Đối thoại về áo dài với nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, nhà tạo mẫu Ngô Kim Khôi, TS Nguyễn Thị Hậu

19/03/2016 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội áo dài TP.HCM năm nay có chủ đề “TP.HCM - Thành phố áo dài” kéo dài từ ngày 1/3 đến 20/3 với rất nhiều sự kiện chính thức và hưởng ứng.

TP.HCM cũng vận động, khuyến khích, quy định người dân mặc áo dài trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhân dịp này. Có thể nói, kể từ khi có quy định học sinh cấp 3 mặc áo dài trắng (khoảng 1989 - 1990) đến nay, chưa bao giờ áo dài nhận về mình nhiều định chế hóa như lần này.

Với câu hỏi: Làm sao để áo dài thực sự là áo dài? Hoặc: Có nhất thiết ai cũng mặc áo dài và mặc trong mọi hoàn cảnh? Thể thao & Văn hóa Cuối tuần thực hiện bàn tròn trao đổi với nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, nhà tạo mẫu Ngô Kim Khôi, và TS Nguyễn Thị Hậu.

* Theo quan sát của anh/chị về hành trình của áo dài, ít nhất từ đầu thập niên 1930 đến nay, thì cách mà lễ hội áo dài đang làm tại TP.HCM có tác dụng hoặc phản tác dụng như thế nào?

- Phạm Hoài Nam: Là người đồng hành từ những ý tưởng đầu tiên để hình thành nên lễ hội này, tôi thấy thật sự vui mừng khi tà áo dài sau những nỗ lực không ngừng của phía tổ chức đã là trang phục được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Đơn cử, có thể nhìn thấy rất nhiều người, cả nam giới lẫn phụ nữ, trẻ lẫn già, trong dịp Tết cổ truyền vừa qua họ đã chọn áo dài là trang phục để xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ.


Phạm Hoài Nam

Thật ra, trước đây trang phục này từng là chọn lựa thường nhật của mọi tầng lớp xã hội ở Sài Gòn, điều có thể thấy dễ dàng trên các bức ảnh chụp Sài Gòn xưa. Sau này, trong thời gian khó khăn, việc có một tấm áo manh quần lành lặn đã là khó, mặc chiếc áo dài trở thành xa xỉ, chúng ta đành chấp nhận chiếc áo xinh đẹp ấy mai một dần đi bởi điều kiện vật chất khác cần kíp hơn.

Thời điểm này, khi cuộc sống đã đổi khác rất nhiều, tốt lên, đầy đủ hơn, có một vài chiếc áo dài trong tủ không phải là quá khó nữa, thì việc nối lại một thói quen sống tốt đẹp đã từng có của con người ở vùng đất này há chẳng phải là cần thiết hay sao?


Lễ hội áo dài TP.HCM năm nay có nhiều thí sinh nước ngoài tham dự. Ảnh: Văn Bảy

- Ngô Kim Khôi: Một cách khách quan, đứng trên phương diện một người tạo mẫu, các lễ hội này chung quy cũng chỉ là một hình thức để quảng bá áo dài. Tại sao cần quảng bá? Phải chăng đối với tầng lớp trẻ, áo dài đang dần dần bị lỗi mốt, không còn nói lên tính Việt Nam, tính dân tộc, tính thời trang? Đây là tôi chỉ nói đến áo dài dành cho nữ giới, còn đối với nam giới, cần phải bàn lại rất nhiều điều, mà riêng với bài này e không đủ dung lượng.

- Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, đây là cách làm có ý nghĩa tích cực, vì: 1) Nhắc nhớ lại một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, với ước muốn cần phải đưa nó vào đời sống hàng ngày chứ không chỉ trong các dịp lễ trang trọng như mấy chục năm gần đây; 2) Cho thấy áo dài có thể thích nghi với thời hiện đại bằng các kiểu cách tân, phù hợp với các bạn trẻ.

Tuy nhiên, cách tân không có nghĩa là sẽ tồn tại lâu dài. Tôi vẫn cho rằng áo dài luôn có 2 “đời sống”: truyền thống, kín đáo, dịu dàng… sẽ mãi là đặc trưng; còn hiện đại, phóng khoáng và trẻ trung thì luôn có những thay đổi theo thời gian, cũng như mọi loại trang phục hàng ngày.

* Theo anh/chị, cách “cưỡng chế, gò ép” như nhà trường, công sở… quy định mặc; rồi cách tân để áo dài được mặc với nhiều loại quần chẳng hạn; rồi tổ chức lễ hội rùm beng…; có phải là các cách hợp lý để áo dài thật sự đi vào đời sống?

- Nguyễn Thị Hậu: Áo dài chỉ đẹp khi người mặc nó cảm thấy thoải mái với bản thân, với hoàn cảnh… Vì vậy, lúc nào phù hợp thì nên mặc, mới làm phụ nữ và xã hội đẹp hơn. Cũng đừng luôn coi nó chỉ là một loại trang phục truyền thống để lúc nào cũng bắt nó và người mặc nó phải thể hiện ý nghĩa này khác… Làm như vậy là một cách triệt tiêu áo dài trong đời sống.


Nguyễn Thị Hậu

- Phạm Hoài Nam: Tôi còn nhớ năm 1989-1990, khi có quy định học sinh cấp 3 mặc áo dài trắng đi học đã làm nên một cú sốc văn hóa. Vì bối cảnh lúc ấy, khi mà đa số người dân chỉ thấy áo dài đẹp trong văn thơ nhạc họa là chủ yếu, đùng một cái, nó hiển hiện trước mắt họ, nhiều người xuýt xoa, nao lòng vì hình ảnh đó.

Thật ra việc quy định bắt buộc mặc áo dài đối với học sinh như đồng phục không là điều gì đó gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý các em, mà tôi nghĩ đó là cách chúng ta bảo toàn một giá trị tinh thần của người Việt.

Có rất nhiều giá trị đã mai một đi vì chúng ta cảm thấy nó không phù hợp với đời sống, nhưng tà áo dài dường như không nằm trong phạm trù đó. Tự mình, tà áo dài đi vào đời sống bằng những biến thể ngày càng đẹp hơn, dễ sử dụng hơn mà vẫn mang đậm truyền thống cũ. Vậy tại sao ta lại không sử dụng nó?

Thật ra không phải các quy định sẽ làm cho chiếc áo dài sống được trong lòng người, mà tự bản thân sự chọn lựa của mọi người sẽ làm chiếc áo dài sống lâu, sống dai, sống mạnh mẽ trong lòng người Việt. Tự hỏi lòng mình xem mình nên làm thế nào giữa một đám đông khách quốc tế để mọi người có thể nhận ra mình là người Việt, nếu không phải đơn giản là chỉ cần khoác lên mình một chiếc áo dài?

- Ngô Kim Khôi: Ngày xưa, theo tập quán, người phụ nữ luôn luôn mặc áo dài, ngay cả trong lúc quẩy gánh bán buôn hay công việc chợ búa, hành chính…, họ không nghĩ đến phương diện tiện nghi hay sự gò bó vướng víu.


Ngô Kim Khôi

Không ai phủ nhận cái đẹp của áo dài, nét thướt tha, vẻ yêu kiều của người phụ nữ Việt được áo dài làm cho đằm thắm, dịu dàng hơn tột bực. Tuy nhiên, áo dài phải mặc ôm sát thân thể, trong một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, đó không phải là một chuyện dễ dàng.

Ngày nay, phụ nữ theo khuynh hướng chuộng những gì tiện nghi, nên chỉ mặc áo dài trong những dịp lễ Tết hoặc tại những nơi có quy định như văn phòng, công sở, nhà trường… Theo tôi, chỉ có những gì tiện lợi mới được thanh lọc và chọn lựa trong quá trình đi tới của con người.

Để giữ lại tập quán của người Việt, áo dài nên được trình diện vào những sự kiện quan trọng trong đời người, như lễ Tết, hội hè, cưới hỏi, tiếp khách, ngoại giao…, chứ những việc như chợ búa, buôn bán có lẽ nên gia giảm để người phụ nữ tìm được sự thoải mái trong đời sống thường nhật.


Trình diễn áo dài tại Lễ hội áo dài TP.HCM - Ảnh: Phương Vy (TTXVN)

* Nếu giả dụ áo dài sau này trở thành quốc phục, theo anh/chị có nên quy định, hạn chế một số hoàn cảnh, nghề nghiệp cụ thể khi mặc, hay nên để tự do?

- Ngô Kim Khôi: Không cần nói, dĩ nhiên phải đặt áo dài vào những hoàn cảnh trang trọng, chọn lựa, và nhất là không phân biệt giàu nghèo. Ai cũng có thể mặc áo dài và cố gắng để áo dài xuất hiện thường xuyên.

Ngoài ra, cũng nên tôn trọng chiếc áo dài, vì một khi đã trở thành quốc phục thì áo dài là gương mặt của quốc gia. Các nhà thiết kế thời trang có muốn cách tân cách mấy thì cũng không nên biến áo dài thành… mini-jupe. Tấm áo dài tự nó đã đẹp, tôi vẫn yêu thích những gì đơn giản bình dị, đừng nên để áo dài tay nhún phồng lai Tây, hay tay thụng lai Tàu lai Nhật, bốn năm tà lê thê cả thước… Riêng áo dài cho đàn ông, tôi vẫn nghĩ chúng ta cần những trao đổi chi tiết hơn, trong một dịp khác.

- Nguyễn Thị Hậu: Nếu là quốc phục thì cần có quy định rõ ràng về kiểu dáng, hoa văn, nơi sử dụng, tất nhiên không phải ai, lúc nào, nơi nào cũng sử dụng quốc phục. Ví dụ như áo dài cô dâu thường là màu đỏ, hoa văn song hỷ, rồng phượng chẳng hạn, đó là một loại lễ phục tuy không ai quy định nhưng nhiều người coi như vậy.

Còn ngày thường nên để áo dài sống một cách đa dạng và thuận tiện. Tất nhiên, đã là áo dài thì không thể cách tân đến mức trở thành váy, hoặc sườn xám!

- Phạm Hoài Nam: Chiếc áo chỉ là vật ngoại thân, việc mặc như thế nào là chuyện của mỗi người. Mặc sao để xứng đáng với vẻ bề ngoài của mình thì tự mỗi người sẽ phải biết nên hành động như thế nào. Mọi điều luật đều có lỗ hổng, mọi quy định sinh ra để người ta hiểu là làm sai sẽ bị phạt, nhưng vẫn có người thà bị phạt còn hơn.

Theo tôi, từ lâu người Việt đã coi tà áo dài là quốc phục mà chẳng cần một văn bản pháp luật nào chứng nhận cho điều đó. Cũng như việc mặc như thế nào cho đúng, cho vừa vặn, cho chuẩn mực thì tự thân mỗi người Việt trong lòng họ đã hiểu và quy định ngầm với nhau lâu rồi, chả cần đến sự công nhận của định chế xã hội nào. Đừng vẽ ra những điều luật rắc rối cho những việc vốn đơn giản.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm