'Dạ cổ hoài lang' phiên bản... Hoa Kỳ

28/07/2016 08:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 4/8 đến 17/8 Kịch IDECAF (TP.HCM) sẽ đưa vở kịch Dạ cổ hoài lang (KB: Thanh Hoàng, ĐD: Vũ Minh) du diễn tại các thành phố San Jose, Houston, Quận Cam (Hoa Kỳ). Đây là lần thứ 2 sân khấu này du diễn nước này, mà lần trước vở Hợp đồng mãnh thú (KB: Lê Hoàng, ĐD: Vũ Minh) đã có được 7 suất diễn chật kín khách.

Vở Dạ cổ hoài lang lấy cảm hứng từ bài vọng cổ cùng tên của Cao Văn Lầu, nhưng thay tâm cảnh vợ nhớ chồng lúc về đêm bằng niềm hoài cố hương của đôi bạn già nơi đất khách.

Kịch bản được Thanh Hoàng viết năm 1993, công diễn lần đầu (do Công Ninh đạo diễn) năm 1994, từ đó đến nay, với 4 vai và hơn 1.000 suất diễn, thay nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhưng nước mắt của khán giả thì chưa bao giờ ngừng rơi.

Năm 1995, tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, vở mang lại 4 huy chương vàng cho bốn diễn viên lúc ấy gồm: Thành Lộc, Việt Anh, Quốc Thảo và Hồng Vân.


Cảnh trong “Dạ cổ hoài lang” phiên bản mới. Từ trái sang: NSƯT Thành Lộc, diễn viên Lương Thế Thành, NSƯT Hữu Châu

Báu vật của kịch nói

Lấy bối cảnh Hoa Kỳ những năm 1980, nơi mà những ông bà già người Việt đang đối diện với lối sống, nền văn hóa khác, nhưng quá khó để hòa nhập như con cháu mình, nên cô đơn cùng cực.

Lớp diễn “ngập tràn nước mắt” của cả diễn viên và khán giả là khi ông Tư (do NSƯT Thành Lộc thủ vai) trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ vợ, nhưng con trai thì đi làm xa, đứa cháu gái duy nhất thì đang chuẩn bị làm tiệc sinh nhật cho bạn trai. Ngay lúc ông Tư đối diện tận cùng đau khổ thì ông Năm (NSƯT Hữu Châu) - người bạn già thân thiết - xuất hiện, họ cùng ôn lại kỷ niệm xưa, chất chứa nỗi niềm hoài cố hương.

Hoàn toàn có thể khẳng định vở Dạ cổ hoài lang là một mẫu mực và là báu vật hiếm hoi của kịch nói Việt Nam. Sự mẫu mực có thể nhìn thấy qua sự tương thích dễ dàng với các đạo diễn và diễn viên, ai dựng, ai diễn cũng thành công. Khi vào vai phụ vở này, Hồng Vân lúc ấy còn là gương mặt mới, đang tập nói giọng miền Nam, chị đã cùng đồng nghiệp trẻ Quốc Thảo có vở diễn xuất thần. Để có được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân về sau, vai diễn này đã góp cho Hồng Vân một huy chương, một cột mốc đáng nhớ.  Sau này Vân Trang từ phim ảnh qua thay thế, rồi Tường Vi thay thế Vân Trang do nghỉ thai dưỡng, đều khá thành công.

Riêng vai ông Tư, ông Năm thì khỏi phải nói, tính đến nay Thành Lộc đã diễn gần 500 suất, nó khiến anh phải đeo kính lão sớm, do khóc quá nhiều. NSƯT Việt Anh (vai ông Năm) thì đứng trên sân khấu suốt 20 năm, có ngày phải diễn 3 suất, đến khi Kịch 5B đóng cửa chờ sửa chữa. Nó cũng làm nên dấu mốc nghề nghiệp với cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, NSƯT Thanh Hoàng, danh hài Hoài Linh.

Một mẫu mực khác, với 4 nhân vật và vài địa điểm có tính ước lệ, vở gần như dành trọn vẹn đất diễn cho khả năng diễn xuất và đài từ sân khấu. Đứng trước câu hỏi “ăn nói thế nào là mẫu mực trong một vở kịch”, xem vở này sẽ thấy rõ các đặc trưng.

Hoài cố hương trên đất Hoa Kỳ

Đạo diễn Vũ Minh cho biết bản thân cảm thấy thách thức khi dựng lại kịch bản mẫu mực này, vì phiên bản trước quá thành công. Nhưng từ cuối năm 2014 đến nay, Vũ Minh đã cho thấy cách dựng của mình không hề thua kém; rồi Thành Lộc trở lại vai xưa như “cá về với nước”, Hữu Châu thì đổi mới vai ông Năm một cách hợp lý.

“Tuy bối cảnh vẫn là những năm 1980, nhưng chuyện đi về bây giờ nhiều thuận lợi, người già không còn quá cô độc vì nhớ quê hương, nên cách dựng cũng có vài điều chỉnh cho phù hợp. Rồi cả cách ứng xử và một vài câu thoại không còn thích hợp thì cũng phải bỏ hoặc thay thế. Chưa nói bối cảnh sống của lớp trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã hiện đại hơn rất nhiều người, họ tinh ý và nhạy cảm hơn, nên vở cũng cần những điều chỉnh” - Vũ Minh cho biết.

Theo đơn vị tổ chức tại Hoa Kỳ thì vé cho vở này đã bán khoảng 70 - 80%, nên sự thành công đã là trước mắt. Nhưng điều cao hơn mà họ muốn hướng tới là đưa những vở kịch có chất lượng cao đến cộng đồng người Việt, vì nơi đó có nhiều người đã mấy chục năm không được xem kịch.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm