Đạo diễn Roy Andersson: Mê làm phim về điểm yếu của con người

08/09/2014 08:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm 6/9, bộ phim A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence của nhà làm phim Thụy Điển Roy Andersson (71 tuổi) đã đoạt giải Sư tử Vàng Phim hay nhất, một trong những giải thưởng quan trọng nhất của LHP Venice.

Roy Andersson tham gia làng phim từ sớm, với tác phẩm đầu tay A Swedish Love Story từ năm 1970. Tuy nhiên phải tới tận giờ, ông mới đoạt giải ở LHP Venice với A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence (Chim bồ câu đậu trên cành cây, phản ánh sự tồn tại).

Nhìn cuộc đời qua đôi mắt chim câu

Pigeon được bắt đầu với hình ảnh mô tả những người đàn ông đi qua thế giới bên kia trong hoàn cảnh khác nhau. Một người chết lúc đang cố gắng bật nút một chai rượu, khi vợ ông đang ở trong bếp và không hề biết chồng mình vừa ngã xuống sàn nhà. Người khác chết tại quầy ăn uống trên một con phà, để lại một đĩa đồ ăn và một chai bia. Tuy nhiên trong khung cảnh tang thương, nhân viên phục vụ vẫn buông ra một câu hỏi hài hước, xem có ai muốn dùng phần ăn thừa của người đàn ông mới chết không.


Nhà làm phim Thụy Điển Roy Andersson với giải Sư tử Vàng Phim hay nhất

Ở một đoạn khác trong phim, 2 người đàn ông bán hàng rong lang thang tại thành phố Gothenberg, kéo theo một chiếc vali đựng đầy hàng mẫu quái dị, gồm nanh ma cà rồng, túi gây cười và mặt nạ cao su trông rất ghê rợn tới mức một khách hàng đã thét lên sợ hãi và bỏ chạy khi nhìn thấy nó. “Chúng tôi chỉ muốn giúp mọi người vui vẻ” – 2 người bán hàng rong giải thích. Nhưng hết lần này tới lần khác, các mặt hàng của họ chỉ khiến người ta kinh sợ, còn tâm trạng của họ thì như trong một đám tang. Nhìn vào hành động của họ, khán giả chẳng biết nên khóc hay cười.

Andersson từng giải thích động cơ làm phim Pigeon như sau: “Bức tranh Hunters in the Snow của danh họa Hà Lan Bruegel mô tả những chú chim đang trầm ngâm tự hỏi: ‘Con người làm gì ở đây thế? Tại sao họ lại bận rộn đến vậy?’… Phim Pigeon cũng thể hiện cách nhìn của một chú chim bồ câu về thân phận con người, nhưng chú chim đó không chỉ phản ánh thuần túy mà còn lo ngại thay cho sự tồn tại của con người. Chú chim bồ câu vô cùng kinh ngạc khi thấy con người không nhìn thấy ngày tận thế đang đến gần, trong khi họ có thể tránh được việc hủy hoại tương lai của chính mình”.

Pigeon là tác phẩm thứ 3 trong bộ ba phim cùng chủ đề của ông, sau Songs from the Second FloorYou, the Living. Phim có những cảnh quay phức tạp, phản ánh một cách nhẹ nhàng, sâu xa ý nghĩa của cuộc sống, về sự tồn tại của con người…


Cảnh trong phim đoạt giải A Pigeon Sat on a Branch Reflecting On Existence

Không phải nhà làm phim “mắn đẻ”

Andersson không phải là nhà làm phim nhựa “mắn đẻ”, bởi Pigeon mới là phim nhựa thứ 5 của ông trong 4 thập kỷ qua. Bộ phim đầu tay của ông, A Swedish Love Story, là tác phẩm điện ảnh ăn khách ở Thụy Điển và khắp thế giới khi ra mắt hồi năm 1971. Song phim thứ 2, Giliap, lại bị giới phê bình chê bai thậm tệ và thất thu ở phòng vé. Thất bại đó khiến 25 năm sau Andersson mới tung ra sản phẩm điện ảnh thứ 3, là bộ ba phim gồm Songs From the Second Floor; You, The Living Pigeon.

Năm 2000, Andersson đã tham gia tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes với phim Songs From the Second Floor. Ông là đối thủ mà nhà làm phim Lars von Trier thấy đáng nể nhất. Tuy nhiên, cuối cùng phim của ông không đoạt giải thưởng hàng đầu, mà chỉ “rinh” giải của Ban giám khảo.

Ngoài phim nhựa, ông còn thể hiện khả năng sáng tạo trong hơn 400 chương trình quảng cáo cho truyền hình. Khi mệt mỏi với những bộ phim mang chủ đề thông thường để kiếm sống và để có tiền phục vụ các dự án mang tính thử nghiệm hơn, Andersson làm quảng cáo truyền hình. Nhiều khi các đoạn quảng cáo này chứa đựng những nội dung hài hước sâu cay mang, màu sắc đen tối, qua đó phản ánh quan điểm của người sáng tạo ra chúng.

“Tôi nghĩ rằng chẳng ai trong chúng ta có được cái kết có hậu trong cuộc đời. Thành thực mà nói, đó là một bi kịch. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cố gắng để được hạnh phúc… Cuộc sống thật đẹp song cũng đầy bi kịch vì chẳng ai có thể tránh được cái chết” – Andersson chia sẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ New York Times, Andersson cho biết ông rất thích làm những bộ phim nói về điểm yếu của con người trong cuộc sống hàng ngày. “Có những chủ đề mà tôi luôn muốn đề cập tới, đặc biệt là điểm yếu của con người và tình trạng bị làm nhục, khi con người ta làm nhục lẫn nhau và làm nhục chính mình” – ông chia sẻ.

Các giải thưởng chính tại LHP Venice

- Sư tử Vàng Phim hay nhất: A Pigeon Sat on a Branch Reflecting On Existence (Roy Andersson).

- Sử tử Bạc Đạo diễn xuất sắc nhất: Andrej Koncalovskij (phim The Postman's White Nights).

- Giải Grand Jury: The Look of Silence (Joshua Oppenheimer).

- Nam diễn viên xuất sắc nhất: Adam Driver (phim Hungry Hearts).

- Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Alba Rohrwacher (phim Hungry Hearts).

- Diễn viên trẻ mới xuất sắc nhất: Romain Paul  (phim Le Dernier Coup de Marteau).

- Kịch bản phim hay nhất: Tales (Rakhshan Banietemad và Farid Mostafavi).

- Giải Đặc biệt của Ban giám khảo: Sivas (Kaan Mujdeci).

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm