'Cuộc đời màu hồng' và tài năng của Marion Cotillard

04/12/2014 14:03 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trước các phim về vĩ nhân công nghệ và chính trị, một phim tiểu sử khác cũng gây tiếng vang với nhân vật là vĩ nhân nghệ thuật. Đó là Cuộc đời màu hồng, bộ phim nói về nữ danh ca Edith Piaf của Pháp.

Cuộc đời màu hồng (La Vie en Rose - 2007) là ví dụ cho sự cộng hưởng giữa các môn nghệ thuật âm nhạc và điện ảnh, giữa chủ đề là một tên tuổi lớn trong âm nhạc và cách tái hiện chân dung khá chuẩn mực của điện ảnh.

Tên phim cũng là tên bài hát nổi tiếng nhất của Edith Piaf (1915-1963), giọng ca “quốc dân” được cả nước Pháp yêu mến, người có sự nghiệp như một cuốn tự truyện dài bằng âm nhạc. Đã có nhiều cuốn sách tiểu sử viết về bà, nhưng cuộc đời bà vẫn như một bí ẩn lớn.

Đôi mắt giống nhau của diễn viên và nhân vật

La Vie en Rose đạt 7,7 điểm trên IMDb và 74% trên Rotten Tomatoes, đều không phải mức điểm thấp. Phim đặt tham vọng bao quát toàn bộ cuộc đời Piaf (Marion Cotillard đóng) từ khi còn nhỏ, theo bố mẹ hát rong trên những con đường ở Paris rồi đến hộp đêm và được một ông chủ hộp đêm danh tiếng phát hiện tài năng, đặt cho nghệ danh Piaf làm tên họ. Nghệ danh ấy có nghĩa là “chim sẻ”.

Sau khi ông chủ bị bắn chết, cuộc đời Piaf rẽ theo một ngã mới. Cô chuyển đến New York ca hát và gặp gỡ tình yêu lớn nhất đời mình, Marcel Cerdan, một tay đấm bốc nổi danh người Pháp nhưng đã có vợ. Ca khúc La Vie En Rose được Piaf dành tặng người tình này mỗi lần phải xa cách. Sau đó là những năm tháng giữa cuộc đời, khi Piaf già hơn, yếu đi vì thấp khớp và nghiện morphine…


Marion Cotillard (trái) và nhân vật mà cô hóa thân, danh ca Edith Piaf

Bộ phim nồng nàn, mang đến cho khán giả những khoảnh khắc nhiều cảm xúc, nhưng đỉnh cao nằm ở diễn xuất của Marion Cotillard. Nữ diễn viên xinh đẹp đã được bộ phim đưa lên tầm minh tinh với giải diễn xuất ở tất cả các giải thưởng lớn, gồm Oscar, Quả Cầu Vàng, Cesar, BAFTA…

Đạo diễn Olivier Dahan có một lý do đặc biệt để chọn Cotillard, một diễn viên mà trước La Vie en Rose chưa đủ nổi tiếng và đủ sức hút thương mại cho một vai diễn nặng ký đến vậy. Đó là đôi mắt của Cotillard và Edith Piaf quá giống nhau. Dahan thậm chí chưa gặp Cotillard khi quyết định chọn cô cho vai này. Nhưng vì đôi mắt, ông đã bỏ qua mọi lời can ngăn.

Lựa chọn đó về sau đã được chứng minh là vô cùng sáng suốt. Khi La Vie en Rose công chiếu vào năm 2007, Piaf như tái sinh ở quê nhà. Cả nước Pháp bắt đầu hành trình tìm hiểu lại về bà, người qua đời cách đó 44 năm ở tuổi 47.

Diễn xuất vẫn quan trọng nhất

Có một lý do quan trọng khiến dòng phim tiểu sử nói chung, và phim tiểu sử về người nổi tiếng nói riêng, trở thành tâm điểm của làng điện ảnh và khiến giới phê bình chăm chú theo dõi: bản thân chủ đề phim đã là một thứ đáng để theo đuổi. Chủ đề thường là một nhân vật, một cuộc đời, một câu chuyện làm rung chuyển thế giới. Những vai diễn như vậy là vai diễn trong mơ của các diễn viên giỏi nhất.

Nhưng trái lại, số lượng phim xuất sắc kể về một cuộc đời nổi tiếng lại rất ít. Nhà phê bình A. O. Scott của New York Times đã chỉ ra thực tế này trong bài điểm phim La Vie en Rose vào năm 2007.

Trong dòng phim tiểu sử, thiết kế sản xuất và tất cả các công đoạn trước khi bấm máy (soạn nhạc, thiết kế bối cảnh, đạo cụ, chọn diễn viên, trang phục và ánh sáng) chỉ cần tạo ra một bệ phóng vững chắc cho tài năng của diễn viên thăng hoa.

Và trong bối cảnh đó, Scott cho rằng những màn diễn xuất đỉnh cao như của Cotillard trong vai Piaf là hiếm hoi. Nữ ca sĩ Ginou Richer, người đã sống cùng Piaf trong 15 năm cuộc đời, nói với Guardian rằng Cotillard không chỉ đóng vai Piaf, cô còn trở thành nhân vật. “Marion bước đi, nói chuyện, cười chính xác như Edith. Phần khó nhất là nhép môi theo những bài hát, nhưng khi cô ấy diễn, chúng ta đều nghĩ rằng đó là Edith đang hát” - Richer chia sẻ.

Trong phim, các bài hát tiếng Pháp của Piaf đều được gắn phụ đề. Nhưng với quyền năng của giọng hát đó, dường như việc này không cần thiết lắm. Mặc dù vậy, bộ phim không đạt tầm vĩ đại như nhân vật hay diễn xuất của diễn viên, giống như trường hợp Margaret Thatcher – Meryl Streep và Bà đầm thép (The Iron Lady).

Nhưng nhận định này được đưa ra vào năm 2007, khi trong lịch sử điện ảnh vẫn chưa có tên những bộ phim hoặc vai diễn tiểu sử xuất sắc về sau như Mạng xã hội (The Social Network) với Jesse Eisenberg vai Mark Zuckerberg, hay Bà đầm thép với Streep vai Thatcher đã nói ở trên. Có thể kể thêm những cái tên đáng chú ý như The Blind Side, Lincoln, Milk…

Phim tiểu sử không phải là một thể loại mới, nhưng những năm gần đây đang trỗi dậy mạnh mẽ trở lại. Khi nhắc đến nhân vật chính của phim tiểu sử, đặc biệt là một vĩ nhân quen thuộc, khán giả hầu như nghĩ ngay đến con người ngoài đời và mang theo những ấn tượng của họ với con người đó khi xem phim.

Đó là một lợi thế lớn cho thể loại này, nhưng cũng tạo ra áp lực lớn là phim phải tương xứng với tầm vóc nhân vật. Đây là khó khăn vô cùng lớn, bởi nhà làm phim chỉ được phép tái hiện cuộc đời nhân vật trong có 2,3 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Nhưng điều này đã không ngăn cản dòng phim tiểu sử tiếp tục cho ra những tác phẩm đầy triển vọng.

Năm nay, hy vọng lớn đặt vào 2 phim The Theory of Everything (về Stephen Hawking) và The Imitation Game (về Alan Turing). Các diễn viên chính Benedict Cumberbatch và Eddie Redmayn đã được dự báo là ứng viên chính cho Oscar.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm