Điểm mặt các nghệ sĩ chỉ đắt giá sau khi... chết

02/04/2015 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của nhiều nghệ sĩ tài năng thường khiến người hâm mộ tiếc nuối. Điều đáng nói là sau khi họ qua đời, giá trị các tác phẩm nghệ thuật của họ thường tăng vọt.

Triển lãm After the Early Death tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở thành phố Baden-Baden (Đức) đang khảo sát thực tế này, thông qua việc trưng bày tác phẩm của một số nghệ sĩ chết trẻ.

1. Vincent van Gogh (qua đời năm 37 tuổi): Sinh thời, Van Gogh (1853-1890) là nghệ sĩ tài năng, song không được ghi nhận. Ông hiếm khi bán được tranh. Van Gogh sống trong nghèo khổ và mắc bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn ấy đã thay đổi hẳn sau khi qua đời. Tranh của Van Gogh hiện luôn đạt giá kỷ lục và ông còn được coi là một trong những người tiên phong của hội họa hiện đại.

Van Gogh qua đời năm 37 tuổi. Giả thuyết phổ biến là danh họa đã dùng súng tự sát trên một cánh đồng lúa mỳ gần Paris (Pháp) vào năm 1890.


Bức tranh Roses and Sunflowers (1886) của danh họa Hà Lan Van Gogh, được trưng bày trong triển lãm After the Early Death

2. Keith Haring (31 tuổi): Nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng thế giới Keith Haring (1958-1990) qua đời 2 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh AIDS. Các tác phẩm của ông phản ánh văn hóa đường phố của thành phố New York những năm 1980. Haring lần đầu thu hút sự chú ý của công chúng với các bản vẽ phấn tại ga tàu điện ngầm New York. Haring góp phần vào làn sóng triển lãm New York New Wave vào năm 1981 và năm 1982. Ông đã có triển lãm độc quyền đầu tiên của mình tại Phòng trưng bày Tony Shafrazi.

Theo giáo sư Kinh tế Heinrich Ursprung, thuộc trường Đại học Constance, ngay sau khi Haring công bố về việc mắc bệnh AIDS, giá trị các tác phẩm nghệ thuật của ông đã tăng “hơn 300%” .

3. Jean-Michel Basquiat (27 tuổi): Giáo sư Heinrich Ursprung ước tính rằng các tác phẩm của nghệ sĩ Mỹ gốc Phi Basquiat (1960-1988) đã tăng thêm 4 lần sau khi ông qua đời vì sốc ma túy. Người hâm mộ thích tìm kiếm dấu tích nghiện ngập của Basquiat trong các tác phẩm của ông, giống như họ thích nghiên cứu các đặc điểm điên khùng mà Van Gogh để lại trong tranh của mình.

4. Christoph Schlingensief (49 tuổi): Đạo diễn điện ảnh, sân khấu, nhà văn, nghệ sĩ trình diễn Đức (1960-2010) đã phải đầu hàng với số phận vì căn bệnh ung thư phổi. Đến với cuộc triển lãm After The Early Death ở Baden-Baden, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Stairlift to Heaven của ông.

Johan Holten, Giám đốc Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Baden-Baden,   nói rằng công chúng thường thay đổi nhận thức của mình về một nghệ sĩ, sau khi biết người đó đã mắc phải một căn bệnh chết người nào đó. Khi biết Schlingensief mắc bệnh ung thư, nhiều người tỏ ra quan tâm hơn tới các tác phẩm của ông.  

5. Jackson Pollock (44 tuổi): Nghệ sĩ Mỹ Pollock (1912-1956) được coi là người thực hành trường phái biểu hiện ấn tượng quan trọng nhất, đồng thời là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của thế kỷ 20.

Ông được xem là nhà tiên phong của phong cách “action painting” (lối vẽ đôi lúc không cần dùng cọ, mà đổ sơn chảy ròng ròng hoặc có thể là dẫm đạp lên tranh). Năm 2006, tác phẩm No. 5 (1948) của Pollock đã trở thành bức tranh đắt giá nhất thế giới khi được bán cho một người mua giấu danh với giá 140 triệu USD.

Pollock qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Ông lái xe khi đang say rượu.

6. August Macke (27 tuổi): Macke (1887-1914) là một trong những họa sĩ Đức hàng đầu của trường phái biểu hiện. Tác phẩm của ông thường có màu sắc và họa tiết vui vẻ, tích cực. Vào thời điểm bùng nổ Thế chiến thứ nhất, Macke tình nguyện nhập ngũ và tháng 8/1914 thì khoác áo lính. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, ông đã hy sinh trong một trận đánh ở Champagne. Sau khi Macke qua đời, tranh của ông đã tăng giá.

7. Peter Roehr (23 tuổi): Nghệ sĩ Đức Roehr (1944-1968) được xem là người tận tâm với nguyên tắc trật tự trong nghệ thuật. Khi sáng tạo, ông luôn cố gắng kiềm chế tính chủ quan. Từ những sản phẩm được chế tạo trên dây chuyền công nghiệp, ông đã cho ra các tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Chẳng hạn như trong tác phẩm O.T. (OB-1) (1963), ông đã gắn nhiều hộp diêm vào một miếng gỗ để tạo ra một khối vật thể thú vị. Roehr qua đời vì bệnh ung thư.

8. Dash Snow (27 tuổi): Snow (1981-2009) từng sống trên các con phố ở New York khi ở tuổi vị thành niên. Anh nổi tiếng với những bức ảnh phơi bày nạn nghiện ma túy, tình dục và bạo lực trong thế giới ngầm. Ngoài chụp ảnh, Snow còn làm nhiều tác phẩm nghệ thuật cắt giấy, nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc. Năm 2006, tờ Wall Street Journal đưa anh vào danh sách các "bậc thầy 23 tuổi", gồm 10 nghệ sĩ trẻ người Mỹ đang nổi. Snow qua đời hồi năm 2009, do dùng ma túy quá liều.

9. Eva Hesse (34 tuổi): Hesse (1936-1979) chết vì bị u não. Trong khi tác phẩm của các nghệ sĩ nữ luôn bị đánh giá thấp hơn so với các đồng nghiệp nam thì Hesse vẫn là một ngoại lệ. Tác phẩm của bà luôn chiếm một chỗ đứng rất cao trong thị trường nghệ thuật.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm