Cứ đập, rồi... xây lại!

26/12/2008 09:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Câu chuyện UBND TP Nha Trang phải đem tiền đi chuộc lại toàn bộ hiện vật Văn chỉ Vĩnh Xương mà trước đó chính TP đã ra tay đập bỏ, phá dỡ và đem... bán phế liệu được xem như đã khép lại. Nhưng lật giở lại “vụ án Vĩnh Xương” mới giật mình vì những “lỗ hổng chết người” trong quản lý di sản văn hóa hiện nay khiến nhiều di tích khác đã và đang nằm trong “nguy cơ Vĩnh Xương”.
 
Hiện trạng Văn chỉ Vĩnh Xương sau khi bị phá bỏ.

Tháng 5/2008, lãnh đạo UBND TP Nha Trang thông qua kế hoạch đập bỏ, phá dỡ và bán... phế liệu toàn bộ hệ thống kiến trúc của một ngôi miếu cổ thờ đạo học (Khổng tử) có lịch sử tồn tại gần 160 năm ở mặt tiền của một đường phố trung tâm. Vụ việc bị quần chúng nhân dân phát hiện, báo chí lên tiếng, những người có trách nhiệm liên quan tìm cách đổ qua, đổ lại... trách nhiệm cho khách quan; đại loại rằng “không biết”, “không hiểu” và “quên không báo cáo”... UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo phải nghiêm khắc “kiểm điểm và sửa sai”, nhưng “cha chung” nên trách nhiệm cũng... chung chung. Duy nhất vấn đề cụ thể đang thu hút sự quan tâm của các đơn vị, cá nhân có liên quan là sắp tới ngân sách sẽ chi bao nhiêu tỷ đồng để thực hiện dự án phục dựng Văn chỉ Vĩnh Xương và liệu di tích này có được phục dựng lại nguyên trạng trước khi bị đập bỏ?

Di tích bị bỏ quên!
 
Văn chỉ Vĩnh Xương (thường gọi là miếu Văn chỉ) tọa lạc trên khu đất rộng ngót 650 m2 ở 123 đường Phương Sài, phường Phương Sơn, TP Nha Trang. Đó là một ngôi miếu lớn được xây dựng thuần túy theo lối kiến trúc cổ của người Việt với cổng tam quan, tường xây gạch ống, mái ngói âm dương, trên đỉnh có tượng lưỡng long tranh châu; khung nhà rường, cột, vì, kèo, con đội... đều làm bằng gỗ quý, chạm trổ công phu, tinh tế. Ngoài đồ dùng thờ tự, trong miếu còn có 14 tấm liễn ghi câu đối và 1 bức hoành phi cổ sơn son thiếp vàng. Văn chỉ Vĩnh Xương được xây dựng từ năm 1849 (thời vua Tự Đức, năm thứ 3), là nơi thờ đức Khổng Tử và lưu danh những người trong vùng thi cử đỗ đạt cao.
 
Những viên gạch ống cổ còn sót lại

Bà Nguyễn Thị Thơ, 81 tuổi, từ năm 1950 đến nay chuyên chăm lo thờ cúng tại đây, kể: “Trong miếu có 6 bệ thờ, hàng ngày gia đình tôi dọn quét, thay nước, thắp hương... Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương mở lớp mẫu giáo trong 2 gian nhà Đông, Tây (tả vu, hữu vu) và lấy chính điện làm nơi hội họp của đội dân phòng. Có một thời gian, UBND phường Phương Sơn cho một người mượn miếu Văn chỉ làm nhà kho. So với trước năm 1975, phần đất trong khuôn viên miếu đã bị người dân xung quanh lấn chiếm khá nhiều”.

Được biết, kế hoạch đập phá miếu thờ đạo học để lấy đất xây trạm y tế đã được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2007 của HĐND phường Phương Sơn. Theo đó, ngày 28/4/2008, UBND phường Phương Sơn gửi công văn trình UBND TP Nha Trang, ghi rõ: “Xin thanh lý, phá bỏ nhà mẫu giáo (miếu Văn chỉ) ở 123 đường Phương Sài để trả mặt bằng xây dựng trạm y tế.” Ngay sau đó, lãnh đạo UBND TP Nha Trang “chuẩn y” mà không cần kiểm tra thực tế.
 
Bệ thờ hiện còn trong miếu Văn chỉ. Ảnh: Bảo Chân

Trước khi đập bỏ miếu Văn chỉ, UBND phường Phương Sơn đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND phường Nguyễn Ngọc Anh Quân trực tiếp phụ trách. Việc định giá thanh lý vật tư thu hồi sau khi phá dỡ được tiến hành theo phương thức suy diễn đầy cảm tính, tất cả vật liệu gỗ, kể cả hoành phi, câu đối... đều quy ra thành khối gỗ... phế liệu! Ngày 7/7/2008, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Khánh Hòa tổ chức bán đấu giá “khối tài sản thanh lý” nói trên. Kết quả, ông Trần Ngọc Hoàng ở phường Vĩnh Phước Nha Trang đã mua được khung nhà cùng toàn bộ vật liệu thu hồi sau khi tháo gỡ miếu Văn chỉ với mức giá 23,1 triệu đồng. Ngay lập tức, nhiều cuộc mua bán “sang tay” cổ vật tiếp tục diễn ra và số phận miếu Văn chỉ đã “vào tay” một “đại gia” ở tận Đồng Nai. Ban đầu, khung nhà cổ được dùng để làm quán... cà phê; nhưng khi biết xuất xứ của ngôi miếu, “đại gia” này đã quyết định chuyển toàn bộ hiện vật đến một ngôi chùa ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Thích khẳng định: “Trách nhiệm quản lý di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Lẽ ra trước khi phá dỡ ngôi miếu cổ, UBND phường Phương Sơn phải báo cáo với cơ quan quản lý văn hóa”.

Chủ tịch UBND phường Phương Sơn, thanh minh: “UBND phường chỉ quản lý, bảo vệ những DTLSVH đã xếp hạng, miếu Văn chỉ hiện không có tên trong danh mục DTLSVH.” Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, người đã bút phê quyết định đập bỏ Văn chỉ Vĩnh Xương thì quanh co chối trách nhiệm: “Chúng tôi phê duyệt kế hoạch đập bỏ trường mẫu giáo bỏ hoang để xây dựng trạm y tế chứ không biết đây là Văn chỉ Vĩnh Xương...” (!?)

Có một sự thật là năm 2002, trong quá trình kiểm tra, thống kê DTLSVH trên địa bàn, UBND phường Phương Sơn và cơ quan quản lý văn hóa địa phương đã quên không lập hồ sơ báo cáo sự tồn tại của Văn chỉ Vĩnh Xương. Tuy nhiên, cũng trong năm 2002, khi tiến hành tổng kiểm tra quỹ nhà, đất của TP Nha Trang, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quyết định giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà Khánh Hòa tiếp nhận miếu Văn chỉ ở 123 đường Phương Sài để bổ sung vào... công sản. Thật khó hiểu, bởi vì sau khi vụ việc “đổ bể”, tận bây giờ, Sở Xây dựng Khánh Hòa vẫn không tìm thấy “dấu tích” Văn chỉ Vĩnh Xương thể hiện trên hồ sơ điều chỉnh quy hoạch TP Nha Trang. Và, tài liệu quản lý di tích của Phòng Văn hóa Thông tin TP Nha Trang cũng không có dòng nào đề cập đến miếu Văn chỉ (!?)

Trách nhiệm rất… chung chung!

Vụ việc được quần chúng nhân dân phát hiện, báo chí lên tiếng, UBND tỉnh Khánh Hòa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Thân trực tiếp chỉ đạo giải quyết khắc phục hậu quả. Cuối tháng 10/2008, UBND TP Nha Trang đã tạm ứng ngân sách và cử đoàn công tác vào Đồng Nai chuộc lại toàn bô hiên vât Văn chỉ Vĩnh Xương vơi gia 220 triêụ đôn g, ngoai ra còn chi thêm 12 triệu đồng để vận chuyển về Nha Trang.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trung tuần tháng 11/2008, ông Nguyễn Hữu Bài, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện UBND phường Phương Sơn, UBND TP Nha Trang, Trung tâm quản lý di tích và danh lam thắng cảnh Khánh Hòa (TTQLDT-DLTC) và Phòng Văn hóa Thông tin TP Nha Trang: “yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan tự kiểm điểm trách nhiệm”. Ông Nguyễn Hữu Bài cho biết: “Khuyết điểm chính của Sở VH, TT&DL là đã không đôn đốc, nhắc nhở TTQLDT-DLTC phối hợp với chính quyền địa phương kiêm tra, ra soát, lâp hô sơ quan lý di tích Văn chỉ Vĩnh Xương. Để khắc phục khuyết điểm này, chúng tôi sẽ hợp đồng với Công ty Quản lý di tích Huế, tiến hành lập dự án phục dựng lại Văn chỉ Vĩnh Xương tại vị trí cũ. Chưa biết tổng dự toán là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều tỷ đồng”.

Trả lời câu hỏi về việc “trách nhiệm cá nhân”, Chủ tịch UBND phường Phương Sơn Nguyễn Ngọc Anh Quân nhất quyết không “phát ngôn”. Ông Nguyễn Văn Thích, GĐ TTQLDT-DLTC tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “ Xảy ra sự việc đáng tiếc này, UBND phường Phương Sơn là đơn vị chính phải chịu trách nhiệm. Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã nỗ lực hết sức trong quá trình truy tìm ngôi miếu cổ và đề xuất phương án... chuộc lại.”

Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang Nguyễn Thị Nhung, người đã bút phê cho phép đập bỏ Văn chỉ Vĩnh Xương, giải thích: “Ngôi miếu cổ bị phá dỡ là do không có tên trong hồ sơ quản lý di tích trên địa bàn. Để khắc phục thiệt hại về vật chất, chúng tôi đang vận động một số doanh nghiệp, cá nhân làm “mạnh thường quân” đóng góp ủng hộ khoản tiền mà ngân sách TP đã tạm ứng”...

* * *

Di tích bị phá bỏ vì những người có trách nhiệm thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm...Văn chỉ Vĩnh Xương không phải là trường hợp đầu tiên, duy nhất và cũng không là ngoại lệ; nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng kêu lên rằng sau hơn 100 năm chiến tranh, loạn lạc..., 70% di sản của nước ta đã biến mất, trong số 30% còn lại, chỉ 10% còn tương đối nguyên vẹn, 20% què quặt, chắp vá... Thật đau lòng, đất nước thống nhất đã hơn 1/3 thế kỷ, nhiều di sản vẫn tiếp tục bị “bỏ quên”, để rồi sau khi đập bỏ, các cấp chính quyền lại duyệt chi tiền đóng thuế của dân để phục dựng, trùng tu...

Dư luận bức xúc, xót xa và vô cùng e ngại, bởi... không biết rồi đây, khi đã tiêu tốn nhiều tỷ đồng, Văn chỉ Vĩnh Xương có còn là vốn cổ?
 
Phạm Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm