Dàn nhạc giao hưởng ASEAN lần đầu tiên được thành lập

23/10/2010 11:06 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhân việc Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 sắp diễn ra tại Hà Nội và hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Quỹ Nippon và Nhạc viện TP.HCM khởi xướng, xúc tiến việc thành lập Dàn nhạc Giao hưởng ASEAN 2010.

1. Theo bà Văn Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM: Đây là dự án âm nhạc có tham vọng biểu diễn tại mỗi quốc gia đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN hàng năm, nếu nhận được tài trợ như năm nay.

Được Yoshikazu Fukumura (Nhật Bản) nhận lời làm giám đốc âm nhạc của dự án, ông là một nhạc trưởng tài ba và đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Y.Fukumura đã đến Huế, Hà Nội, TP.HCM và 9 nước khác thuộc khối ASEAN để trực tiếp tuyển chọn nghệ sĩ cho dàn nhạc. Trong số 84 nghệ sĩ, Việt Nam chiếm đến gần 60 người, ngoài ra còn có các nghệ sĩ khách mời đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Hong Kong (Trung Quốc).


Nhạc trưởng Fukumura đang chỉ huy dàn nhạc
Theo nhạc trưởng Fukumura đây là dàn nhạc có “trình độ quốc tế” gồm những nhạc công xuất sắc nhất của 10 nước thuộc ASEAN, ông đã chọn những nghệ sĩ trẻ tuổi tài năng mà họ sẽ là những người có triển vọng trở thành những nghệ sĩ lớn trong tương lai.

Y.Fukumura tâm sự: Từ nhiều năm nay, tôi muốn xây dựng một dàn nhạc giao hưởng ASEAN, nhưng gần đây tôi mới thực hiện được ý nguyện này. TP.HCM là nơi có khá nhiều tài năng trẻ và tôi cảm thấy đây là mảnh đất mà mình có thể thực hiện những ý tưởng về dàn nhạc...

Ông cho rằng về âm nhạc giao hưởng, Việt Nam là nước có trình độ nhỉnh hơn các nước khác nên tôi chọn Việt Nam làm nòng cốt. “Tôi cũng đang hoạt động tại Việt Nam nên việc bồi dưỡng cho các nghệ sĩ có nhiều thuận lợi - ông tâm sự - Tôi nhận việc xây dựng Dàn nhạc Giao hưởng ASEAN cũng đồng nghĩa là xây dựng văn hóa âm nhạc ASEAN nên tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần coi trọng văn hóa. Tôi rất cảm phục, khi các dàn nhạc giao hưởng ở các nước khác của ASEAN có rất nhiều người nước ngoài (chủ yếu là châu Âu), nhưng ở Việt Nam thì toàn những nghệ sĩ Việt Nam”.

2. Dàn nhạc Giao hưởng ASEAN lần này có nhiều nghệ sĩ ở nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người biểu diễn với một tính cách khác nhau. Để họ hòa hợp với nhau trong một thời gian ngắn là thách thức không nhỏ đối với nhạc trưởng. Tuy nhiên, ông Y.Fukumura nói rằng, với kinh nghiệm đã làm việc với khoảng 60 quốc gia trên thế giới, ông sẽ làm cho 84 nhạc công gắn kết thành một khối trong một dàn nhạc đồng nhất để biểu diễn thành công và ông tin rằng dàn nhạc sẽ làm hài lòng khán giả.

Solist của chương trình gồm Nguyễn Tuấn Mạnh (piano, TP.HCM) và Anna Sowanna (violin, Thái Lan). Dàn nhạc sẽ có 2 buổi biểu diễn bán vé cho công chúng nhạc cổ điển: tại phòng hòa nhạc Nhạc viện TP.HCM (20h ngày 26/10) và Nhà hát Lớn Hà Nội (20h ngày 28/10). Còn đêm 29/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) là đêm diễn phục vụ cho Gala Dinner, nằm trong chương trình chính thức của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17.

Solist Thái Lan Anna Sowanna sẽ trình diễn tác phẩm Carmen Fantasy viết cho violin và dàn nhạc của Pablo Sarasate và solist Tuấn Mạnh sẽ biểu diễn Concerto in F Minor (piano solo) của C.M.V.weber; dàn nhạc sẽ trình tấu 2 tác phẩm: Ouverture của J.Brahms và Giao hưởng From The New World của A.Dvorak.

Đây là lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng ASEAN được thành lập, là dịp để các tài năng trẻ nhạc giao hưởng “chu du” khắp khu vực nhằm khẳng định năng lực giao hưởng của khối ASEAN và đem âm nhạc giao hưởng đến với đông đảo công chúng.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm