nữa. Gian chính ở phía Nam dài gần 6m, rộng khoảng 2m, cao 2m là nơi đặt quan tài chủ nhân, gian kia dài 2m, rộng 2m, cao 2m là nơi chứa đồ tùy táng. Ở mỗi gian đều có một ngách cổng phụ cao và rộng mỗi chiều 1m. Đồ tùy táng thấy được khá nhiều ở ngách cửa phụ gian chính giữa. Nền các gian được lát gạch chéo chứ không song song với chiều tường hầm mộ, có nơi dày tới ba lớp gạch.

TS Nguyễn Việt, GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: “Giá trị lớn nhất của hầm mộ này là kiến trúc và nghệ thuật. Chính TS Yang Yong, một chuyên gia về mộ táng thời Hán ở Lĩnh Nam (Trung Quốc) khi đến thăm hầm mộ này đã phải xác nhận ngay cả ở Trung Quốc cũng rất hiếm thấy. Nói chung các hầm mộ gạch đầu Công nguyên ở Việt Nam đều có hoa văn rìa cạnh. Giá trị nghệ thuật của hoa văn chính là tiêu chí để đánh giá lao động trí tuệ, nghệ thuật của hầm mộ, và qua đó đánh giá vị trí xã hội của chủ nhân. Có thể nói đây là một hầm mộ được trang trí khá cầu kỳ. Sơ bộ nhận thấy gần 100 đồ án khuôn in hoa văn gạch khác nhau. Nét in sâu, sắc khiến mỗi viên gạch nổi lên rất rõ nét. Nhiều viên có dấu hiệu ký tự khác lạ, càng làm tăng tính hấp dẫn của hầm mộ.

Từ lâu nay, do quan niệm sai lầm cho rằng những hầm mộ gạch này là của những kẻ xâm lược phương Bắc, đã dẫn đến ý thức không gìn giữ, tôn vinh loại hình di sản kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời cao và giá trị lao động nghệ thuật lớn này của dân tộc. Nhiều khu hầm mộ như vậy ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đã bị san bằng trước con mắt ngẩn ngơ của giới nghiên cứu. Gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt cả nhiều chuyên gia khảo cổ, nhân chủng Trung Quốc đã xác nhận đa số chủ nhân các hầm mộ như vậy là người Việt. Họ có thể là những quý tộc, thương nhân Việt hoặc là những quan lại người Việt dưới thời Bắc thuộc như Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng...Vì thế, việc bảo lưu được những hầm mộ hiếm hoi như ở Song Khoai là vô cùng quý báu”.

Gian đặt quan tài chủ nhân hầm mộ


“Lý thị” - chủ nhân hầm mộ là ai?

Hầm mộ “Hố Của” được phát hiện từ khoảng 1978, khi nhân dân thôn Năm san bạt làm nhà vườn và đường đi. Sau đó, người ta đã tự tiến hành thăm dò, khai quật, lấy đi một số đồ tùy táng.

Năm 2002, khi san ủi sân trường học xã, thợ san ủi đã phát hiện hai hầm mộ gạch, đã thông báo cho chính quyền địa phương. TS Nguyễn Việt cùng cộng sự thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á được mời giúp địa phương khai quật “chữa cháy” hai mộ này. Tháng 11 năm ngoái, hầm mộ đã được tiến hành tu bổ.

Qua chỉnh lý những đồ sành sứ bị vỡ vứt lại từ những lần khai đào cổ vật trước đó, nhóm nghiên cứu có một phát hiện đặc biệt có ý nghĩa trong việc xác định chủ nhân ngôi mộ. Đó là một chiếc đĩa vỡ có khắc chìm dưới lớp men mỏng hai chữ “Lý thị” (Họ Lý). Điều này cho phép giả định hoặc chính chủ nhân ngôi mộ là một quý tộc họ Lý hoặc dòng họ Lý đã cúng viếng người chết chiếc đĩa này. Dù thế nào thì chủ nhân ngôi mộ cũng là một nhân vật quan trọng đương thời gắn bó mật thiết với dòng họ Lý.

Từ những phát hiện trên, TS Nguyễn Việt cho rằng, họ Lý là một trong những dòng họ được ghi lại sớm vào loại nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong Hội nghị quốc tế về văn hóa Hán hồi tháng 9 năm 2010 tại Hà Nam, Trung Quốc, TS Nguyễn Việt cũng đã trình bày tham luận về họ Lý ở Việt Nam hồi đầu Công nguyên. Theo ông, có hai hệ thống dòng họ Lý ra đời từ rất sớm ở vùng Đông Á. Một dòng họ Lý ở Trung Nguyên (Lý Gia) và một dòng họ Lý ở Lĩnh Nam. Dòng họ Lý ở Lĩnh Nam có liên quan đến việc xưng danh của các quý tộc thủ lĩnh các bộ lạc Lý, Lão (trong khối Bách Việt) phân bố ở Lĩnh Nam, Giao Chỉ. Nhiều chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản và Trung Quốc cũng tán thành quan điểm trên khi cho rằng có một trung tâm đúc đồng riêng phát triển rực rỡ ở Lĩnh Nam trong khoảng những thế kỷ trước và sau Công nguyên, mà quý tộc họ Lý bản địa đóng một vai trò quan trọng.

Việc phát hiện chiếc đĩa gốm men có khắc chìm hai chữ “Lý thị” trong hầm mộ một mặt xác nhận quan hệ chủ nhân hầm mộ với họ Lý người Việt bản địa, mặt khác góp thêm tư liệu về một dòng tộc giữ vai trò kinh tế, xã hội rất quan trọng của buổi đầu Công nguyên ở Việt Nam.

Dòng họ Lý ở Giao Chỉ tiếp tục duy trì vị trí chủ chốt ở Việt Nam trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Theo thống kê, cứ mỗi thế kỷ lại có hai viên quan họ Lý giữ cương vị đứng đầu bộ máy quyền lực tại đây. Nhà nước Vạn Xuân độc lập đầu tiên hồi thế kỷ 6 cũng thuộc về họ Lý và nước Đại Việt với kinh đô Thăng Long đầu tiên cũng do họ Lý. Chắc chắn, nếu không có sự kiện đổi từ họ Lý thành họ Nguyễn diễn ra dưới đời nhà Trần, thì số lượng họ Lý vẫn chiếm hàng đầu trong bách tính nước ta, tương tự tình trạng hiện nay của họ Nguyễn vậy - TS Nguyễn Việt khẳng định.

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm