Đạo diễn Thái Hòa: Kịch ma 3 trong 1

05/12/2008 10:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối nay (5/12), vở kịch ma thứ 3 của Kịch Phú Nhuận sẽ công diễn tại chi nhánh mới (sân khấu Kim Châu, 15-17 Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) và Thái Hòa cũng vào một vai hài, nhân vật cân bằng yếu tố ma quái của vở diễn. Trong 3 vở ma, Thái Hòa làm đạo diễn 2 vở, riêng vở này (Người vợ ma 2) thì được “đóng chay” từ đầu đến cuối, nên hẳn nhiên anh có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về chuyện làm kịch ma của mình. TT&VH có cuộc trò chuyện với đạo diễn Thái Hòa về sự chiêm nghiệm này.

Thái Hòa trong vai A Sửu, xuất hiện trong Người vợ ma 1 & 2
* Sau Người vợ ma 1 (KB: Xuyên Lâm, ĐD: Thái Hòa) vẫn đông khách đến ngày hôm nay, sau hơn 450 suất diễn, Kịch Phú Nhuận làm tiếp Quả tim máu (còn gọi Người vợ ma 3, KB-ĐD: Thái Hòa) cũng đông khách, nay lại dựng vở Ngôi nhà hoang (còn gọi Người vợ ma 2, KB: Minh Hoàng, ĐD: Hồng Vân), là người theo dõi sâu sát cả ba tác phẩm này, anh nghĩ điểm chung của nó là gì?

- Đó vẫn là những bí mật trong gia đình, mà vợ hoặc chồng đang cố che giấu, khiến những người sống chung bị dằn vặt, đau khổ. Chính những bí mật có nhiều yếu tố đen tối này làm sản sinh ra các hành động ma quái, rồi ma giả, ma thật xuất hiện, hư hư thực thực. Một điểm chung nữa là ở âm thanh và ánh sáng, có thể nói 2 điều này giúp rất nhiều vào thành công của vở diễn.

* Người vợ ma 2 cũng đã bán gần hết vé cho mấy suất diễn đầu tiên. Ngoài yếu tố gây sự tò mò vì đề tài mới lạ, anh nghĩ vì sao mấy vở kịch ma này liên tục thu hút được khán giả?
 
Cảnh trong Người vợ ma 2

- Tôi biết ở Kịch Phú Nhuận có một vài gia đình đi xem một vở nhiều lần, điều này cho thấy họ không đến để xem nội dung là gì, kết thúc ra sao, mà là để thử cảm giác rùng rợn, tìm sự bất ngờ, hồi hộp do âm thanh, ánh sáng tạo ra. Với lại, thời xưa những câu chuyện ma hay đi theo lời kể của những ông bà già ở quê, thích hư cấu, gây rùng rợn ở bàn nhậu, gây tò mò với trẻ con… có thể nói, tụ tập kể các câu chuyện ma quái cũng là một nét sinh hoạt của xã hội xưa. Ba vở kịch ma này, cùng với vài vở kịch ma quỷ ở các sân khấu khác, phần nào khơi gợi lại được nét sinh hoạt cổ xưa đó.

* Còn về ý nghĩa tác động đến với đời sống hiện nay, là đạo diễn, anh nói gì qua 2 tác phẩm của mình và 1 tác phẩm mà anh tham gia diễn xuất?

- Chúng tôi không tập trung vào việc lý giải ma có thật hay không, mà điều quan trọng là chúng tôi đi tìm các lý do gây xào xáo cuộc sống của một gia đình cụ thể. Qua các trục trặc về tâm lý của nhân vật, người xem sẽ cùng lần giở các câu chuyện, để qua đó, sẽ nhìn lại cuộc sống xung quanh mình. Các vở kịch ma có yếu tố của bi kịch, của hài kịch… nhưng theo tôi thì nó vẫn dừng lại ở mức độ kịch sinh hoạt, chính vì vậy mà lại tỏ ra gần gũi, dễ tin.

Văn Bảy (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm