“Đóa hoa sa mạc” chống hủ tục tàn bạo

11/04/2010 14:43 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Waris Dirie, cô gái Somalia sau khi vượt qua sa mạc để trốn khỏi một cuộc tảo hôn, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới công khai nói mình bị cắt âm vật và được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc biệt cho tổ chức Elimination Of Female Genital Mutilation (Loại bỏ việc cắt âm vật ở nữ giới) thuộc Liên hiệp quốc. Gần đây, người mẫu trở thành nhà hoạt động nhân quyền này còn nổi tiếng với cuốn tự truyện Desert Flower (Hoa sa mạc) được chuyển thể lên màn bạc do Sherry Horman đạo diễn.

Bộ phim cho thấy thực tế gây sốc về vấn nạn trên, nhưng đây không phải là sự lên án một chiều về hủ tục vô cùng tàn bạo đó. Bằng ngôn ngữ điện ảnh giản dị, Desert Flower đã kể lại một câu chuyện đầy xúc động về lòng can đảm và cái đẹp. Phim mở màn với hình ảnh cô bé Waris 13 tuổi đang chăn dê trên một khu đất cằn cỗi. Như một bông hoa vươn tới thiên đường, Waris đã chọn hướng đi riêng của mình và trốn khỏi nhà khi bị cha ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi.


Waris Dirie
Waris đã lên tàu để tới làm việc cho những người thân giàu có tại Đại sứ quán Somalia ở London (Anh). Song tại đây, Waris cảm thấy vô cùng buồn chán vì ngoài công việc thường nhật, cô chẳng còn có thể làm gì khác do không biết chữ. Khi nội chiến xảy ra tại quê nhà, Đại sứ quán bị đóng cửa, Waris vẫn cố gắng bám trụ ở London. Nhiều năm sống tách biệt trong Đại sứ quán, nên khi ra ngoài, Waris cảm thấy điều gì cũng mới mẻ. Tuy nhiên, Waris không mặc cảm và cuối cùng tấm lòng nhân hậu của cô đã tìm được sự cảm thông từ Marylin, một nữ nghệ sĩ ballet. Marylin giúp Waris tìm được việc ở một cửa hàng McDonald’s và hòa nhập vào thế giới của những người trẻ. Cũng trong thời gian đó, vẻ đẹp của Waris lọt vào “mắt xanh” của nhiếp ảnh gia Timothy Spall và cô được đưa vào thế giới thời trang. Nhờ vậy mà hình ảnh của Waris đã xuất hiện trên bộ lịch Pirelli.


Tuy nhiên, thành công của Waris vẫn không giúp cô thoát khỏi nỗi ám ảnh về địa vị của một người dân nhập cư bất hợp pháp. Mặt khác, việc bị cắt âm vật khi mới 3 tuổi khiến người phụ nữ này không dám nghĩ tới chuyện yêu đương, song đáng nói hơn là hủ tục tàn bạo đó đã để lại cho cô một vết thương không thể hàn gắn cả về thể xác lẫn tinh thần. Desert Flower kể về cuộc tìm kiếm tự do của một phụ nữ không mang trong mình nỗi hận thù về những gì đã mất mà luôn hướng đến tương lai. Nhờ nỗ lực của những nhà hoạt động nhân quyền, nhiều nước đã ban hành lệnh cấm hủ tục nói trên mà theo bộ phim thì mỗi ngày có tới khoảng 6.000 bé gái ở các châu Phi, Á và Âu bị cắt âm vật.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm