Đờn ca tài tử Nam Bộ thành Di sản Thế giới: Tôn vinh 'dòng chảy âm nhạc' của người Việt

06/12/2013 08:09 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - "Là "đặc sản" của Nam Bộ nhưng xa hơn, đờn ca tài tử cho thấy toàn bộ lịch sử dòng chảy âm nhạc của người Việt trong quá trình Nam tiến. Bởi thế, mọi cộng đồng đều có quyền hân hoan về sự vinh danh này" - nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) nhận xét.

Trước đó, vào chiều 5/12, phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO (diễn ra tại Baku, Azerbaijan) đã ghi tên Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xóa đi "vùng trắng di sản"

Theo nhận xét của UNESCO, Đờn ca tài tử (DDCTT) Nam Bộ được vinh danh nhờ 5 tiêu chí chủ yếu: trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và thể hiện sự hoà hợp, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc; thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu;  có sự tham gia bảo vệ tích cực của các chuyên gia với sự hỗ trợ từ Nhà nước; được cộng đồng và chính quyền địa phương đề cử và cam kết gìn giữ, được kiểm kê từ năm 2010 và đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội thảo quốc tế về ĐCTT do Bộ VH,TT&DL tổ chức
"ĐCTT có những giá trị mẫu mực và rất sát với tiêu chí xét duyệt của UNESCO. Lúc góp ý xây dựng hồ sơ, chúng tôi nói vui: di sản này mà trượt thì... VN chẳng nên đưa thêm loại di sản âm nhạc nào ra ứng thí nữa" - GS Đặng Hoành Loan cho biết. Từ năm 2010, các chuyên gia của Viện Âm nhạc đã tiến hành khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ về ĐCTT, dựa trên một không gian trải rộng qua 21 tỉnh thành từ cực Nam tới Bình Thuận.

Theo giới thiệu của phía Việt Nam, ĐCTT Nam Bộ ra đời ở miền Nam vào cuối thế kỷ XIX, được sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật được trình diễn khá phổ biến, mang tính bình dân, phù hợp với điều kiện sống, tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam - vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường. Ban đầu, loại hình này chỉ mang hình thức hòa tấu nhạc không lời. Tuy nhiên, vào đầu thế kỉ XX, từ phần "đờn" này, các nghệ nhân Nam Bộ đã đặt thêm phần "ca" và đưa ĐCTT mau chóng phát triển tại khu vực này với tốc độ đáng kinh ngạc.

Đặc biệt, theo GS Loan, việc ĐCTT được vinh danh còn đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi chúng ta đã "rải đều" danh hiệu Di sản thế giới tại tất cả các vùng miền. Bởi, không kể tới các Di sản vật thể đang tập trung tại miền Bắc và miền Trung, cho tới thời điểm trước ngày 5/12, khu vực Nam Bộ cũng vẫn chưa sở hữu một di sản phi vật thể nào so với Tây Nguyên (Không gian cồng chiêng), miền Trung (Nhã nhạc cung đình Huế) hay miền Bắc (Quan họ, Hát xoan, Ca trù…).

Đờn ca tài tử là loại hình di sản âm nhạc phổ biến và xuất hiện trong các sinh hoạt văn hóa rất đa dạng của người dân Nam Bộ

Đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc và lịch sử văn hóa Việt

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, dù "sinh sau đẻ muộn" và chỉ ra đời cách đây trên dưới 200 năm, ĐCTT lại là di sản "đẩy" được tinh hoa về nghệ thuật nhạc cụ họ dây của người Việt lên tới đỉnh cao. Anh khẳng định: trong cổ nhạc Việt Nam, đây là di sản âm nhạc có ngón đàn phức tạp nhất, phát triển đa dạng nhất và có bài bản niêm luật chặt chẽ nhất.

"Nhìn vào nghệ thuật này, giới nghiên cứu thật lòng đều phải kính nể khả năng của các anh tài âm nhạc đất phương Nam" - Bùi Trọng Hiền nói. Có thể lấy việc sân khấu hóa loại hình âm nhạc này làm ví dụ điển hình.Các làn điệu dân ca tại miền Trung gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa lên sân khấu và dựng thành kịch dân ca. Trong khi đó, từ cái gốc là ĐCTT, cải lương được khai sinh và phát triển rất mạnh. Điều này đến từ đặc trưng của ĐCTT là sự phong phú về nhạc tính, và gần như có thể chuyển tải được tất cả các cung bậc cảm xúc của con người".

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 8 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng Hà Nội, Hát xoan, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử Nam Bộ. Trong năm 2013, bộ hồ sơ về Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được nộp lên UNESCO và sẽ có kết quả trong năm 2014.

Theo nhà nghiên cứu, nét đặc sắc của đờn ca tài tử còn nằm ở lịch sử hình thành của nó - khi loại hình này cho thấy rõ dòng chảy âm nhạc của người Việt trong quá trình Nam tiến. Về chất liệu, ĐCTT chịu ảnh hưởng của tuồng Bắc, của âm nhạc thính phòng Huế, của nhạc lễ Nam Bộ. Đặc trưng địa lý của Nam Bộ, với tính chất của một vùng văn hóa trẻ có khả năng tiếp thu và hội nhập rất cao, không bị "đóng khung" bởi các định kiến cũ... đã là mảnh đất màu mỡ để nghệ thuật ĐCTT tiếp thu các tinh hoa này và mong chóng phát triển thành một thể loại âm nhạc hoàn hảo, không hề thua kém các di sản âm nhạc miền Trung và miền Bắc.

"Thậm chí, nếu nghiên cứu kĩ, phần lời của những bản ĐCTT đầu tiên ra đời vào đầu thế kỷ XX - giai đoạn VN còn là thuộc địa của Pháp - nên có nội dung gắn với những đề tài lịch sử, ca ngợi anh hùng dân tộc, cũng như tình cảm với quê hương của người dân nơi này" - GS Đặng Hoành Loan nói thêm - "Với bề dày lịch sử và một cộng đồng đông đảo và thực hành thường xuyên như vậy, việc ĐCTT được tự nguyện gìn giữ và phát triển cho tới thời điểm trở thành di sản thế giới như hôm nay là điều dễ hiểu...”.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm