Đạo diễn Wes Craven: Người 3 lần tái tạo dòng phim kinh dị

01/09/2015 19:19 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - “Tất cả chúng ta đều bị ám bởi những lời nguyền riêng. Một vài lời nguyền khiến chúng ta phải đương đầu với nó, giống như tôi bị nguyền phải làm phim kinh dị vậy”.

Đây là một trong những câu nói nổi tiếng của Wes Craven, với “lời nguyền làm phim kinh dị” đã tạo ra một sự nghiệp khó quên.

Vị đạo diễn huyền thoại của loạt phim Scream (Tiếng thét) vừa qua đời hôm 31/8 ở tuổi 76 (1939-2015).

Last House On The Left, Nightmare On Elm Street Scream là những tác phẩm nổi tiếng của vị đạo diễn Mỹ. Ông là người có ảnh hưởng sâu đậm đối với dòng phim này, đến nỗi gần như mọi thế hệ đạo diễn hậu bối đều có sự vay mượn từ ông và không khán giả nào rời rạp phim mà chẳng thấy choáng váng vì ông.

Gây sốc vì cảm giác chân thực

Nếu có thể đánh giá tầm vóc của một nhà làm phim qua những bản sao mà người ta làm ra dựa theo phong cách của họ, Wes Craven phải được coi là người có ảnh hưởng lớn nhất giới điện ảnh.

Trong sự nghiệp của mình, 3 lần ông đã thay đổi cách nghĩ của công chúng về phim kinh dị, và cũng 3 lần khán giả chứng kiến những bộ phim nhận được nhiều khen chê khác biệt, có những số phận đặc biệt, nhưng sau nhiều thập kỷ đều được thừa nhận là xuất sắc.


Đạo diễn Wes Craven trong tranh do người hâm mộ vẽ

Last House On The Left (Ngôi nhà cuối cùng bên trái - 1972), bị cấm ở Anh trong 2 dịp khác nhau, là một trong những phim kinh dị vĩ đại nhất mọi thời. Để làm được điều này, Craven đã loại bỏ mọi yếu tố được coi là dấu hiệu nhận biết của phim kinh dị.

Kết quả là phim không có quỷ, không có ma, không máu me quá mức. Cả bộ phim là cuộc diễu hành không dứt của một vụ bạo lực ác mộng, được giới thiệu là “dựa trên chuyện có thật”. Các nhân vật bị cưỡng bức, cổ họng bị rạch nát, những bộ lòng bị moi ra khỏi bụng. Một màn diễn khó quên cho khán giả, dĩ nhiên là chẳng dễ chịu chút nào.

Last House on the Left có kinh phí chưa đến 90.000 USD đã bắt trúng tâm lý của khán giả. Phim được phát hành năm 1972, khi nước Mỹ đang bị ám ảnh bởi kẻ giết người hàng loạt Charles Maddox, đại hội nhạc rock bạo lực kinh hoàng Altamont và Tổng thống Richard Nixon.

Bộ phim thô ráp, xù xì tạo cảm giác chân thực hơn bao giờ hết đối với một phim kinh dị và điều này khuếch đại sức ảnh hưởng của nó. Nếu không có Last House On The Left, sẽ không có những phim kinh dị nổi tiếng sau đó như The Texas Chain Saw Massacre, I Spit On Your Grave Halloween.

Tuy nhiên chiến dịch quảng bá của bộ phim nhắc đi nhắc lại thông điệp “đây chỉ là phim ảnh, đây chỉ là phim ảnh” có vẻ hơi mâu thuẫn với lời giới thiệu phim dựa trên “chuyện có thật”.

Dám “giết chết” nhân vật

Nhiều đạo diễn chỉ cần làm được một phim như Last House On The Left là yên tâm “rửa tay gác kiếm” tận hưởng vinh quang. Nhưng Wes Craven thì không.

Sau khi Hollywood phát triển dòng phim kinh dị, nhưng làm nó ngày càng mất chất vì mục đích lợi nhuận, Craven không còn lựa chọn nào khác là phải ra tay làm nên một phim kinh dị “ra tấm ra món”.


Áp phích phim Scream (1996)

Sản phẩm là A Nightmare On Elm Street (Ác mộng phố Elm, 1984), cũng là một hiện tượng điện ảnh. Craven thay chất hiện thực sần sùi của Last House on the Left bằng những chất liệu lòe loẹt và phô diễn hơn, và sặc sụa máu me hơn.

A Nightmare On Elm Street vẫn trở thành phim kinh dị tiêu biểu của thập niên 80, mang về doanh thu gấp 20 lần kinh phí, biến New Line thành một hãng phim lớn và đưa nhân vật chính Freddy Krueger (Robert Englund đóng) trở thành một biểu tượng toàn cầu.

Một lần nữa, các phiên bản bắt chước được tung ra, bao gồm cả phần hai của chính bộ phim này. Craven chứng kiến nhân vật giết người hàng loạt do ông tạo nên bị tái tạo, trở thành cỗ máy giết chóc mua vui đầy châm biếm. Vì thế, năm 1994, ông tiếp tục “thay máu” cho dòng phim này bằng cách “giết chết” nhân vật Freddy Krueger.

Ông ra mắt Wes Craven's New Nightmare (Ác mộng mới của Wes Craven, 1994), một phim theo phong cách hậu hiện đại, do hai diễn viên Robert Englund và Nancy Langenkamp vào vai chính họ.

Craven cũng xuất hiện trong phim, vào vai chính ông. Đoạn cuối phim quay một bức thư ngắn do Craven viết, cảm ơn các diễn viên đã “giết chết” nhân vật Freddy Krueger mãi mãi. Phim không thành công lắm, nhưng cảnh phim này được coi là một kiệt tác.

Kiệt tác nằm trong “tiếng thét”

Khi dòng phim kinh dị dần rơi vào nhàm chán, các phim thuần phục phong cách của thể loại và thiếu ý tưởng đột phá, Craven lại ra tay một lần cuối: ông làm Scream (1996), về sau trở thành loạt phim kinh dị nổi tiếng 4 phần. Kịch bản do Kevin Williamson soạn, nhưng lại phản ánh chính xác tư tưởng của Craven về nỗi sợ ở thời điểm đó.

Qua Scream, Craven chế nhạo những khuôn mẫu, xé nát các chuẩn mực. Trong phim, dường như không tình tiết nào là không được bình luận bởi một trong số các nhân vật.

Vào năm 1996, đây là một thay đổi lớn. Thêm một điểm lạ ở Scream là sử dụng các diễn viên đã thành danh, bao gồm Neve Campbell, Courteney Cox và David Arquette - điều ít thấy ở dòng phim kinh dị.

Mặc dù vậy, những phim bắt chước như I Know What You Did Last Summer, H20, Urban Legends Final Destination một lần nữa khiến ấn tượng sâu đậm của Scream giảm đi.

Sau này, Craven tiếp tục làm các phần sau của Scream vào các năm 1997, 2000 và 2011, nhưng chỉ phần hai là có được chất lượng và thành công thương mại ngang phần đầu.

Scream năm 1996 vẫn là lần cuối ông tạo ra cuộc cách mạng trong dòng phim này. Sau khi ông qua đời, ai sẽ thay thế vai trò này, đó là câu hỏi không dễ trả lời.

“Phim kinh dị không tạo ra nỗi sợ mà giải phóng nó” - Wes Craven.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm