Đi tìm tác giả bài thơ Cô giáo lớp em (Kỳ 1)

20/09/2009 14:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nguyễn Xuân Sanh là gương mặt nổi bật trong Xuân Thu nhã tập từ những năm 40 của thế kỷ trước với những câu thơ hay nhưng “bí hiểm”, như Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà. Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm… Trong SGK văn học, ông lại được biết đến qua những câu thơ trong trẻo, đầy xúc cảm: Sáng nào em tới lớp/Cũng thấy cô đến rồi/Đáp lời: Chào cô ạ!/Cô mỉm cười thật tươi… (Cô giáo lớp em, SGK Tiếng Việt lớp 2).

Ở nơi có một không hai


Tôi tìm đến nơi ở của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh theo địa chỉ viết tay từ một người bạn. Đi đúng đường, đến đúng ngõ, rẽ đúng ngách rồi mà quá nửa buổi sáng vẫn không hỏi ra được nơi mình cần đến. Ngạc nhiên hơn là đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên xảy: Buổi sáng tôi đi tìm tác giả bài thơ Cô giáo lớp em rơi vào ngày 11/9, hỏi thăm tất tật 11 người, quẹo trái, rẽ phải 9 bận thì lạc vào một hẻm có 11 căn hộ đều ghi số 53B như địa chỉ tôi được cung cấp. Một bà cụ dùng câu hệt như câu mà MC trong chương trình “Hãy chọn giá đúng” hay nói: Nhà 53B, có tổng cộng 11 nhà mang số 53B/25/7. Chưa đến lần nào thì cứ bấm chuông cả... 11 hộ, thể nào cũng trúng người cháu cần! - một bà cụ mách nước.


Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh

Nghe lời, tôi vào vai một nhân viên “phát hành báo”, kiếm cớ bấm chuông từng nhà để tìm tác giả bài thơ Cô giáo lớp em. Sáu nhà đầu tiên khóa cửa ngoài, chứng tỏ đi vắng. Hai nhà tiếp theo (nhà thứ bảy và thứ tám) không thấy mở cửa (chắc bận hoặc nhác thấy “tụi bán báo” nên không muốn tiếp). Bước sang nhà thứ chín, nhìn qua cửa kính, tôi mừng quýnh khi nhận ra nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, vợ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đang lui cui quét dọn... Sau màn chào hỏi, bà công nhận là tôi “giỏi” vì nhiều người chưa đến lần nào thường phải gọi điện đến trước để được chỉ dẫn chi tiết...

Xuân Sanh trí nhớ đã “già”

Gặp được tác giả bài thơ Cô giáo lớp em rồi thì mừng lắm. Nhưng đến khi trò chuyện, tôi chợt nhận ra ông không còn mẫn tiệp như vài năm trước nữa. Ông năm nay đã cửu thập, “tuổi xưa nay hiếm” nhưng cũng chính vì “sức xuân ngày một hao mòn” nên ít nhiều nó cũng đã gỡ đi, bóc bỏ đi rất nhiều mảng kỷ niệm... trong trí nhớ ông. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ông có nhớ bài thơ Cô giáo lớp em của mình không thì ông đáp: Mình viết ra mà... rồi đọc luôn để minh chứng cho sự nhớ của mình:

Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời: “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.


      Nguyễn Xuân Sanh, sinh năm 1920, quê gốc: xã Dinh Mười, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Các tác phẩm: Xuân Thu nhã tập (1942, 1992); Tiếng hát quê ta (1958); Chiếc bong bóng hồng (1957); Nghe bước xuân về (1961); Quê biển (1966); Sáng thơ (1971); Đảo dưa đỏ (1971)

Đọc xong, chưa kịp hỏi han gì thêm đã lại nghe ông nói về chuyện dịch sách, làm thơ... Tôi phải “lái” ông vào chủ đề bằng câu hỏi chen ngang: Bác viết Cô giáo lớp em năm nào, trong hoàn cảnh ra sao, thì ông cũng nhớ được là năm 1948, rồi đột nhiên quay sang nói chuyện chiến tranh, chuyện về những nhà văn, những người lính, về những người con thân yêu của mình đã hy sinh trong chiến trường... Ông chỉ cho tôi xem những bức ảnh quý mà ông giữ lại được từ khi ông còn làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam đóng ở Xóm Chòi, Thái Nguyên. Ông cầm ảnh, tự giới thiệu đâu là ông, đâu là Thế Lữ, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... Cứ thế, ông lần lượt lấy ra rất nhiều ảnh đen trắng, chụp cách đây hàng nửa thế kỷ để kể cho tôi nghe về những nhân vật rất thân tình với ông một thuở.



Hàng đứng từ phải qua trái: Nguyễn Ðỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh,
Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài; Hàng ngồi từ phải qua trái: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao


Thơ của ba, cô giáo của con

Để ý thấy một tấm ảnh chụp Bác Hồ đang vòng tay ôm một cháu nhỏ, treo trang trọng ở phòng khách, tôi gạn hỏi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, mới hay em bé mà Bác Hồ đang ôm đấy chính là con trai đầu của vợ chồng ông, liệt sĩ Nguyễn Việt Lưu.

Ông như minh mẫn hơn khi kể về liệt sĩ Nguyễn Việt Lưu, người con mà mỗi khi nhắc đến khiến ông không chỉ nhói đau mà còn rất đỗi tự hào. Ông nói: Anh ấy bị địch bao vây rồi hy sinh trên đồi Mái Nhà ở Phú Yên. Ngày bác viết bài thơ Cô giáo lớp em anh ấy đã lớn vổng rồi. Đến trường, thấy bài thơ của bác in trong SGK, về nhà anh hỏi, cô giáo trong bài thơ ba làm là cô giáo ngày xửa, ngày xưa của ba hả? Bác bảo không, thơ là của ba, còn cô giáo là cô giáo lớp con. Anh ấy lại hỏi, cô giáo lớp con sao ba lại đặt tên là Cô giáo lớp em? Bác giải thích, vì ba đứng ở vị trí của con để viết, để thể hiện tình cảm thì phải là cô giáo lớp em mới hợp lý, chứ ai là lại cô giáo lớp ba!

Nhà văn Nguyễn Xuân Sanh không rõ Cô giáo lớp em được đưa vào SGK văn học năm nào. Ông chỉ biết tác phẩm của mình “được tái bản liên tục trong SGK” và được rất nhiều thế hệ học sinh yêu mến. Ông kể: Bây giờ, nhiều em nhỏ là hàng xóm của bác, biết bác làm bài thơ ấy “thi thoảng gặp nhau”, có cháu vui vẻ đọc lại cho bác nghe thì thấy xúc động lắm...

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thổ lộ rằng chính bản thân ông cũng rất thích bài thơ Cô giáo lớp em. Và ông quả quyết đó là một bài thơ hẳn là luôn làm đẹp lòng tất cả các em học sinh, các thầy cô giáo và đẹp lòng cả với nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi.

Kỳ sau (Chủ nhật, 27/9): Nên đưa Hồi ký lịch sử vào SGK tham khảo

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm