Đạo diễn Phạm Thanh Phong: Ê-kíp Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến tính thuần Việt

06/11/2010 11:27 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - “Chúng tôi có mời ê-kíp gồm 7 người từ Trung Quốc sang, gồm 1 đạo diễn, 1 cố vấn võ thuật, 1 quay phim và 4 hóa trang để hỗ trợ về phần kỹ thuật nên không ảnh hưởng gì đến tính thuần Việt của phim”, đạo diễn Phạm Thanh Phong - một trong hai đạo diễn của phim Huyền sử thiên đô tâm sự. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông:

Chạy đua với thời gian

* Đại lễ đã qua gần một tháng nay, vẫn chưa thấy những bộ phim kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi ra mắt. Theo dự kiến Huyền sử thiên đô sẽ ra mắt công chúng trên kênh VTV3 từ 17/10. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy phim đâu. Lý do là gì, thưa đạo diễn?

- Thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện bộ phim quá gấp gáp nên chúng tôi chỉ có thể kịp đưa phim lên sóng vào năm Đại lễ (2010). Lý do thứ hai là đoàn cần có thêm thời gian để làm phim thật cẩn thận. Chúng tôi không muốn đó là sản phẩm của sự vội vã, ẩu thả.

Hơn nữa, với 70 tập của bộ phim, chúng tôi phải bàn giao cho VTV 20 tập mỗi đợt chiếu. Nếu ngày 17/10 vừa qua cứ cố đưa phim lên sóng, thì e rằng sẽ không đủ phim để chiếu tiếp.

Về lý thuyết, chúng tôi sẽ bàn giao 20 tập đầu của Huyền sử thiên đô vào giữa tháng 11 để phát sóng vào cuối tháng này.


Đạo diễn Thanh Phong

* Một bộ phim lịch sử dài tập được thực hiện ngay trong thời gian ngắn, chắc cũng có không ít những khó khăn?

- Đúng vậy. Vì là phim lịch sử nên gần như cái gì cũng phải tạo ra. Bối cảnh nhiều khi chạy không kịp với tiến độ quay nên phải thay đổi lịch quay, thay đổi bối cảnh. Khó khăn thứ hai là về diễn viên. Quá trình làm phim vào thời gian Đại lễ, các diễn viên cũng bị chi phối thời gian vì còn phải tham gia vào các chương trình biểu diễn, lễ hội. Không chỉ có vậy, có những diễn viên lại không ở Việt Nam như Bebe Phạm (vai Giáng Bình), Rich Ting (vai Xôn Sa Ma, tùy tướng của Lê Long Đĩnh)...

Đặc trưng riêng của một phim lịch sử cũng khác. Diễn xuất và lồng tiếng trong phim lịch sử cũng khó hơn. Có những khi đã lồng tiếng xong rồi nhưng khi nghe lại, diễn viên chỉ nói sai một chữ thôi là cũng phải bỏ đi, đọc lại, thu lại. Bây giờ, khó khăn duy nhất của đoàn phim là phải chạy đua với thời gian để phim kịp lên sóng.

* Với 70 tập phim làm theo kiểu cuốn chiếu, 20 tập phát sóng trước như vậy liệu đoàn phim có kịp làm những tập tiếp theo để phim được chiếu liên tục không? Chẳng may có những lý do khách quan khiến phim phải dừng lại giữa chừng thì sao?

- Trước mắt, chúng tôi cố gắng làm xong 40 tập. Thực tế, đoàn phim đã có những đoạn quay đến tập 39 nhưng để hoàn chỉnh thì trước mắt sẽ là 20 tập để chiếu vào cuối tháng 11 này. Đoàn phim có 2 nhóm, thay phiên nhau. Nhóm này đi quay thì nhóm kia làm hậu kỳ và chúng tôi thực hiện cách làm việc: vừa đi quay, vừa dựng, vừa lồng tiếng và vừa làm hậu kỳ. Vì thế, không cần phải đợi xong một tập hay một số tập thì mới làm tiếp được mà cứ làm đến đâu chúng tôi ghép từng mảng lại với nhau là xong. Cho nên, phim đang chiếu, chúng tôi vẫn tiếp tục làm mà không ảnh hưởng gì cả.

Chúng ta thiếu kinh nghiệm làm phim cổ trang

* Sự kết hợp giữa đoàn phim với 1 ê - kíp mời từ Trung Quốc sang liệu có ảnh hưởng gì đến tính “thuần Việt” của phim không, thưa ông?

- Chúng tôi có mời ê-kíp gồm 7 người từ Trung Quốc sang, gồm 1 đạo diễn, 1 cố vấn võ thuật, 1 quay phim và 4 hóa trang để hỗ trợ về phần kỹ thuật nên không ảnh hưởng gì đến tính thuần Việt của phim. Yếu tố đó nằm trong nội dung phim. Và cũng xin nói luôn là qua cách làm việc của họ, phải công nhận, họ thể hiện tính chuyên nghiệp hơn hẳn chúng ta.

Để có được những hình ảnh đẹp lên phim, chúng tôi phải dành một khoảng thời gian lớn cho việc hóa trang. Ví dụ, 6 giờ sáng đoàn phim khởi hành sang trường quay Cổ Loa, đến nơi là 7 giờ thì phải đến 10h30 mới hóa trang xong. Nhanh nhất cũng phải đến 11giờ mới quay được và cũng chỉ quay được hơn tiếng. Sau nghỉ trưa, lại mất thêm ít nhất 30 phút để chỉnh trang và quay tiếp. Nói như vậy để thấy, đây cũng là một công đoạn phức tạp của bộ phim. 4 chuyên gia hóa trang của Trung Quốc đã ròng rã theo đoàn phim suốt thời gian qua.


Đạo diễn Thanh Phong trên trường quay

Ở bộ phận cố vấn võ thuật cũng vậy. Nhìn họ làm chúng ta mới thấy mình còn rất ấu trĩ và non nớt. Chúng ta chưa biết làm phim cổ trang như thế nào. Ngay đến cả việc làm âm thanh, tiếng động trong võ thuật ở những pha đánh nhau chúng ta làm cũng kém nên phải gửi băng sang Trung Quốc để họ làm lại. Đơn giản như tiếng rút kiếm ra chém, họ làm còn nghe thấy cả tiếng gió, tiếng kim khí, rất có lực. Mình làm thì “thô sơ” theo kiểu lấy hai mảnh vật liệu đập đập vào nhau nên không thể tạo ra lực, âm thanh thì đục và không ra tiếng chiến trận.

* Thời gian qua, các phim lịch sử có hư cấu bị công chúng phản ứng khá nhiều. Ông có suy nghĩ gì về điều này? Huyền sử thiên đô cũng có nhiều tình tiết hư cấu, ông có sợ lại bị khán giả phản ứng không?

- Theo quan điểm của tôi, trước hết phải xem sự thắc mắc của khán giả về những yếu tố hư cấu ở các bộ phim đó là gì? Vì đặc trưng của phim truyện là phải hư cấu. Lịch sử của ta có lẽ chỉ có thể được ghi lại một cách rõ ràng từ thời Nguyễn trở lại đây. Trước đó, sử liệu thời Lê, Trần, Lý, ... rất ít. Chính vì thế, trong quá trình làm bộ phim này, từ sử liệu, văn học, chúng tôi cố gắng giữ độ chính xác của lịch sử.

Với phục trang, bối cảnh, chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo tính lịch sử trong đó. Tuy nhiên, cũng chỉ làm được ở mức tương đối vì dữ liệu lịch sử không nhiều nên chúng tôi phải sử dụng phương pháp loại trừ. Vải vóc, chất liệu, quần áo, đến thành quách, chúng tôi cố gắng đưa vào yếu tố thuần Việt, hạn chế màu sắc của Trung Quốc.

* Giả sử trong thời gian 20 tập đầu lên sóng, phim nhận được sự phản hồi của khán giả (về yếu tố hư cấu chẳng hạn) thì những tập sau, kịch bản phim có thay đổi không?

- Trước khi quay, đoàn phim đã cân nhắc về kịch bản, xem kịch bản như thế có ổn không, nếu ổn rồi thì có làm được không? Và khi đã bắt tay vào làm rồi, chúng tôi luôn cố gắng làm thật tốt. Chính vì thế, những ý kiến của khán giả sẽ không thể phá vỡ được sự thống nhất của đoàn phim khi thực hiện. Phim nào chiếu rồi cũng có ý kiến, nhưng để tạo nên sự phản cảm, luồng dư luận rộng nói phim không được thì tôi tin điều đó sẽ không xảy ra với phim này.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm