Đĩa hài Tết dù lỗ vẫn làm!

08/12/2010 11:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khác với mọi năm, có khi gần Tết rồi mà vẫn chưa chọn được kịch bản ưng ý để làm hài; thì năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nghe nhìn Thăng Long, ông “trùm” sản xuất hài và các chương trình ca nhạc của miền Bắc đã làm xong xuôi, chỉ còn chờ ngày phát hành! TT&VH đã trò chuyện cùng ông về sự vào cuộc quá sớm này!

* Chắc hẳn năm ngoái, 2 đĩa Cả ngố và Chuyện đời bán chạy, thôi thúc ông thừa thắng xông lên?

- Thực ra, công ty chúng tôi vốn có truyền thống làm hài Tết và cũng hơi có thương hiệu làm hài Tết 10 năm nay rồi. Năm nay, tôi có ý thức chuẩn bị kịch bản ngay từ đầu năm, nên đã triển khai làm sớm để có thời gian chỉnh sửa kỹ càng. Cho đến giờ phút này, mọi việc đã xong xuôi, tôi chỉ còn ngồi đợi giờ “nổ súng”.

Năm nay, Công ty Nghe nhìn Thăng Long có 2 đĩa hài, mỗi đĩa gồm 2 tiểu phẩm (30 phút/ tiểu phẩm) chứ không phải một tiểu phẩm (dài 60 phút) như mọi năm. Vì qua theo dõi, tôi thấy đồng bào cũng không thích xem dài quá. Cũng có một cái khác nữa là: mỗi đĩa 2 tiểu phẩm, một hài Nam, một hài Bắc để dung hòa công chúng 2 miền và nội dung, gương mặt phong phú hơn.


Đạo diễn Phạm Đông Hồng

* Chứ không phải vì đĩa hài miền Nam năm ngoái doanh thu không bằng miền Bắc?

- Thực ra thị trường chính của chúng tôi vẫn là phía Bắc. Đương nhiên, khán giả yêu thích các sản phẩm hài bao giờ cũng mang màu sắc vùng miền, miền Bắc không thích hài miền Nam nhiều và ngược lại. Hơn nữa, năm ngoái công ty chúng tôi chỉ mới manh nha bước chân vào thị trường phía Nam, nên sự đầu tư còn rụt rè và thăm dò thị trường. Năm nay, chúng tôi đã khởi quay xong 2 tiểu phẩm hài cho khán giả phía Nam từ tháng 6 và cách thể hiện bằng bối cảnh thật, vì thực ra bà con chưa thích xem đĩa mà cách thể hiện ước lệ lắm. Chúng tôi cũng đã quảng cáo tới hàng loạt đại lý phía Nam, hy vọng sản phẩm sẽ được phổ cập tốt hơn. Hơn nữa, những gương mặt hài tôi chọn không chỉ miền Nam mà cả ngoài Bắc cũng rất được mến mộ, như: Hồng Vân, Hoài Linh...

* Cụ thể bao gồm những tiểu phẩm gì?

- Đĩa thứ nhất mang tên: Tết cười, gồm 2 tiểu phẩm: Siêu nịnh (với các nghệ sĩ Công Lý, Vân Dung, Quốc Anh, Hán Văn Tình, Hằng “chèo”, Kim Xuyến...) với cách thể hiện dân gian và Kẻ cắp gặp bà già (với sự tham gia của các nghệ sĩ Hồng Vân, Thái Hòa) mang phong cách hiện đại.

Đĩa thứ hai mang tên: Cười Xuân Nam Bắc, gồm 2 tiểu phẩm: Trẻ con không được ăn thịt chó (gồm các nghệ sĩ Hoài Linh, Hồng Vân...) mang phong cách dân gian và Bu thằng Bời (với sự tham gia của các nghệ sĩ Hiệp “gà”, Vân Dung, Quang Tèo, Hồ Liên) mang phong cách hiện đại.

* Xem ra, những diễn viên ông chọn vẫn sàn sàn như năm ngoái, không có gì đột phá. Năm ngoái còn có sự góp mặt của Ngọc Khuê, Phi Thanh Vân... chứ năm nay thì toàn diễn viên hài quen mặt biết tên...

- Lại phải nói một câu này, ai làm thì không biết chứ tôi làm bao giờ cũng phải tìm đúng người hợp với nhân vật trong kịch bản chứ không phải kéo diễn viên vào để cho có tên. Tôi đã suy nghĩ điều này từ lúc viết kịch bản phân cảnh và sau đó làm việc rất chi tiết với các diễn viên được mời tham gia.


Hiệp “gà” trong vở Bu thằng Bời

* Thế mạnh của Nghe nhìn Thăng Long xưa nay vốn là những đề tài dân gian, phải chăng vì đề tài hiện đại khó kiếm kịch bản hay?

- Thực ra, đầu tư làm đề tài dân gian tốn kém gấp nhiều lần so với đề tài hiện đại, không bao giờ được ăn sẵn cả, từ bối cảnh, trang phục... rồi phải chịu sức ép và dấn thân vào cái đúng hay sai về chi tiết...; phải đầu tư tiền bạc khá lớn! Nhưng với kho tàng khổng lồ của văn học dân gian VN, đối với riêng cá nhân tôi, có lẽ đó là nguồn cảm hứng và tiềm năng bất tận. Một lý do khác là: các đài truyền hình hiện nay đều có những chuyên mục về hài, nhưng do kinh phí có hạn, họ chỉ làm những đề tài hiện đại là chính, chứ ít khai thác đề tài dân gian. Bởi vậy với chúng tôi tìm một đề tài hiện đại ít nhất là khá hơn nhà đài hoặc họ chưa làm là rất khó. Tôi đang dần dần dung hòa thị hiếu của người xem bằng cách chuyển sang làm một số tiểu phẩm hiện đại, nhưng vẫn giữ truyền thống làm các đề tài dân gian, vì đó mới là cái sống lâu trong lòng người Việt, đặc biệt là mỗi khi tiễn một năm cũ qua đi và đón một năm mới sắp đến!

* Năm ngoái ông có tổ chức cả một cuộc thi viết kịch bản, chắc hẳn còn kịch bản tốt để đến năm nay?

- Chính vì sự khan hiếm của kịch bản có chất lượng, chúng tôi đã phải tổ chức một cuộc thi viết kịch bản. Chúng tôi có đưa ra giải thưởng 20 triệu đồng nhưng cũng không một kịch bản nào được đưa vào sản xuất trong dịp đón Xuân mới, nên làm gì còn mà để đến năm nay.

Xác định là phải tự thân vận động và kinh nghiệm nhiều năm làm đạo điễn, tôi đã tìm kiếm những ý tưởng ưng ý rồi dụng công bỏ mấy tháng ra sửa kịch bản để làm. Có một bác đã từng đi bộ đội về nay đã nghỉ hưu gửi cho tôi một kịch bản mang tên là Tâng bốc, viết theo kiểu hiện đại, tôi bắt được ý hay và ký hợp đồng mua rồi tiến hành sửa thành dân gian để đưa vào sản xuất. Khâu kịch bản rất quan trọng và tôi chưa bao giờ cho mình bằng lòng với kịch bản gốc cả, tôi đã làm là phải sửa và tôi chỉ làm tốt lên chứ không xấu đi....

* Để chống chọi với đĩa lậu, năm ngoái 25 Tết anh mới phát hành. Năm nay, sẽ khắc phục thế nào?

- Chả có gì khắc phục cả. Kế hoạch phát hành của chúng tôi phụ thuộc từng năm một, nhưng năm nay sẽ phát hành sớm hơn mọi năm, đồng thời giảm giá thành và có hệ thống phát hành đồng loạt cùng một thời điểm. Thực ra chỉ vài giờ trong ngày đầu tiên là rầm rộ thôi còn những giờ sau đó thì rất chậm vì đĩa lậu đã ra rồi. Nhưng tôi có quan điểm như đã từng nói là: dù lỗ cũng vẫn làm. Vì mỗi năm chúng tôi làm khoảng 30 chương trình khác nhau chứ không riêng gì hài Tết. Hơn nữa, là một doanh nghiệp, cũng cần bỏ một phần kinh phí ra để “PR”, quảng cáo cho thương hiệu của mình và đây là cơ hội để “PR” cho chính mình tốt nhất!

* Nhưng ông đã bao giờ lỗ...?

- Không lỗ, vẫn thu được vốn. Nói như người chiến sĩ ra trận, xác định tư tưởng: chấp nhận cuộc chơi để quảng cáo cho doanh nghiệp. Năm nay chúng tôi được mùa về sản xuất hài và các chương trình ca nhạc do các tỉnh đặt hàng. Chúng tôi vừa kết thúc một hợp đồng sản xuất hài cho chuyên mục Cười từ nhà ra phố của Đài TH Hà Nội và hiện đang có 2 dự án khác, chưa tiết lộ được.

* Nghề đạo diễn với ông có phải chịu áp lực nhiều?

- Tất cả sản phẩm của chúng tôi khi ra mắt đều phải qua một hội đồng duyệt, ai làm cũng bị áp lực về những việc này. Nhưng theo tôi áp lực lớn nhất vẫn là khán giả và họ có quyền làm như vậy. Hơn nữa tôi lại phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm của mình. Trên mọi phương diện, tôi thích làm việc khi phải chịu áp lực, điều đó là động lực để con người cống hiến hết khả năng của mình. Hiện nay thương hiệu của chúng tôi đang rất phát triển, chúng tôi đã liên doanh với các đối tác để cho ra đời một công ty nữa với hy vọng mang dịch vụ giải trí đến cho lớp trẻ!

* Xin cảm ơn anh!

Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm