Đào Anh Khánh: "Hãy xé bỏ những lớp vỏ, để là mình"

22/02/2012 13:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau một năm ngừng trình diễn, Đào Anh Khánh sẽ trở lại là linh hồn của Đáo Xuân 7 sẽ diễn ra từ 19g ngày 24/2 tới tại studio của anh ở 462 Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, đúng như chờ mong của công chúng và bạn bè yêu mến.

Đào Anh Khánh không chỉ là hoạ sĩ, anh được biết đến như một nghệ sĩ trình diễn hàng đầu Việt Nam. Bất chấp mọi khó khăn, áp lực, thị phi, Đào Anh Khánh luôn dấn thân kiên cường con đường của anh, là chính anh, hiện lên một “độc bản” tầm... ngoại hạng. Đáo Xuân (ĐX) là thương hiệu thu hút lớn mà sức lôi cuốn, dư chấn của nó, chỉ Đào Anh Khánh mới làm được.

Vườn nhà ngổn ngang vật liệu, HS vừa tất bật chỉ huy thợ thi công vừa lo dàn dựng, tập cho đội múa. Song với lòng tin quý, anh dành cuộc trò chuyện cho TT&VH trước ngày công diễn.

* Thưa hoạ sĩ Đào Anh Khánh, anh đã ngừng ĐX một năm và sắp trở lại, vì sao?

- Vì không thể ngừng. Các nghệ sĩ hợp tác cùng tôi trong những cuộc trình diễn không thù lao, luôn chờ tiếp tục. Bạn bè trong và ngoài nước hỏi, giục. Những người quan tâm luôn ngóng đợi. Tất cả cứ “dồn” tôi, dù tôi đã tuyên bố tạm dừng.

* Xin anh cho biết nội dung cuộc ĐX này?

- ĐX 7 có tên “Vỏ - Thở”, kéo dài liên tục trong 3 giờ cùng âm nhạc, gồm hai phần. Vỏ 35 phút, với 7 nghệ sĩ (2 nam, 5 nữ), diễn tả về sự giả tạo. Dường như con người càng văn minh, đời sống hiện đại, càng nói dối “sành” hơn, tinh vi hơn. Nếp nói dối từ trong mỗi ngôi nhà. Người ta dạy con thế này, lại dặn ra ngoài đường nói thế, đừng làm thế. Có người chỉ ở nhà mới thật, cứ ra khỏi cửa là “diễn” nhiều vai: Không hiếm kẻ nói dối quen đến độ không biết mình nói dối. Nói dối ở cấp độ cao hơn, là man trá, lừa dối, lừa đảo. Bệnh này không xử lý từ giáo dục, nếp nghĩ, sẽ thành quốc nạn.

Một nguy hại nữa là hệ quả của lòng tham. Tham vọng và giả dối triền miên do những động cơ ảo vọng về tiền bạc, địa vị. Cần xé bỏ lớp “vỏ” này để con người tự do, thành thật và tốt đẹp hơn. Thở 45 phút, là phần trình diễn kêu gọi bảo vệ môi trường. Không khí trong lành thành “xa xỉ”, thậm chí là mong muốn “hoang đường” trong tình trạng thành phố quá tải, quy hoạch thiếu khoa học, tình trạng nhập cư, xây dựng tràn lan...

Đào Anh Khánh (trái) tập cùng bạn diễn

* Mỗi lần ĐX là một lần anh tạo ra cảnh tượng khác biệt, độc đáo. Và lần này?

- CLB xe Harley Hà Nội, khoảng 100 hội viên, muốn tham gia cuộc chơi. Tôi mời 50 “chiến sĩ” xuất kích dàn trận. 50 xe Harley Davision sẽ tập kết tại studio từ 15g 24/2. Tôi bố trí 6 xe Harley đỗ trong sân, 44 xe đỗ từ trên đê “tràn xuống” cổng nhà, xếp quây vuông ở khu vực sân khấu (SK) bên ngoài. Có tất cả 6 SK, để xem được đầy đủ, khán giả phải chịu khó dịch chuyển. Tại studio 4.000m2 sẽ có 5 điểm diễn, phía ngoài là 1 SK lớn. Bên cạnh dàn âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp, hiện đại, là ánh sáng từ các loại đèn xe Harley và âm thanh động cơ của chúng.

Dàn xe “khổng lồ” cùng tổ lái là nhân vật trình diễn phần Thở. Tôi dành cho các “tài xế” 5 phút nhạc để họ tự thiết kế. Với 5 phút này, họ muốn dùng âm thanh, tiếng động gì, tuỳ ý, miễn là từ chính chiếc xe của họ.

* Nhưng “tổ lái” không phải các nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp, liệu có khả năng công chúng bị đinh tai nhức óc do ồn ã?

- Chuyên nghiệp trước hết là phải được đào tạo bài bản, như thế thì về trình diễn, tôi cũng “không chuyên nghiệp” vì tôi có học trường dạy diễn nào đâu. Tôi đã nghe thử, được lắm! Trong người các “tổ lái” này có máu nghệ sĩ và họ đang muốn phô diễn đam mê của mình. Hai diễn viên không chuyên đáng chú ý là nữ nghệ sĩ Mỹ Michele, vừa sáng tác vừa hát, biết vẽ tranh và múa. Người kia là nữ hoạ sĩ Minh Hoàn, “đệ tử chân truyền”, tôi nâng đỡ bởi thấy Hoàn đam mê, có khả năng và tinh thần để theo con đường của tôi. ĐX luôn là những cuộc chơi lớn của các thành phần, chỉ đến đây, khán giả mới có dịp huy động hết “kích cỡ” các giác quan hưng phấn - đặc thù đáng giá. Chúng ta đều phấn khích cao độ trong sự mãn nhãn và hiệu ứng cộng hưởng.

1.000 giấy mời ĐX 7 đã được phát đi. ĐX7 là cuộc trình diễn đầu tiên nhằm mục đích từ thiện vận động khán giả quyên góp cho trẻ em nghèo Bắc Quang, Hà Giang.

* Còn âm nhạc và phục trang, sẽ gây trầm trồ chứ?

- Về âm nhạc, là các nhạc sĩ đã tham gia các ĐX trước: nhóm Ngọc Đại, Phạm Quang, Trần Minh (6 người), Trí Minh, Vũ Nhật Tân.

Tổng số nghệ sĩ gồm 15 người, 5 nam, 10 nữ, nghệ sĩ chuyên nghiệp có Thuý Liễu (DV Nhà hát cải lương HN), 2 nghệ sĩ từ Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Trong đội hình múa, có một nữ nghệ sĩ sân khấu của Australia, chị Thory 32 tuổi sẽ diễn cùng con gái Holy 8 tuổi. Đặc biệt lần này, có thành tố mới: kịch câm.

* Kịch câm? Đây vốn là loại hình đòi hỏi khán giả phải tưởng tượng, tư duy, đón nhận khó hơn kịch nói?

- Kịch câm là bộ môn rất trí tuệ và giàu suy nghiệm. Nghệ sĩ kịch câm Đặng Trung (là bạn của anh trai tôi). Anh đã học kịch câm bài bản tại Học viện Sân khấu Praha, từng biểu diễn ở khắp CH Czech, Đức, Áo... Đặng Trung đã tốt nghiệp thạc sĩ báo chí tại ĐHTH Charles. Tuy đã chuyển sang làm doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Eurolight, vẫn giữ lửa nghề, luôn khát khao trở lại. Anh cũng rất yêu, chăm xem nghệ thuật, sống một tâm hồn nghệ sĩ. Anh là nhân vật trung tâm của phần Vỏ, với chiếc thang, diễn đạt những tham vọng “leo thang” của con người.

Tại ĐX 7, các nghệ sĩ sẽ được vẽ những hình ảnh thiên nhiên lên thân thể rồi cuốn ni-lon trong quanh mình. Lớp bên ngoài sẽ được dán những mẩu tranh, ảnh, giấy báo, tiền âm phủ, vàng mã, những con bài tượng trưng cho sự phù phiếm - lớp vỏ. Ở cao trào chúng tôi sẽ xé lớp vỏ này. Đáng buồn nhất là những người quấn vỏ bọc mà không biết mình đã bị bọc. Hãy biết và dám xé bỏ những lớp vỏ, để làm lại mình.  

* ĐX 6 chi phí hết 600 triệu đồng và anh đã làm “con nợ” cả năm đến độ phải tuyên bố tạm ngừng trình diễn để tập trung vẽ, lo đời sống. Anh có tài trợ đủ nên tự tin hơn?

- Số nợ ấy tôi đã trả cuối 2010. Tôi luôn tự tin vì tôi đầy lửa nghề, quyết tâm, chứ không phải có đủ tiền thì mới làm. Chính ngọn lựa ấy khiến tôi có nhiều người bạn tốt, sẵn sàng hợp tác không đòi hỏi. ĐX này, Tập đoàn Gami nhận tài trợ 50 triệu, một vài cá nhân nữa, những đến nay chưa một đồng nào đưa đến tôi. Tôi vẫn đang dùng tiền túi. Trước khi diễn 1 tuần tôi phải tăng số thợ lên 10 người, ngoài tiền công, còn nuôi ăn ở và nhiều chi phí lắm. Song đã làm phải dốc sức mọi phương diện.

ViVi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm