ĐD Hoàng Quỳnh Mai: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long...

02/08/2009 15:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Hoàng Quỳnh Mai, Trưởng đoàn 2, Nhà hát cải lương Việt Nam là một đạo diễn sân khấu trẻ nhưng vì đam mê lịch sử dân tộc nên chị đã dành nhiều tâm huyết cho những kịch bản lịch sử mà gây tiếng vang lớn là Cung phi Điểm Bích, Bến nước Vũ Bồ. Ngày 12/8 tới đây, vở cải lương Phù Vân của chị sẽ ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội; và ngay sau đó là Trọn đời trung hiếu với Thăng Long sẽ ra mắt chỉ sau một tháng.

TT&VH có cuộc trò truyện với chị về những kịch bản lịch sử chị đã và đang dàn dựng để hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.

* Vừa rồi chị chạy đôn chạy đáo Hà Nội - Quảng Ninh để thực hiện vở Phù vân, một cái tên dường như không dính dáng gì đến lịch sử nhưng lại chứa đựng một câu chuyện lịch sử sống động?


Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai
- Phù vân là vở cải lương tái hiện cuộc chuyển giao quyền lực Lý (Lý Chiêu Hoàng) - Trần (Trần Cảnh). Đây là câu chuyện không mới nhưng ý tưởng mới, tất cả danh vọng, tiền tài, địa vị chỉ như chòm mây trôi nổi trên không. Cái còn lại tôi muốn nhấn mạnh chỉ là tình yêu giữa con người với con người sẽ trường tồn mãi mãi.

Phù vân tập trung ở mối quan hệ phức tạp của triều Trần, Lý với 5 nhân vật lịch sử: Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thị Dung, Trần Cảnh, Lý Thuận Thiên.

* Phù vân có sáng tạo gì mới mẻ để độc giả không quay lưng với sân khấu cải lương nói chung và đề tài lịch sử nói riêng?

- Sau hơn 1 tháng dàn dựng, đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo và tập thể diễn viên của đoàn nghệ thuật Quảng Ninh đã cố gắng tìm tòi sáng tạo. Hy vọng được công chúng đón nhận qua tác phẩm những thông điệp không lỗi nhịp với hơi thở của cuộc sống hiện tại.

* Dàn diễn viên “gánh” vai diễn cho “phù vân” liệu đã đủ độ chín để hóa thân vào những vai diễn nặng kí như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung?

- Tôi là người đạo diễn khá khắt khe khi chọn lựa diễn viên cũng như êkip họa sĩ, biên đạo múa, nhạc sĩ, tác giả chuyển thể cải lương..vv.. Họ là những người có tài năng và kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo một tác phẩm sân khấu như NSND Phùng Huy Bính, NSƯT Ngọc Chi, NSƯT Hoàng Anh Tú… Phù vân có sự góp mặt của các nghệ sĩ như NSƯT Tiến Mác vai Trần Thủ Độ, NSƯT Bích Hòa vai Trần Thị Dung, diễn viên Hương Sen vai Lý Chiêu Hoàng, Duy Quang vai Trần Cảnh...

* Khi Phù vân công diễn ở Nhà hát lớn ngày 12/8/2009 chị lại phải lao vào dàn dựng kịch bản lịch sử tiếp theo: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long cho Nhà hát Cải lương Việt Nam. Liệu có quá sức không đối với một đạo diễn còn trẻ như chị?

- Với một đạo diễn trẻ, được thử sức, được sáng tạo là một niềm đam mê, niềm hạnh phúc lớn. Tôi may mắn khi có nhiều cơ hội để được thả sức bay bổng với những khao khát và ước mơ qua từng tác phẩm.


Vở Phù Vân - Đoàn cải lương Quảng Ninh

Tôi rất mừng vì vở Phù vân được tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ chọn đi hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP.HCM tháng 10/2009. Còn kịch bản Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của tác giả Phạm Văn Quý sẽ được dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Việt Nam và hoàn thành vào trung tuần tháng 9 để kịp đi dự hội diễn sân khấu toàn quốc.

* Điều gì khiến chị không thể “cưỡng” lại được khi đọc kịch bản Trọn đời trung hiếu với Thăng Long?

- Như đã nói, tôi mê lịch sử khi còn là học sinh. Tôi biết về nhân vật Lý Thường Kiệt từ những trang sách lịch sử phổ thông. Từ bé tôi đã ngưỡng mộ nhân vật kiệt xuất này về lòng trung quân ái quốc được chính sử miêu tả rất cảm động. Lý Thường Kiệt vốn là người trai gốc Thăng Long, ông sinh tại phường Thái Hòa, Hồ Tây. Trong chính sử có nói rõ, ông tên thật Ngô Tuấn (1019-1105), cháu năm đời của Ngô Quyền (898 – 944).

* Chị dàn dựng hai kịch bản lịch sử trong cùng một thời điểm để chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long. Điều ấy đối với đạo diễn trẻ là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Chị có thông điệp gì muốn gửi tới khán giả và những người yêu lịch sử dân tộc?

- Tôi hi vọng sẽ đóng góp một chút hương sắc, một quan điểm sáng tạo để được học hỏi và sẽ vững tin hơn trên con đường nghệ thuật của mình.

* Xin cảm ơn chị!

Trần Văn Lâm
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm