Đà Lạt nghĩ bên triền dốc

28/01/2014 07:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ở đâu cũng vậy, khi ta lên một thành phố núi, dù là một thị trấn nhỏ nhoi như Tam Đảo hay lớn hơn là Sa Pa, hoặc Đà Lạt, thì cảm giác chộn rộn đã nhen nhóm từ khi xe bắt đầu leo đèo đi vào con đường loằng ngoằng với những khúc cua nghiêng ngả, đã có thể hạ kính xe cho cái không khí man mát và mùi hăng hăng cây dại ùa vào.

Đây đó còn tiếng nước chảy trên vách núi, những mảng rừng thông hai bên đường đan kết lại, quyện với những đám mây lờ vờ vờn quanh như một cái “cổng chào” vĩ đại của thiên nhiên thu hút khách khiến người ta chả còn muốn để ý gì đến cái bảng “Kính chào quý khách” bằng sắt thép nghễu nghện bên đường. Không lời chào nào bằng được sự đón chào của vẻ  đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Do vậy, “cửa ngõ” của một thành phố núi được cảm nhận ngay từ dưới chân đèo chứ không phải chờ đến lúc “lên đỉnh”,  nhưng đấy là ở cái thời còn nguyên sơ với những gì nó có, khi con đường lên còn nhỏ và ngoằn ngoèo, xe bò lên chầm chậm. Giờ vào cổng ngõ Đà Lạt đã có một con đường bê tông mới xe chạy băng băng, nhìn ra hai bên thấy rừng thông thưa thớt, bên triền núi đôi chỗ trơ ra vách đất thấy rờn rợn như nhìn một mái đầu rụng tóc.

Ngày xưa đường vắng chưa hư hỏng nhiều, đi cả chặng đường dài xe chạy nhanh lúc sắp đến nơi thì chầm chậm leo dốc để nhìn và để hít thở không khí núi rừng. Giờ thì ngược lại, xe chạy rì rì hàng trăm cây số vì đường xấu, đường đang sửa chữa, đường ổ gà, sắp đến nơi mới  gặp một con đường rộng phẳng lỳ như cao tốc, xe băng băng qua nên chả kịp nhìn ngó gì. Và cũng chả muốn nhìn cây  nhìn rừng nữa vì nó xơ xác quá, mà cũng mau mau đến nơi còn tìm đường về khách sạn vì ê ẩm suốt gần chục tiếng đồng hồ xe chạy rồi. Cái chỗ lẽ ra cần chậm thì phải chạy nhanh và cái chỗ lẽ ra phải  nhanh thì đi chậm. Đời cứ oái ăm vậy.


Những biệt thự kiến trúc phương Tây đã trở thành thân thuộc với không gian Đà Lạt

Đà Lạt có nhiều thứ, khí hậu, địa hình, cảnh quan và hệ thống di sản kiến trúc Pháp cũ rất giá trị mà chúng ta đã nói quá nhiều và ai ai cũng thấy. Đấy là một di sản lớn về tổng thể, ở tầm vĩ mô thì lâu nay các nhà chuyên môn và  hoạch định chính sách đã, đang và vẫn còn tiếp tục bàn luận. Nhưng trong thực tế thì mỗi ngày nhiều người cứ thấy vơi dần những cảm giác thích thú về nó ở khu trung tâm, nơi người ta hay lấy ra làm hình ảnh, làm bộ mặt của một đô thị. Nó dần chả có gì đặc biệt so với nhiều nơi khác nếu chỉ nhìn vào hệ thống phố xá, những khách sạn lớn, trung tâm thương mại, quán xá, cửa hàng và nếu không có cái không khí lành lạnh hay sương mù vùng núi. Hoặc đôi khi nếu không nhớ ra trong tâm thức, hay vô tình nhìn thấy một cái tên Đà Lạt trong tấm vé xe đò hay trên bảng hiệu trong thành phố.

Nhưng còn một “di sản” không phải là nhỏ trong lòng cái đi sản lớn đấy về kiến trúc và cảnh quan đô thị của Đà Lạt mà dường như người ta chưa chú ý đến nhiều, ở những khu vực ngoài trung tâm và ven đô. Ấy là những khu dân cư có vẻ như là một “ngoại ô” ngay trong lòng thành phố và khu vườn trồng rau và hoa ven đô. Là những con đường nho nhỏ, bằng phẳng hay lên xuống dốc với những ngôi nhà giản dị, không phải biệt thự nghỉ mát, nhưng mang một phong cách, một linh hồn rất “Đà Lạt”, những ngôi nhà ở của người dân bình thường chưa kịp hay chưa có điều kiện “lên tầng” hoặc xây lại. Những ngôi nhà thấp tầng mái ngói, hay lợp bằng vật liệu nhẹ xinh xắn phủ lớp vôi cũ được bao quanh bởi vườn cây hay có khi chỉ là một mảnh sân nho nhỏ với với hàng rào cây leo hay lơ thơ vài thanh gỗ.

Ở khu ven đô, những khu vườn trồng rau hoặc trồng hoa trên những khoảnh đất rộng nghiêng bên sườn núi trải dải từ trên cao xuống, không có kiến trúc nhưng những kết cấu mái che cho những mảnh vườn đó được tạo hình tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng có một hai căn nhà như thể nhà kho chứa rau hay hoa được sơn màu lạ mắt như một điểm nhấn thú vị cho cảnh quan. Dân cư là những người làm nghề trồng vườn hay dịch vụ xung quanh những nghề đó, cái không khí đời sống hiền lành bám vào đất, vào những điều kiện tự nhiên đã sinh ra nó thì chả đâu ngoài Đà Lạt có được. Tất cả những thứ đó có thể như sự khơi gợi cho một nguồn cảm hứng về kiến trúc cho khu vực này.

Địa hình tự nhiên và đời sống bản địa, không gian thoáng đãng, tầm nhìn xa rộng, cảnh quan thú vị không phải bởi cái gì hùng vĩ mà bởi những thứ thật giản dị như những luống rau, thảm hoa chạy ven sườn núi và những khoảng đất trống toàn cây dại là những điều kiện để tạo nên một sắc thái rất độc đáo cho kiến trúc ở đây. Nếu như đan cài vào đấy một số mô hình kiến trúc phù hợp để vừa là nhà ở, nơi sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ cho khách du lịch dạng nhỏ thích ở kiểu bình dị và gần gũi với đời sống bản địa sẽ là lý tưởng. Không phải là khách sạn mà chỉ là những kiến trúc nhà ở nhỏ, mang phong cách vùng núi cắm vào sườn đồi với những tiện nghi cần thiết đúng mức độ, khách ở theo kiểu “homestay” cùng với gia đình, hoặc theo kiểu ở các nước gọi là “B & B - Bed and breakfest”, (nôm na là nhà nghỉ kèm ăn sáng nhẹ). Khách ở đấy chắc chắn không phải là người ưa sự ồn ào, đòi hỏi nhiều dịch vụ giải trí khác như ở khu trung tâm, vô ý thức với môi trường.

Họ được sống trong một không khí như gia đình, được nhìn thấy đời sống cư dân, và công việc của họ, được cảm nhận một bức tranh thiên nhiên và đời sống bản địa thực sự. Như vậy sẽ hình thành một khu liên hoàn “nhà - vườn - du lịch”. Người dân có thêm một hình thức kinh doanh dịch vụ với mức đầu tư vừa phải, vẫn làm được nghề truyền thống và có thêm loại hình kinh doanh mới, tăng thu nhập, và không phải làm tổn thương nhiều đến cảnh quan. Được như vậy, khi họ sẽ thấy những gì mình có được tăng thêm giá trị, sẽ biết trân trọng, yêu quý và gìn giữ cái môi trường mình đang sinh sống và duy trì những giá trị đấy một cách vững bền.

Với những đặc điểm trên của Đà Lạt, với bất cứ công trình nào ở đây dù lớn hay nhỏ, thì kiến trúc cũng phải bám vào địa hình, phù hợp và tôn trọng địa hình và đời sống mang tính đặc thù của nó, tránh tối đa sự san phẳng địa hình và nhạt nhòa bản sắc, không nên phát triển chiều cao “nhân tạo” mà nên thấp tầng, với tỷ lệ vừa phải và trải ra hài hòa với cảnh quan, hòa vào nó, làm sao trong bức tranh toàn cảnh, kiến trúc chỉ như những điểm chấm phá lẩn khuất trong thiên nhiên rộng lớn, không thể nào “kèn cựa” được với thiên nhiên.

Đương nhiên để đạt được mục đích ấy cần có một quy hoạch bài bản, sự hướng dẫn, huấn luyện chuyên nghiệp, bài bản và định hướng đúng đắn của cơ quan công quyền và giới chuyên môn. Về phía người dân cũng cần ý thức được về một giới hạn và sự kiềm chế lòng ham muốn thái quá, như vậy mới tránh được sự phát triển tự phát, xô bồ, luộm thuộm dẫn tới hậu quả tiêu cực, làm sai lạc, ảnh hưởng xấu đến việc gìn giữ môi sinh và nghề truyền thống.

Đã đến lúc chúng ta không thể nói mãi một cách chung chung vấn đề giữ gìn di sản, hay chỉ chú ý vào những di sản lớn. Từ những gì rất tự nhiên, giản dị từ đời sống nhưng rất riêng biệt có thể tạo ra tính hấp dẫn, độc đáo. Làm sao để người ta hiểu giữ gìn cái gọi là “di sản” chính là giữ gìn những giá trị vật chất và tinh thần của chính mình, giữ gìn những thứ rất cụ thể, gần gũi là mảnh đất, khu vườn, ngôi nhà của chính mình chứ không phải là cái gì trừu tượng của chung.

KTS Tạ Mỹ Dương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm