Đọc Vương Mông để hiểu: 'Thiên cơ Trung Quốc'

05/08/2014 14:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Một cuốn sách không thể không đọc, nhất là vào thời điểm này, để hiểu hơn về một Trung Quốc hiện đại khi Vương Mông, từng là một hiện tượng trên văn đàn tiếng Trung, 4 lần đề cử giải Nobel, mổ xẻ lịch sử phát triển Trung Quốc từ khi Đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời.

Thiên cơ Trung Quốc (God Knows China) do Hồ Ngọc Minh dịch, Alphabooks và Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành.

“Thiên cơ có thể tiết lộ chăng?” - Vương Mông (Wang Meng) viết. “Trong đời sống chính trị, có khoảng cách rất lớn giữa hiện tượng và bản chất, có sự sai lệch giữa sách lược và quan điểm... Có những thủ đoạn như giương Đông kích Tây, vờ tha để bắt, chỉ gà mắng chó, nghe ngóng trước khi hành động, phô trương thanh thế, giả vờ ngô nghê...”.


Nhà văn Vương Mông

Trước đầy ắp thủ đoạn, nhìn ra được thiên cơ chính trị chẳng dễ dàng gì. Vương Mông cũng vậy, những gì viết ra, ông đã quan sát cả đời người, lại là cuộc đời của một người trải đời, cầm bút và quan tâm đến chính trị. Từ năm 13 tuổi, ông đã có lập ngôn về nhận thức chính trị đầu tiên trong đời: “Vận mệnh của nước Trung Hoa cũ đã tận”.

Ông cũng khẳng định luôn: “Đừng nên cho rằng chỉ có vũ đài chính trị của Trung Quốc mới có nhiều thiên cơ bất khả lộ đến thế. Tôi từng nghe thấy nhìn thấy Tổng thống Mỹ Bush (cha) trong bài diễn thuyết tranh cử đã cam kết không tăng thuế, nhưng khi vừa đắc cử đã tăng thuế ầm ầm”.

Thẳng lưng hay gù lưng vì phát triển kinh tế?

Theo Vương Mông, chỉ sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Trung Quốc mới thực sự bước trên con đường ổn định. Vương Mông trích lời nhà văn thế hệ trước, Ba Kim, trước khi qua đời, còn phát biểu một câu về sự phát triển thần tốc 30 năm của Trung Quốc: “Sự phát triển của đất nước khiến cho lưng của chúng ta có thể thẳng lên một chút rồi...”.

Mặc dù, Ba Kim là người cầm bút còn nhiều nguyện vọng chưa được đền đáp, nhiều giấc mộng chưa thành (đúng hơn là không thành), trải qua những chuyện làm tấm lưng nhà văn không thẳng lên được... Nhưng Vương Mông tỉnh táo hơn, đánh giá rằng, sự phát triển vượt bậc khiến người dân Trung Quốc và thế giới hoan hô ấy, lại dẫn đến nhiều hậu quả khác: “Kết quả của sự phát triển không tỷ lệ thuận với việc giải quyết triệt để các mâu thuẫn thứ yếu khác, mà trái lại còn có thể làm bùng phát thậm chí gay gắt hóa những mâu thuẫn ấy”.

Cuốn Thiên cơ Trung Quốc bản tiếng Việt

Đó là những mâu thuẫn gì? Rõ ràng nhất là thói tham ô hủ bại và tác oai tác quái của các quan chức. “Trong dân chúng đã có rất nhiều tin đồn, lời dị nghị và các thông tin bên lề, nhiều không kể xiết, nghe mà rùng mình kinh ngạc” - tác giả viết.

“Nguồn gốc của mâu thuẫn này nằm ở đâu?” là câu hỏi có thể dẫn ta đến điểm yếu của Trung Quốc. Chính thói tham ô của ngày hôm nay để lộ điểm yếu trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Văn hóa Trung Quốc, theo Vương Mông, luôn được nhấn mạnh là “trật tự, hài hòa, đức hạnh, là quan hệ con người, cha hiền con hiếu, vua sáng tôi trung, hiếu đễ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ”. Nhưng người Trung Quốc lại thiếu truyền thống tìm kiếm chân lý và quy luật khách quan một cách nghiêm túc.

Vương Mông dẫn ra một ví dụ điển hình nằm trong một tác phẩm văn học thuộc hàng nổi tiếng nhất mọi thời ở Trung Quốc: Hồng lâu mộng. Trong vụ mất trộm nước hoa hồng, Bình Nhi đã bắt Bảo Ngọc nhận tội thay Thái Vân, nhằm tránh né sự tra xét của Thám Vân. Chi tiết này được người đọc Trung Quốc đời đời ca ngợi, khen hay, nhưng “đó rõ ràng là không quan tâm đến thật giả đúng sai” (Vương Mông đánh giá).

Trong một xã hội hiện đại vận hành theo quy tắc khách quan, nếu vẫn áp dụng tư tưởng đó, sao có thể hợp thời? Sao có thể không làm nảy sinh tham nhũng? Như Vương Mông viết: “Trong thời đại số, cấm đoán, tránh né hay che đậy chỉ có thể mang lại hiệu quả nhất thời, nhưng không ngăn chặn được những di chứng hết sức lâu dài về sau”. Nhưng di chứng đó, nhân dân phải chịu.

Nỗi sợ của Trung Quốc

Không khó để liệt kê ra những “thiên cơ” mà Vương Mông tiết lộ, vạch trần trong cuốn sách này. Cái khó là đọc kỹ cuốn sách để hiểu từng điều một, bởi trong 603 trang sách khổ lớn, nhà văn điểm lại rất nhiều sự kiện bước ngoặt của Trung Quốc trong thế kỷ 20, trong đó có cách mạng và các phong trào đấu tranh, “đại nạn” Cách mạng Văn hóa, thời cải cách mở cửa...

“Đâu là thách thức lớn nhất của Trung Quốc?” là câu hỏi sẽ giúp độc giả nhìn xoáy vào nỗi sợ của quốc gia này. Hãy nhớ lại đặc điểm nổi bật nhất của Trung Quốc: đây là quốc gia đông dân nhất thế giới. Bởi vậy, thách thức là “phải thường xuyên điều hòa mối quan hệ với cá nhân, với số đông, giữa người với người”. Nhiệm vụ điều hòa đó quan trọng còn hơn cả vấn đề “phát triển tự do của cá nhân, cá tính hay cá thể”.

Trung Quốc đang ở trong trạng thái bùng nổ dân số nên là một xã hội hết sức nhạy cảm, để tránh chém giết lẫn nhau, nên quốc gia này luôn luôn nhấn mạnh vào “nghĩa vụ” của con người hơn là “quyền lợi” của con người. Một quốc gia nhìn ngoài thì hùng mạnh, một xã hội “việc gì cũng có người lo”, nhưng tiềm ẩn những mong manh đứt gãy. Đến nỗi, thanh niên Trung Quốc khi bước chân ra ngoài du học Âu - Mỹ, họ hết sức hoang mang và hụt hẫng khi đến lượt mình phải tự chủ.

Mặc dù vậy, âm hưởng chung của cuốn sách vẫn là lạc quan về tương lai của Trung Quốc, với lý lẽ rằng đây là một quốc gia đã vượt qua nhiều đại nạn trong thế kỷ 20.

Nhà văn Vương Mông sinh năm 1934, là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất văn đàn Trung Quốc đương đại. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Cuốn sách chính luận Thiên cơ Trung Quốc chính là tác phẩm ấp ủ suốt cuộc đời cầm bút của ông, được ông viết vào những năm tháng gần cuối đời, ở tuổi 77. Các tác phẩm khác của Vương Mông đã được dịch ra tiếng Việt: Hồ điệp, Triết học nhân sinh của tôi.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm