Diễn viên Việt Trinh với 'Trót yêu': Để khán giả tận hưởng cả nước mắt và nụ cười

30/09/2015 05:45 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ diễn viên Việt Trinh, ngôi sao màn bạc Việt thời kỳ phim “mì ăn liền” bỗng trở lại với phim ảnh bằng một vai diễn trong một bộ phim thuộc thể loại đã tạo nên tên tuổi chị. Chị cũng lần đầu tiên đảm nhận vai trò đạo diễn với bộ phim này.

Bộ phim có tên Trót yêu, sẽ ra rạp vào ngày 16/10 tới đây. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với Việt Trinh.

* Tại sao chị chọn thể loại mà lâu nay màn ảnh Việt đã né tránh. Hơn nữa, nghe nội dung phim được tiết lộ dễ khiến khán giả liên tưởng đến hình ảnh đã "đóng đinh" vào chị thời của phim "mì ăn liền"?

- Tôi chọn thể loại phim tâm lý xã hội, tình cảm vì tôi tin vào sự rung động của trái tim khán giả. Ai cũng có nhu cầu được đồng cảm, sẻ chia trong tình yêu và đời sống. Hơn nữa, đó là thể loại tôi yêu thích và cũng hợp với cá tính của tôi.

Ở góc độ đạo diễn, tôi không muốn cuốn theo trào lưu mà tôi không thuộc về và tôi tin vẫn có những khán giả chọn đến xem một bộ phim để suy ngẫm, tận hưởng cả nước mắt và nụ cười.

Thời gian tạm lánh xa màn bạc đã là khoảng thời gian “vàng” để tôi đứng dưới hàng ghế khán giả và soi chiếu lại toàn cảnh điện ảnh Việt Nam, trong đó có mình. Cũng từ vị trí đó, tôi đã tự hỏi mình “tại sao những người phụ nữ ở độ tuổi của tôi không còn chọn tới rạp chiếu phim nữa?” Rất đơn giản, vì không có ai phục vụ họ ở đó cả! Với suy nghĩ đó, giờ đây tôi đặt chân trở về đúng vị trí của mình trên màn ảnh để phục vụ khán giả của mình.


Việt Trinh trong một cảnh phim "Trót yêu"

* Tại sao chị và ê-kíp đổi tên phim từ Hãy ẵm em ra biển thành Trót yêu…?

- Chúng tôi đã cân nhắc nhiều lần, Hãy ẵm em ra biển truyền tải được nội dung và thông điệp lãng mạn của bộ phim nhưng khi đọc sẽ khó thuận miệng cho khán giả. Trót yêu… là tên ca khúc nhạc phim, đồng thời là tên phim sẽ giúp khán giả dễ nhớ, dễ ấn tượng hơn, đặc biệt là khán giả trẻ.

* Trở lại với thị trường điện ảnh mà chị đã rời xa cách đây hơn một thập kỷ, chị nhân xét gì về thị trường hiện nay khi tham gia với vai trò của một đạo diễn?

- Ở tư cách một người đam mê điện ảnh và chọn đó là nghiệp mệnh của mình, tôi luôn tâm niệm dẫu ở bất cứ vai trò nào tôi cũng muốn làm hết khả năng và tâm huyết của mình. Điện ảnh ở thời nào cũng giống nhau một điểm, để có thể cho ra đời một bộ phim hay, đó là công sức của cả một ê-kíp, nhiều khâu tổ chức, nhiều bộ não, nhiều tâm huyết dồn vào.

Trở lại với điện ảnh ở cả vai trò diễn viên và đạo diễn, tôi có cái lợi là cùng với kinh nghiệm diễn xuất và cả trải nghiệm sống, thăng trầm cuộc đời, tôi có thêm niềm hứng khởi của một người mới bắt đầu chinh phục một đam mê lớn.

Thị trường điện ảnh Việt Nam và thế giới là một ẩn số, những người làm điện ảnh như chúng tôi chỉ biết làm hết mình. Nếu chỉ nói suông và phán xét thì tôi e chẳng giúp ích gì cho công chúng hay ngành nghề.

Khán giả Việt còn đến xem phim Việt, thậm chí nhiều phim Việt còn thắng lớn, đó là tín hiệu mừng. Vậy là thị trường đã có sự chuyển mình và phát triển.

Ai đó tự cho mình cao siêu mạt sát thị trường nội địa thì khác gì mạt sát khán giả. Anh giỏi thì anh làm một phim giá trị như ý anh mà vẫn thu hút khán giả đi! Trong vai trò đạo diễn, tôi cũng chỉ mong được thừa nhận ở đúng một thị phần mà bộ phim hướng tới và nỗ lực làm ra một sản phẩm tốt nhất có thể.

Thị trường cần sự đa dạng, quả thực, điện ảnh nước nhà vẫn chưa được đa dạng lắm, có vẻ như thị phần giải trí với hài và kinh dị đang chiếm đa số. Tuy nhiên, đó là đòn bẩy cũng là thách thức cho thể loại khác. Như tôi nói, hãy làm ra một tác phẩm thuyết phục rồi nói chuyện tiếp.

* Làm phim là khó khăn, nhưng vẫn xin hỏi chị về những khó khăn chị gặp khi quay lại với vai trò diễn viên và kiêm thêm vai trò đạo diễn ở thời kỳ công nghệ làm phim và cả "công nghệ" diễn xuất của các diễn viên đã rất khác với thời của chị?

- Khó khăn của tôi hay bất cứ diễn viên nào là luôn luôn phải vượt qua giới hạn của chính mình, phải hoàn toàn hóa thân vào suy nghĩ, cuộc đời của nhân vật. Diễn giỏi theo tôi không chỉ là có động tác giỏi, đọc thoại hay, mà bạn phải thực sự sống đời sống của nhân vật để bật thốt lên những cung đoạn cảm xúc, phải quên đi chính bản thân mình và chỉ còn hóa thân vào nhân vật.

Tôi thừa nhận có công nghệ diễn xuất nhưng ở thời xưa hay nay, đó là kiến thức cơ bản, còn lại vẫn đến từ nỗ lực và đam mê của từng diễn viên. Không ai dạy được đam mê.

Một khó khăn khác là ở góc độ đạo diễn và sản xuất, là đưa lại thị trường dòng phim tâm lý xã hội. Nhưng xét lại, để cạnh tranh trong một thị phần trẻ, hiếu kỳ và rộng lớn đã là một việc khó, thì việc tạo sản phẩm điện ảnh để thuyết phục một góc khác của “miếng bánh thị trường” đã bị “bỏ rơi” quá lâu cũng chưa chắc là việc dễ hơn. Công việc nào cũng khó khăn, vậy tôi sẽ chọn cho mình sự khó khăn khác biệt.

* Cảm ơn chị.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm