Đoạn tuyệt phòng trà về “dạo đàn bên sông”

11/07/2012 14:39 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Ông Văn Công Mỹ được giới showbiz TP.HCM biết đến như một trong những người đầu tiên mở phòng trà sau 1975 và có khá nhiều đóng góp với làng ca nhạc thành phố này. Hiện ông đã đoạn tuyệt với phòng trà và chuyển sang làm thơ khi vừa xuất bản tập thơ Dạo đàn bên sông (NXB Trẻ).

Vì sao Văn Công Mỹ không tiếp tục với sự nghiệp phòng trà của mình và tại sao sống giữa giới showbiz ồn ào ông vẫn làm thơ được? Đây là vấn đề khá thú vị TT&VH đặt ra với Văn Công Mỹ.



Ông Văn Công Mỹ

Không có cái mới nên phòng trà trở nên nhàm

* Được biết đến như người mở phòng trà đầu tiên sau 1975, theo ông hoạt động phòng trà thời khởi đầu của ông có gì khác so với bây giờ?

- Khác quá nhiều. Nhưng phải phân tích chính xác trước sau những khác biệt này. Đầu những năm 1990 đất nước bắt đầu mở cửa, kinh tế chớm phát triển. Nền văn hóa cũng bắt đầu tiếp nhận những cái mới. Tôi nhớ những năm đó mô hình cà phê nhạc sống (không kể vũ trường và các tụ điểm) đã hình thành, bắt đầu từ những khách sạn quốc tế (các ban nhạc người Philippines) và một vài quán sang trọng ở trung tâm thành phố (như Paloma ở đường Đồng Khởi có ca sĩ Trung Kiên chơi piano, Xuân Khôi hát) và tất cả sinh hoạt văn nghệ này diễn ra ở tầm qui mô nhỏ, chỉ mang tính phục vụ nhẹ nhàng cho khách du lịch.

Đa số người dân thành phố lúc bấy giờ có nhu cầu thưởng thức ca nhạc phần lớn đều tìm đến các tụ điểm ca nhạc ở ngoài trời, như: Trống Đồng, 126, Bạch Tùng Diệp… và đa số khách là giới bình dân. Sài Gòn lúc đó thiếu hẳn mảng nhạc lãng mạn, trữ tình, tiền chiến mà lớp trung niên rất đông đang mong đợi. Năm 1996 tôi rủ hai người bạn là Sơn (chủ phòng trà Đồng Dao hiện nay) và Thanh Liêm (chuyên gia âm thanh, bầu ca nhạc - đã mất) làm phòng trà Đồng Dao, nhưng qui mô nhỏ, chỉ 120 chỗ.

Chưa đầy một năm sau tôi quyết định rời Đồng Dao để đầu tư phòng trà Tiếng Tơ Đồng với sức chứa 500 người. Công sức, tâm huyết và tiền của bỏ ra khá lớn. Chúng tôi sung sướng, hãnh diện khi thấy ở thành phố hoa lệ này có một phòng trà hình thức sang trọng, chất lượng ca nhạc tuyệt vời.

* Công chúng đón nhận phòng trà vào lúc đó thế nào, thưa ông?

- Đối với người thưởng ngoạn ca nhạc thì bị thu hút, hấp dẫn bởi những điều mới lạ. Lúc bấy giờ chúng tôi chọn lọc và đưa ra những “món ăn” đúng khẩu vị của khán giả. Chính xác dòng nhạc lãng mạn, trữ tình lên ngôi từ những năm đó. Cũng phải nói đến yếu tố là lúc ấy ở Sài Gòn rất ít phòng trà, chỉ có: Tiếng Tơ Đồng, Đồng Dao (của anh Sơn, sau này chuyển qua M Sài Gòn, M&Tôi), 2B (của Mỹ Hạnh), ATB (của Ánh Tuyết)…

Trong một không gian ấm cúng, lịch sự nghe lại những ca khúc vang bóng một thời do những ca sĩ hàng đầu ở Việt Nam biểu diễn mà bỏ ra chỉ chừng 50.000 - 200.000 đồng thì công chúng dễ dàng chia sẻ và đồng cảm lắm. Mời đi nghe nhạc phòng trà những năm đó là thể hiện một tình cảm trân trọng với nhau trong suy nghĩ của nhiều người.

* Vậy theo ông tại sao phòng trà lại vắng khách như hiện nay?

- Kinh tế phát triển nhanh chóng, văn hóa thay đổi cũng là tất yếu. Sự phát triển ồ ạt của internet, mô hình giải trí đa dạng, sự cạnh tranh văn hóa dĩ nhiên phải có, mà ngày càng khốc liệt. Khán giả nhiều lựa chọn hơn, thế nên những gì lặp lại lâu ngày sẽ trở thành nhàm chán. Vì không có gì thay đổi tích cực nên mô hình phòng trà, bắt đầu từ năm 2007 đến nay đã bão hòa. Phòng trà không là chọn lựa ưu tiên cho nhu cầu giải trí nữa. Thêm vào đó chi phí, bị đẩy quá giá trị, được cộng thêm cho ca sĩ đã làm cho khán giả nản lòng, quay lưng với phòng trà.


Tập thơ Dạo đàn bên sông.

 Góp phần làm thay đổi cuộc đời ca sĩ Quang Dũng

* Ông từng tổ chức các sự kiện gây dư luận một thời, như mời các diva vào hát phòng trà, làm chương trình Khi người đẹp hát với sự tham gia của các chân dài, tại sao ông lại không làm phòng trà nữa?

- Đúng, Tiếng Tơ Đồng là phòng trà đã đưa ngôi sao ca nhạc đến gần với khán giả, đầu tiên là Thanh Lam, Mỹ Linh, sau đó có Hồng Nhung…Với sự giúp đỡ của diễn viên Hiền Mai, chúng tôi tổ chức được 13 chương trình Khi người đẹp hát qui tụ những hoa hậu, người mẫu, diễn viên: Trương Ngọc Ánh, Hà Kiều Anh, Ngô Mỹ Uyên, Ngô Thanh Vân, Việt Trinh, Hồ Ngọc Hà... đầy kín khán giả.

* Nghe nói ông là người đưa ca sĩ Quang Dũng từ ngoài quê vào Sài Gòn. Thời gian đầu chuyện đi hát và thù lao của Quang Dũng ở phòng trà của ông ra sao?

- Phải nói ngay điều này, tôi không có chút công trạng gì trong việc biến Quang Dũng thành ngôi sao cả. Mùa Hè năm 1997 khi đang làm phòng trà Đồng Dao, tôi về Quy Nhơn làm giỗ cho cha, tôi ghé thăm vợ chồng người bạn thân là Ngọc Hoánh và Mỹ Nữ (phụ trách chương trình ca nhạc ở quán cà phê Thu Vàng, biểu diễn thứ Bảy hằng tuần) và đề nghị giới thiệu một ca sĩ để tôi đưa vào hát ở Đồng Dao.

Lúc đầu anh Thanh Liêm làm chung với tôi chê Quang Dũng, nhưng vì nể tôi mới nhận cho hát hằng đêm. Thù lao 30.000đ/đêm và không được chạy show đâu cả. Nhưng sau đó chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho Dũng tăng thu nhập là cho đi hát ở những nơi khác, như: Brodard, Khánh Quân… Tôi nghĩ ngày đó anh Ngọc Hoánh không giới thiệu Quang Dũng cho tôi thì giờ số phận Dũng cũng khác rồi.

* Làm chủ phòng trà, tiếp xúc với giới showbiz sôi động, vậy mà ông vẫn còn thời gian trầm lắng để làm thơ. Xin hỏi tập thơ Dạo đàn bên sông của ông ra đời như thế nào?

- Bây giờ mà nói chuyện làm thơ là tôi cảm thấy hào hứng lắm. Khi những lo toan về sinh kế đã nhẹ nhàng, trải nghiệm về cuộc sống đã đủ đầy. Chợt nhớ ra hồi 15 tuổi mình có tập tễnh làm thơ đăng báo, mới hay rằng thơ đã ngấm trong mình từ hồi nào. Đã vậy, mỗi chiều tà ngồi bên dòng sông nhìn nước trôi thì lòng muốn nói nhiều lắm. Mà nói cho mình nghe trước tiên thì có gì thú vị hơn là nói bằng thơ (!).

Tôi nhớ bài thơ đầu tiên được viết như thế này: Ngồi bên sông liếc nước trôi/ Thả năm lăm tuổi xuống đời lênh đênh/ Ban mai thác, xế chiều ghềnh/ May ra còn trận gió hiền nửa khuya. Hơn hai năm tôi làm chỉ được khoảng 100 bài thơ thì thấy tôi làm thơ cực khổ như thế nào( cười). Rồi cũng gửi thơ đăng chơi trên một số trang mạng. Đến một lúc thì nghĩ thôi thì in một tập thơ để làm kỷ niệm của đời mình. Và cuộc đời tôi gắn liền với dòng sông Sài Gòn hơn 20 năm nên tôi đặt tựa cho tập thơ là Dạo đàn bên sông.

Hoàng Nhân (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm