(Thethaovanhoa.vn) -
Chợ kịch điện tử với tên miền chokich.vn, do NH Cải lương VN và đạo diễn – NSƯT Triệu Trung Kiên khởi xướng, với ý tưởng cung cấp nguồn kịch bản dồi dào cho sân khấu phía Bắc. Tuy nhiên, đáp lại sự hào hứng ban đầu của giới làm nghề, chợ kịch này vẫn hiu hắt…
Nhộn nhịp trên… giấyCách đây chừng nửa năm, đạo diễn – NSƯT Triệu Trung Kiên bắt tay xây dựng “chợ kịch” điện tử. “Chợ kịch” chính thức khia trương vào đầu tháng 10 đã nhận không ít tán thưởng của những người hoạt động sân khấu ở phía Bắc. Mục đích của “chợ kịch” là kết nối các giao dịch ý tưởng/kịch bản với các đạo diễn, nhà hát.
"Chợ kịch" được quảng bá là sẽ quy tụ một lực lượng đông đảo các tác giả trên phạm vi cả nước nhưng nòng cốt chỉ là Câu lạc bộ tác giả sân khấu khu vực phía Bắc trực thuộc Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Trên trang web chokich.vn hiện trưng khá nhiều tên tuổi trong giới biên kịch sân khấu: Trần Đình Ngôn, Lê Duy Hạnh, Lê Quý Hiền, Nguyễn Đăng Chương, Chu Thơm, Vương Huyền Cơ…
Chia sẻ về ý tưởng của chợ kịch, tác giả Lê Quý Hiền bày tỏ: “Ý tưởng xây dựng “chợ kịch” thực sự là một cầu nối giữa nhu cầu tiếp cận nguồn kịch bản của các đơn vị nghệ thuật với nhu cầu giới thiệu, quảng bá kịch bản của các nhà viết kịch. Thông thường, một tác giả khi hoàn thành tác phẩm của mình rất khó gửi đến cả trăm đơn vị nghệ thuật trên cả nước để giới thiệu, chào hàng, nhưng thông qua chuyên trang chokich.vn, các đơn vị nghệ thuật sẽ biết đến tác phẩm của họ một cách dễ dàng hơn. Đôi bên cung, cầu về kịch bản có nhiều cơ hội gặp nhau hơn”.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cũng tin tưởng: “Chợ kịch điện tử nếu hoạt động tốt sẽ giúp các đơn vị nghệ thuật không còn mất quá nhiều công sức trong việc tìm và lựa chọn kịch bản. Nguồn cung và cầu khi qua “chợ” sẽ được giao dịch dễ dàng hơn”.
Chợ kịch đã “họp”, nhưng khá vắng vẻ
Vì sao khách thờ ơ?Sau hơn 2 tháng chính thức mở cửa, mới chỉ có 1 kịch bản của chính “chủ chợ” Triệu Trung Kiên (kịch bản
Bắc lệ đền thiêng) là giao dịch thành công và được “khách hàng” – Nhà hát Chèo Việt Nam – dựng vở.
Trong khi đó, nhiều nhà quản lý hoặc nghệ sĩ sân khấu hầu như ít mặn mà với cái chợ đặc biệt này. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho rằng: “Chợ kịch online là một ý tưởng hay, tạo sự chia sẻ với người viết và những người quan tâm tới sân khấu. Tuy nhiên, cái khó là việc đặt tác giả viết, tìm cộng tác viên phải phù hợp với từng “gu” mỗi nhà hát. Hiện nay, nhà hát Tuổi trẻ 1 tháng có nguồn đều đặn khoảng 15-20 kịch bản mới, có các cộng tác viên ruột và kênh kịch bản riêng nên cũng có nhiều nguồn lựa chọn kịch bản. Vì vậy, chợ kịch điện tử chỉ có thể là một kênh tham khảo thêm”.
Lý giải về sự vắng vẻ của chợ kịch, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng thực tế sân khấu phía Bắc hiu hắt bao năm nay, chợ kịch không thể nhộn nhịp ngay được. Nhưng để đánh giá hiệu quả chợ kịch ngay lúc này thì còn quá sớm vì thời điểm “khai trương” vào nửa cuối của năm khi các nhà hát, đơn vị sân khấu đã lên hết kế hoạch nên “cầu” không cao. Mặt khác, ban quản trị chợ kịch quá bận rộn nên chưa có thời gian đầu tư công sức vào cho phiên bản chợ kịch online. Một lý do khác rất khách quan là ý thức về việc mua bán kịch bản qua mạng cần thêm thời gian để hình thành thói quen, nên không thể có sự thay đổi, chuyển biến tích cực ngay trong một sớm, một chiều.
Ngoài ra, một khó khăn cũng được ban điều hành chợ kịch nhắc đến là rào cản từ tư duy và thói quen làm việc của các đơn vị nghệ thuật. Chưa chủ động tìm đọc kịch bản ở “chợ”, các đơn vị nghệ thuật vẫn thích nhờ ban điều hành chủ động chọn kịch bản gửi cho họ- tức chợ mở ra nhưng khách hàng lại không chịu đi chợ, ngại gặp người bán hàng!
Chưa kể, theo tìm hiểu của
TT&VH Cuối tuần, chokich.vn nằm trên trang web của công ty HK Media. Công ty này được thành lập tháng 3/2013 đăng ký 26 lĩnh vực ngành nghề kinh doanh. Trong đó, được quảng cáo là tập trung vào các chức năng từ tổ chức sự kiện, lễ hội, truyền thông; tổ chức dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên; hoạt động môi giới bản quyền tác giả; thiết kế, in ấn quảng cáo... đến cho thuê trang phục biểu diễn, kể cả áo cưới… Chợ kịch bản chỉ là 1 hoạt động trong số 26 ngành nghề kinh doanh kể trên, có lẽ bản thân các nhà đầu tư “chợ” cũng chưa mấy tập trung cho loại hình kinh doanh mới mẻ này.
“
Đốt đuốc” hay “nguyền rủa bóng đêm”?
Đạo diễn Triệu Trung Kiên vẫn tin tưởng vào sự thành công về ý tưởng chợ kịch. Anh cho biết, hiện nay đã xuất hiện nhiều nhân tố mới tích cực phía tác giả, cũng đã có những đơn vị đặt hàng cho sang năm. Nhưng cũng nhiều đơn vị ngại ngần vì không có tiền để đặt trước.
Tuy nhiên, phía chợ kịch có chủ trương không cần đặt tiền trước. Để tạo điều kiện cho các đơn vị không bị khó xử, chỉ cần trong lúc bàn bạc các đơn vị đảm bảo chắc chắn, tránh rủi ro cho cả hai bên. Một lý do khác tạo nền tảng vững cho hoạt động của chợ kịch điện tử là hiện nay nguồn cung tương đối tốt. Nhiều tác giả trẻ hào hứng tham gia, thậm chí đồng ý cho đăng toàn văn kịch bản lên trang web, họ sẵn sàng đối mặt với rủi ro về vấn đề bản quyền. Đạo diễn Triệu Trung Kiên bày tỏ: “Cái lo duy nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi là chất lượng kịch bản. Cái đó không thể theo chủ quan của ban quản trị được. Mình làm tốt nhưng nếu không có tác phẩm hay thì cũng khó bán. Tuy thế, tiêu chí chợ kịch mang yếu tố thị trường là thuận mua, vừa bán. Nếu phù hợp thì những kịch bản tầm trung cũng có thể bán được. Thường là tác phẩm tốt sẽ bán dễ hơn, nhưng có những tác phẩm tầm trung khi đạt được 60% yêu cầu, nhờ khâu biên tập hoặc đạo diễn sẽ nâng cấp tác phẩm lên”.
Ban điều hành “chợ kịch” cho biết, thời gian tới, “chợ “ sẽ được quảng bá, phổ biến rộng hơn tới các đơn vị nghệ thuật. Mặt khác, ban điều hành cũng tiếp tục làm việc với tác giả để bổ sung nguồn “hàng hoá” (kịch bản) cho “chợ”.
Thiếu kịch bản, nhất là kịch bản hay đã là căn bệnh kinh niên của sân khấu phía Bắc nhiều năm qua. Thời gian và sự dài hơi là cần thiết trong lúc này. Nhưng đúng là thế, “Hãy thắp ngay lên một bó đuốc thay vì nguyền rủa bóng đêm”.
Thanh Ba
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần