Điện ảnh Việt kiều - Hàn gắn hay chia cắt?

23/11/2009 08:25 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên trong tuần qua. Sự ra mắt gây chú ý và gây dư luận trái chiều của bộ phim Chơi vơi. Đồng thời Chơi vơi cũng làm người ta nhớ đến phong cách phim Trần Anh Hùng - đạo diễn gốc Việt thành công nhất trong làng điện ảnh thế giới. Và một cuộc nói chuyện về Trần Anh Hùng, sau đó chiếu lại Mùi đu đủ xanh - tác phẩm từng lọt vào đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất, đã được tổ chức tại TP.HCM. Trong cuộc này, có cả một dự báo “dòng phim Trần Anh Hùng” sẽ “bùng nổ”, đặc biệt đối với các nhà làm phim phía Bắc. Cùng thời điểm, tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, diễn ra cuộc trao đổi về điện ảnh Đông Nam Á với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và Đông Nam Á. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, tác giả những bài viết sắc sảo, luôn gây tranh luận từ văn học đến điện ảnh, được mời tham dự với tư cách đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.


Ảnh: 2D

* Thời điểm cuối năm mà giám đốc điều hành một công ty truyền thông lớn “dám bỏ” công ty cả tuần để tham dự một hội thảo văn hóa, có lẽ vấn đề của cuộc hội thảo này rất quan trọng và thu hút anh?

- Năm nào tôi cũng bỏ công ty mà đi như vậy đấy chứ (cười). Thực ra, cái quan trọng và thu hút nhất ở các cuộc hội thảo không phải là vấn đề nó thảo luận mà thường là các trao đổi bên lề, cơ hội để gặp lại đồng nghiệp cũng như khả năng cộng tác trong nghiên cứu. Lần này, trường đại học Kyoto của Nhật Bản mời một nhóm chuyên gia về văn hóa và Đông Nam Á học sang tham dự một cuộc trao đổi về điện ảnh Đông Nam Á với chủ đề Can thiệp bằng điện ảnh tại Đông Nam Á. Thực ra, chúng tôi không thảo luận nhiều về điện ảnh, mà chính xác hơn, thảo luận về ảnh hưởng của điện ảnh tới một số vấn đề quan trọng mà các nước Đông Nam Á đang đối mặt, ví dụ như khả năng tác động chính trị của các nhóm thiểu số trong thời đại của chủ nghĩa toàn cầu hóa, ảnh hưởng của điện ảnh trong giải quyết vấn đề di chứng hậu xung đột, vấn đề di dân và xung đột sắc tộc v.v...


Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng

     Nhìn vào điện ảnh của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại, chúng ta có thể hình dung một phần nào những vấn đề mà điện ảnh trong nước sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển trong tương lai.

* Những ai được mời tới hội thảo này và các anh có chung mối quan tâm hay không?


- Các giáo sư của các trường đại học tổng hợp Phillippines, đại học quốc gia Singapore, đại học quốc gia Úc, đại học Nam California, đại học California ở Santa Cruz, đại học Malaysia, đại học British Columbia ở Canada, đại học Tổng hợp Tokyo và đại học Tổng hợp Kyoto. Các mối quan tâm của chúng tôi tương đối khác nhau, nhưng trong cuộc hội thảo này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc xem xét ảnh hưởng của điện ảnh với những vấn đề lớn của Đông Nam Á, cũng như ngược lại, những vấn đề lớn của Đông Nam Á được thể hiện ra sao trong điện ảnh của từng nước.

Các quốc gia Đông Nam Á, mặc dù có rất nhiều điểm dị biệt, nhưng cũng có rất nhiều nét tương đồng. Thông qua thảo luận, chúng tôi chia sẻ cách nhìn “khu vực” hơn đối với những vấn đề của từng nước. Những tham luận ở đây cung cấp các góc nhìn khác nhau, tạo cơ sở so sánh với những vấn đề mà mỗi một quốc gia đang phải đối mặt.

Có một điểm mà chúng tôi đồng ý với nhau rằng, các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối diện với một thứ chủ nghĩa thực dân mới về văn hóa và sự xâm lăng của chủ nghĩa toàn cầu hóa về văn hóa kiểu Mỹ. Hệ quả của nó là, chúng ta có thể biết rất rõ về các nền điện ảnh như điện ảnh Hollywood hay châu Âu, nhưng những gì chúng ta biết về điện ảnh của nhau lại quá ít ỏi. Tôi rất ngạc nhiên khi giáo sư Jane Ferguson của đại học quốc gia Úc cho biết, Miến Điện có một nền điện ảnh phát triển từ những năm 20 của thế kỷ trước, đã sản xuất tổng cộng gần 700 bộ phim và có những tạp chí điện ảnh có số lượng độc giả lớn. Tôi cũng được xem một số bộ phim của điện ảnh Campuchia, trong đó có phim của đạo diễn Rithy Panh và rất ấn tượng về tính chuyên nghiệp của nó.

Có những vấn đề khác rất đáng quan tâm. Giáo sư Kenneth Paul Tan của trường Lý Quang Diệu (thuộc ĐH Quốc gia Singapore), khi giới thiệu quá trình sản xuất các bộ phim tài liệu của Tang Ping Ping, nữ đạo diễn của Singapore (các phim như Thành phố vô hình, Singapore GaGa), đã giải thích cho chúng tôi việc Singapore sử dụng quỹ tài trợ cho các dự án điện ảnh như một công cụ để kiểm soát và thương mại hóa nghệ thuật như thế nào. Bên cạnh việc tạo ra một số cơ hội mới cho các nghệ sĩ Việt Nam, việc lựa chọn những khuynh hướng nhất định để tài trợ cũng là một biểu hiện của một thứ chủ nghĩa thực dân mới về văn hóa và sẽ dẫn đến sự mất độc lập của nghệ thuật. Hoặc giáo sư Abidin thuộc trường đại học British Columbia, trong bài tham luận của mình, giải thích cho chúng tôi về vị thế của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á, sự khác biệt văn hóa cơ bản của họ với văn hóa Hán của người Hoa ở đại lục cũng như khủng hoảng về bản sắc của cộng đồng này. Cũng rất thú vị khi thấy rất nhiều nước chia sẻ những vấn đề chung, nhưng cách thể hiện lại khác nhau. Cùng một chủ đề về vấn đề “đô thị hóa” ảnh hưởng ra sao đến nông thôn, nhưng trong khi bộ phim Một đêm sau chiến tranh của đạo diễn người Pháp gốc Campuchia Rithy Panh rất gần với Trái tim bé bỏng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, thì bộ phim Noo Hin của Thái Lan lại chọn cách nhìn hài hước, diễu nhại v.v...

* Là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam, anh trình bày vấn đề gì trong hội thảo?

- Tham luận của tôi có tên là Hàn gắn hay chia cắt - điện ảnh của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại trước ngã ba đường, nằm trong nhóm các tham luận trình bày về ảnh hưởng của điện ảnh trong giải quyết di chứng hậu xung đột. Thông qua việc nghiên cứu một số bộ phim của các nhà làm phim hải ngoại, tôi muốn tìm hiểu xem vấn đề hòa hợp dân tộc được thể hiện ra sao trong tác phẩm của họ.

* Cụ thể anh đã thấy được những vấn đề gì trong các bộ phim của người Việt ở hải ngoại?

- Như đã nói ở trên, cái chúng tôi quan tâm không hẳn là các bộ phim, mà là ảnh hưởng của điện ảnh đương đại đối với những vấn đề xã hội và ngược lại, ảnh hưởng của những vấn đề xã hội đối với điện ảnh. Các bộ phim của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại cung cấp một nền tảng thú vị cho nghiên cứu của tôi. Ở bên ngoài, họ có điều kiện tiếp xúc và học tập ở những nền điện ảnh lớn, có nền tảng vững chắc của kỹ thuật tiên tiến, mặt khác, họ cũng đang loay hoay với những vấn đề riêng của họ. Nhìn vào điện ảnh của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại, chúng ta có thể hình dung một phần nào những vấn đề mà điện ảnh trong nước sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển trong tương lai.

Trạng thái “ngã ba đường” mà tôi đề cập là để chỉ những vấn đề và thách thức đối với các nhà làm phim hải ngoại. Dùng dằng trước một “ngã ba đường” của thời gian: quay lại với quá khứ, phản ánh những vấn đề đương đại hay đi tìm những vấn đề chung của cả quá khứ và tương lai; của thể loại: phim truyền thống như điện ảnh của thế hệ cũ, dòng phim “art-house” như một số nhà làm phim trẻ trong nước, phim chú trọng khán giả đại chúng và yếu tố thương mại như một số hãng phim tư nhân hiện nay đang sản xuất; của công chúng: nhắm tới 3 triệu người Việt Nam ở hải ngoại hay gần 90 triệu độc giả trong nước, hay cả hai? v.v...


Nguyễn Thanh Sơn (đứng thứ năm từ phải qua) và nhóm chuyên gia dự hội thảo

* Anh có những lý giải cho những trường hợp cụ thể về trạng thái “ngã ba đường” này không?

- Có nhiều lý do cho trạng thái đứng ở ngã ba đường trên, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất, theo tôi, là khó khăn trong việc vượt thoát khỏi quá khứ. Nói như George Orwell trong 1984 - “ai kiểm soát quá khứ cũng kiểm soát tương lai”, nếu như anh cứ mãi dùng dằng với quá khứ, đôi lúc anh không thể tiến lên phía trước được. Đạo diễn Trần Hàm khi làm phim Vượt sóng có nói đến sự cần thiết của một “liệu pháp phim” - nói về những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, để sau đó chúng ta có thể tiến lên phía trước. Trong khi đó, cản trở cho quá trình vượt thoát là sự khác biệt trong nhận thức quá khứ, đặc biệt là nhận thức về cuộc chiến tranh vừa qua của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại. Đối với họ, đó là cuộc “chiến tranh Việt Nam” chứ không phải “chiến tranh chống đế quốc Mỹ”, một cuộc nội chiến chứ không phải một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ám ảnh lệch lạc này dẫn đến sự rập khuôn trong chủ đề của các tác phẩm. Chẳng hạn như chủ đề anh và em, sự chia cắt ngẫu nhiên và xung đột gia đình trong chiến tranh cũng như cách giải quyết của nó. Bộ phim ngắn đầu tay Ngày giỗ của đạo diễn Trần Hàm và bộ phim Bụi hồng của đạo diễn Hồ Quang Minh rất giống nhau về motives chẳng hạn. Tôi cũng nghiên cứu hình ảnh chiến tranh được thể hiện ra sao trong bộ phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh để tìm hiểu sâu hơn vấn đề thể hiện quá khứ chiến tranh, đặc biệt là những gì của chiến tranh không được thể hiện trên phim của các nhà làm phim hải ngoại - đôi khi những gì không được thể hiện trên phim cũng nói với chúng ta nhiều như những gì người ta thể hiện (cười). Tôi tìm hiểu sự dùng dằng này và các giải pháp của các nhà làm phim hải ngoại: đối diện với quá khứ (Ngày giỗ, Vượt sóng, Áo lụa Hà Đông), chạy trốn nó (vào một thời điểm xa xôi hơn của quá khứ như Dòng máu anh hùng hay Mùa len trâu; vào một thời điểm hiện đại hơn như Chuyện tình xa xứ chẳng hạn) không quan tâm nhiều đến nó (như các bộ phim của Trần Anh Hùng) hoặc giải pháp tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo (Ngày giỗ, Bụi Hồng). Sự dùng dằng này cũng thể hiện trong sự chậm chạp của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại trong việc đối mặt với các vấn đề khác của cộng đồng như vấn đề thuyền nhân, vấn đề tái hòa nhập.

Một vấn đề nữa tôi cũng quan tâm là vai trò của tự do sáng tác trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuât. Tôi cố gắng tìm hiểu tại sao ở một môi trường có vẻ đầy đủ nhất về tự do sáng tác, người Việt Nam ở hải ngoại vẫn thất bại trong việc tạo ra những tác phẩm thuyết phục về nghệ thuật hay tính nhân văn. Vấn đề cộng đồng tồn tại như một cơ chế kiểm duyệt và áp lực của nó đôi khi cản trở đối với sáng tạo nghệ thuật của những nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại.

     Vấn đề nằm ở sự lựa chọn của cá nhân mỗi người làm phim. Họ sẽ lựa chọn cho mình cộng đồng mà họ hướng tới, và cho dù lựa chọn ra sao, các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại sẽ phải đối mặt với những thách thức riêng cho con đường của mình.

* Câu trả lời của anh cho vấn đề mà anh đặt ra: Hàn gắn hay chia cắt?


- Nằm trong khuôn khổ của hội thảo, vấn đề chúng tôi đặt ra là liệu điện ảnh có thể làm gì để các cộng đồng thiểu số/đa số, trong nước/ngoài nước xích lại gần nhau, cho nên vấn đề ở đây không phải là nên hàn gắn hay chia cắt, mà nên hàn gắn ra sao. Nhưng nếu đứng rộng ra, tôi nghĩ đây là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người làm phim. Họ sẽ lựa chọn cho mình cộng đồng mà họ hướng tới, và cho dù lựa chọn ra sao, các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại sẽ phải đối mặt với những thách thức riêng cho con đường của mình.

* Có một số ý kiến cho rằng các nhà làm phim hải ngoại là những người “không quốc tịch”, ở nước ngoài họ được xem là người Việt Nam, về Việt Nam họ lại được xem là người nước ngoài. Và xem đó là lý do khiến phim Việt kiều đứng giữa ngã ba đường, khó can dự được vào dòng chảy chính. Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Vâng, nếu nói theo ngôn ngữ học thuật một chút, chúng ta gọi đó là khủng hoảng bản sắc. Nền văn hóa của các cộng đồng thiểu số ở nước ngoài (trong đó có điện ảnh) thường gặp phải những thách thức lớn dù họ quyết định tham gia vào văn hóa dòng chính hay “hợp lưu” với dòng chảy trong nước. Tôi nghĩ tiền đề là sự dứt khoát trong lựa chọn. Nếu tham gia văn hóa dòng chính, anh phải hiểu những vấn đề nền tảng, ngôn ngữ thể hiện và cả công chúng mà anh hướng tới của văn hóa dòng chính. Nếu quyết định “hợp lưu” với văn hóa trong nước, anh cũng phải tìm hiểu những vấn đề nền tảng của văn hóa trong nước, không chỉ di sản của quá khứ, mà cả những vấn đề văn hóa hôm nay, tìm hiểu nó bằng nhãn quan văn hóa của cả trong và ngoài nước. Có đạo diễn tôi biết rất không thích bị gọi là đạo diễn Việt kiều, nhưng cách đặt vấn đề, nhãn quan văn hóa của anh khá hời hợt, khá “nước ngoài”, mà như vậy, rất khó khăn cho những người làm nghệ thuật trong nước có cái nhìn khác đi.

* Theo anh, chừng nào điện ảnh Việt hải ngoại bước ra khỏi ngã ba dùng dằng hiện nay? Có cái tên (đạo diễn) nào cho chúng ta nhìn thấy điều đó không?

- Có một điều thú vị là phần lớn các bộ phim của các nhà làm phim Việt Nam ở hải ngoại mới được sản xuất trong khoảng hai mươi năm gần đây, và chúng ta không nhìn thấy một sự phát triển tiệm tiến trong chủ đề. Điều đó có nghĩa là, sự dùng dằng đó đã kéo dài khá lâu, và chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ chấm dứt. Dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn hi vọng vào những đạo diễn đi theo xu hướng hợp lưu, những người như Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Hồ Quang Minh chẳng hạn.

Thu Thủy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm