Đạo diễn Nguyễn Thước: Chưa bao giờ có ý định rút lui

13/07/2011 10:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Có lẽ công bằng nhất là chờ đợi kết luận của hội đồng cấp trên. Tôi không có ý kiến gì nữa, mà còn lại chỉ là nỗi buồn...”, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước trao đổi xung quanh việc một số đồng nghiệp cho rằng đề cử Giải thưởng Nhà nước của anh không xứng đáng…

Sự việc nói trên lại trở nên “nóng” hơn khi biên kịch Phan Thanh Tú tiếp tục “trần tình” và thêm một đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu & Khoa học TƯ lên tiếng phản đối đề cử này.

Trước những diễn biến mới, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước trò chuyện với TT&VH.

Đạo diễn Nguyễn Thước

* Anh nghĩ sao khi nữ biên kịch Phan Thanh Tú tỏ ra không phục với đề cử Giải thưởng Nhà nước dành cho cụm tác phẩm: Sự nhọc nhằn của cát, Chất xám Những công dân @ và một số nữ đồng nghiệp khác trả lời trên báo chí rằng anh không xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước?

- Tôi nghĩ, Giải thưởng Nhà nước dành cho cụm 3 tác phẩm của tôi đã qua hai hội đồng của Hội Điện ảnh Việt Nam và sau đó là hội đồng cấp Bộ. Với hội đồng cấp Bộ, đề cử này được 100% số phiếu đồng thuận nên chắc chắn là nó phải đảm bảo tiêu chí.

* Các biên kịch cho rằng: “Có bột mới gột nên hồ”. Anh đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Tôi không so sánh, nhưng với phim tài liệu, kịch bản chỉ là ý tưởng. Quá trình làm phim mới là quá trình thay đổi nhận thức, quá trình “đào xới” của đạo diễn. Đáng lẽ, biên kịch phải cảm ơn tôi khi được trao giải Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc, vì lúc đó, ban giám khảo có đọc kịch bản đâu, họ chỉ xem phim.

* Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh luận về việc biên kịch và đạo diễn, vai trò của ai quan trọng hơn. Trong cuộc tranh luận này, ý kiến của anh là gì? Theo anh, biên kịch đã nhận được sự công bằng đáng có?

- Như thế nào là công bằng thì vô cùng khó. Cả thế giới nói, đạo diễn là tác giả chính của bộ phim. Một đạo diễn giỏi thì luôn biết tranh thủ ý kiến của ê-kíp. Quá trình làm phim phụ thuộc nhiều thứ, như việc đạo diễn và biên kịch có tìm được tiếng nói chung hay không. Khi làm việc với chị Tú, rồi chị Thư, chúng tôi giữ quan hệ khá tốt. Chỉ đến lúc này mới có chuyện. Trên thế giới, có những đạo diễn và biên kịch sau khi làm phim thì không thèm nhìn mặt nhau. Chuyện đời vốn thế mà.

* Khi xảy ra những việc lùm xùm này, có khi nào anh nghĩ, giá như...?

- Tất nhiên. Tôi buồn vì giá như các chị ấy cảm thấy thua thiệt hay cảm thấy tôi đã làm điều gì không đúng thì có thể trao đổi thẳng với tôi, hoặc nói qua anh em khác, hoặc chuyển ý kiến tới Ban Giám đốc Hãng phim thì có thể sẽ hiểu ngay vấn đề. Khi làm việc này, các chị không hiểu tiêu chí giải thưởng... Năm 1996, cố đạo diễn Hồng Sến từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2007 vừa rồi, có hàng chục đạo diễn cũng được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Tôi sẽ trao đổi như vậy, còn các chị có chịu hiểu không thì là việc của các chị ấy.

* Vậy theo ý kiến cá nhân của anh, sự việc này nên giải quyết theo hướng nào?

- Có lẽ công bằng nhất là chờ đợi ý kiến của những hội đồng cấp trên. Tôi không có ý kiến gì nữa, mà còn lại chỉ là nỗi buồn. Lần đầu tiên sau nửa thế kỷ thành lập, hãng phim nơi tôi công tác mới có chuyện kiện cáo nhau lùm xùm như thế này. Tôi cũng hoàn toàn bất ngờ trước những thông tin đăng trên báo, vì khi đó tôi đang đi công tác ở miền Tây để khảo sát cho bộ phim sắp tới về đề tài nông nghiệp - nông thôn. Chuyện lùm xùm này thực sự cũng ảnh hưởng tới các đồng nghiệp trong hãng.

* Các biên kịch đã nói rõ, họ chỉ kiến nghị, không phải là kiện...

- Kiến nghị gì mà có những từ ngữ nặng nề như: “để anh Thước nhìn nhận lại mình”?

* Những “sóng gió” trên công luận mấy ngày qua có khiến anh, trong một lúc nào đó, nghĩ rằng nên rút lui để mọi chuyện được êm đẹp?

- Tôi không việc gì phải làm thế. Tôi mà rút là tôi công nhận mình làm điều không đúng. Chưa bao giờ tôi có ý định rút lui.

Hà Chi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm