Đầu Xuân, ngẫm về đồ án TP Văn Lang

04/02/2009 15:06 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối năm 2008, khi vợ chồng họa sĩ Trần Văn Liêm, người Pháp gốc Việt về nước giới thiệu đồ án Kiến trúc - mỹ thuật Thành phố Văn Lang; đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về giá trị cũng như tính khả thi của nó. Nhân dịp đầu năm, hoạ sĩ cho biết, trong dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông sẽ về VN tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội về đồ án, hy vọng đồ án sớm trở thành hiện thực.

TT&VH xin giới thiệu bài viết từ góc độ chuyên môn của KTS Đoàn Đức Thành.

TP hình bát quái và quảng trường 1 triệu người

Tác giả đồ án Thành phố Văn Lang đưa ra một mặt bằng tổng thể, nơi tiện đường hàng không, đường bộ. Đặc biệt yêu cầu phải gần sông để đưa du khách đến Thành phố Văn Lang bằng đường thuỷ thuận tiện. Tuy vậy, họa sĩ chưa có điều kiện làm việc với Nhà nước để đề xuất địa điểm, nên xây dựng ở đâu còn lệ thuộc vào nhu cầu cụ thể.
 
Toàn cảnh TP Văn Lang
 
Theo tổng mặt bằng, Thành phố Văn Lang bố cục theo hình tròn, dựa trên Tiên thiên Bát quái. Đường kính Thành phố dài 1800m, chung quanh có sông đào nối với sông chính gần đó, thuyền du lịch đi lại dễ dàng.

Chính giữa Thành phố là một quảng trường lớn biểu tượng trục Bát quái âm dương, có 8 đại lộ nối với 8 cổng, mỗi cổng có hình thức kiến trúc theo một quẻ khác nhau như Càn, Khôn, Khảm, Ly, Cấn, Chấn, Tốn, Đoài. Trong đó bốn trục chính có các công trình tiêu biểu là Thiên Tự Tháp (thờ Lạc Long Quân) đối diện với Hoàng Tự Tháp (thờ Mẫu Âu Cơ); đền thờ 18 triều đại Hùng Vương….

Quảng trường là hạt nhân của Thành phố Văn Lang. Nơi đây kết hợp với 8 đại lộ chung quanh có sức chứa đến một triệu người. Sân khấu hoành tráng, đặt ở trung tâm, thiết kế đặc biệt, tự quay và nâng lên hạ xuống, độc nhất vô nhị trên thế giới. Sân khấu được trình diễn hàng đêm bởi ban đại kịch vũ nhạc, có âm thanh và ánh sáng kỳ diệu, là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao nghệ thuật trình diễn dân tộc - hiện đại, độc đáo, thu hút du khách.
 
Đình Tổ nghề trong TP Văn Lang

Thiên Tự Tháp và Hoàng Tự Tháp biểu tượng Trời - Đất, Rồng - Tiên, Lạc Long Quân - Âu Cơ, dương - âm, bánh chưng – bánh giầy luôn gắn với nhau không tách rời nhau, là hạt nhân của đồ án. Cùng cao 9 tầng, mỗi tầng cao 10m, giữa có tầng lửng, giao thông bằng thang máy, có thang thoát hiểm an toàn. Mặt ngoài có 365 bậc thang, tượng trưng cho 365 ngày trong năm, hai bên có 45 cấp để đặt trống đồng trình diễn.

Không xây khách sạn, khách ngủ trên du thuyền

Theo họa sĩ Trần Văn Liêm, kỹ nghệ du lịch trên thế giới đang ngày một thờ ơ với những khách sạn xây dựng cố định, vì có nhiều trở ngại, nhất là các nước tổ chức đăng cai Thế vận hội. Những nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dần sang khách sạn di chuyển theo kiểu đội du thuyền và phát triển ngày một nhiều, bởi dễ tập trung khi có nhu cầu lễ hội, sinh hoạt TDTT, hoặc phân tán khi đã hoàn thành công việc.

Đối với Thành phố Văn Lang không chủ trương xây dựng khách sạn cố định mà vận chuyển và du khách nghỉ ngơi bằng những đội du thuyền, nay đây mai đó theo kiểu khách sạn di động. Mỗi du thuyền có quy mô vừa và nhỏ, khoảng 12 - 24 phòng ngủ, đi lại nghỉ ngơi nay đây mai đó thuận tiện.

TP Văn Lang và khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật - văn hoá

Nhằm quảng bá đất nước, thu hút du khách du lịch, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng những công trình có tầm cỡ đặc biệt, mới lạ. Có hai khuynh hướng đã thực hiện và áp dụng thành công:

- Khuynh hướng kiến trúc kỹ thuật, được áp dụng phần lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông. Họ đua nhau xây cất những toà nhà chọc trời cao ngất ngưởng, thuộc hàng top 5, top 10 trên thế giới, được coi là biểu tượng của quốc gia, không ngoài mục đích thu hút sự tò mò của du khách. Khuynh hướng này (có cả tháp Eiffel, Paris) đến nay không còn được coi trọng nữa, bởi những kỷ lục luôn bị phá, dẫu sao thì cũng đã nhàm.

- Khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật, thành công nhất là khách sạn 7 sao ở thành phố Dubai, một ý tưởng độc đáo của lãnh chúa Emirats Arabes Unis, do kiến trúc sư người Anh thực hiện. Công trình thứ hai cũng theo hình cánh buồm là Nhà hát Opera Sydney ở Australia, do KTS Joern Utzon người Đan Mạch thiết kế...

Khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật - văn hóa, ý tưởng Thành phố Văn Lang, có tầm vóc quốc tế, nhưng vẫn đậm chất văn hóa Việt: con Rồng, cháu Tiên. Nếu Thành phố Văn Lang trở thành hiện thực, hy vọng sẽ là công trình biểu tượng cho Việt Nam, sẽ trở thành một động lực tâm lý chấn động dây chuyền trong tiến trình phát triển kỹ nghệ du lịch Việt Nam.

Sự chấn động này không chỉ ở trong nước mà còn lan tỏa trên thế giới. Có thể nói đây là lần đầu tiên theo khuynh hướng kiến trúc mỹ thuật văn hóa được đề xuất xây dựng ở Việt Nam, do họa sĩ Trần Văn Liêm - người từng khởi xướng trường phái mới trong nghệ thuật tạo hình thế kỷ 21 "không gian năm chiều" - thực hiện.
 
KTS Đoàn Đức Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm