Công nghệ “tranh cử” giải Oscar: Bỏ tiền vì tượng vàng

23/02/2013 14:39 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi sẽ để Lincoln yên, nếu cô cho tôi một vai trong Star Wars phần mới”. Đó là đề nghị trong một bữa tiệc trao giải gần đây của ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein - nhà sản xuất của phim dự Oscar Silver Linings Playbook -  với Kathleen Kennedy, nhà sản xuất của đối thủ Lincoln.

Ai cũng biết Lucasfilm sắp làm lại Star Wars và đây là một dự án phim bom tấn lớn trong vài năm tới, còn Silver Linings Playbook Lincoln đều là hai ứng cử viên lớn cho giải Oscar Phim hay nhất năm nay (Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối 24/2 tại Mỹ, tức từ 8h sáng ngày 25/2 theo giờ Việt Nam)

Câu nói (đùa?) của Weinstein, được dẫn trên tờ Wall Street Journal, cho thấy một loạt chiến dịch chạy đua Oscar khắc nghiệt không kém gì các chiến dịch tranh cử trong chính trị đang diễn ra ở Hollywood.

Không dưới 10 triệu USD mỗi phim

Các hãng phim của Argo, Silver Linings Playbook, Lincoln, Zero Dark Thirty hay Les Misérables, toàn là tên tuổi đình đám, đều chi không dưới 10 triệu USD cho “chiến dịch tranh cử” của mình. Quy trình gồm: các buổi ra mắt phim có những khách mời quan trọng, các bữa tiệc điện ảnh phù phiếm, thuyết phục các nhân vật quyền lực, những bài phỏng vấn gây tiếng vang và quảng cáo, ào ào như tuyết lở thì càng tốt.

Ba phim đang chiếm ưu thế nhất tại cuộc chạy đua Oscar năm nay: Argo, Lincoln và Silver Linings Playbook.

Không ít những chiêu bài không sạch. Vu khống đối thủ, cũng được sử dụng.

9 ứng cử viên cho giải quan trọng Phim hay nhất chia thành nhiều dạng: phim mà nhà phê bình mê mẩn, phim cực kỳ thành công về thương mại, phim đầy rẫy tranh cãi. Suốt từ thời điểm công bố đề cử, bắt đầu từ tháng 1 đến giờ, các phim lần lượt thay nhau chiếm ưu thế, trở thành ứng cử viên được yêu thích nhất.

Vị trí đó hiện tại thuộc về Argo, khi phim này thắng như chẻ tre trong hầu hết giải thưởng “tiền Oscar” của giới chuyên môn.

Tiền thì không thiếu. Sự khoe khoang và những cái tôi cao ngất thì luôn đầy ứ ở Hollywood, nhưng cuối cùng tiền lại là động cơ chính của mọi giành giật. 6 trong số 9 phim đề cử đã vượt qua mốc 100 triệu USD doanh thu. 3 phim còn lại: Zero Dark Thirty sắp sửa đạt được, còn Amour và Beasts of the Southern Wild thì có lẽ là không. Đầy ắp tiền, các hãng phim không ngại chi tiêu cho những dự án sẽ mang về cho họ còn nhiều tiền hơn, nhưng trước hết, họ muốn có (các) tượng vàng danh giá.

Các chiêu hấp dẫn: truyền hình giờ vàng và chính trị

“Với nhiều hãng phim, bức tượng Oscar là thứ cao quý có thể đặt lên đỉnh chiếc bánh kem xa hoa, còn với Weinstein thì Oscar chỉ “thường” như thịt và khoai tây”.

Cặp đôi điện ảnh ăn ý của năm – Ben Affleck và George Clooney (đạo diễn và nhà đồng sản xuất của Argo) – cũng được coi là những ông vua vận động Oscar. Vẻ ngoài quý ông của họ liên tiếp quyến rũ các “cử tri” qua các bữa tiệc và những buổi chiếu Argo rầm rộ.

Tham vọng dẫn đầu cuộc đua Oscar (điều mà bộ phim hiện đang làm được), các nhà sản xuất Argo mới đây mua 30 phút giờ vàng trên truyền hình để chiếu các cảnh hậu trường làm phim. Lincoln Silver Linings Playbook ngay lập tức học tập chiêu bài này.

Cuộc chiến ngấm ngầm nhưng ầm ĩ từ Hollywood đã lan tới thủ đô Washington. Các đối thủ đã tìm ra những gương mặt đại diện hoàn toàn bất ngờ để tăng thêm uy tín cho họ. Đạo diễn Steven Spielberg – nhà quyên góp hào phóng cho Đảng Dân chủ – đã mời được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến giới thiệu Lincoln tại lễ trao giải Quả cầu vàng.

Đạo diễn David O. Russell và diễn viên nam chính Bradley Cooper của Silver Linings Playbook thì mang bộ phim có chủ đề sức khỏe tâm lý đến Washington, gặp gỡ Phó Tổng thống Joe Biden. Ông Biden đã đưa lên Twitter một bức ảnh ghi lại cuộc gặp này.

Harvey Weinstein – nhà vận động Oscar “vĩ đại”

“Vĩ đại” là từ của tờ Los Angeles Times. Tờ báo này bình luận: “Với nhiều hãng phim, bức tượng Oscar là thứ cao quý có thể đặt lên đỉnh chiếc bánh kem xa hoa, còn với Weinstein thì Oscar chỉ “thường” như thịt và khoai tây”.

Quả thực Harvey Weinstein là một bậc thầy về vận động Oscar. Đỉnh cao của Weinstein là Shakespeare in Love, phim đã đánh bại cả kiệt tác Saving Private Ryan để giành giải Phim hay nhất một cách ngoạn mục vào năm 1999.

Với phim hài Silver Linings Playbook, Weinstein sẵn sàng sử dụng lại “sách lược” cũ. Mùa Thu năm ngoái, ông đưa bộ phim đi dự LHP Toronto. Tại LHP này, Silver đã giành giải của khán giả, đánh bại Argo.

Ý tưởng ban đầu của Weinstein là công chiếu bộ phim vào Lễ Tạ ơn, nhưng thời điểm đó lại chạm trán quá nhiều đối thủ như Life of Pi hay Lincoln, vì thế nhà sản xuất này dùng đến cách ông từng áp dụng cho phim đoạt Oscar năm 2011 là The King's Speech.

Weinstein công chiếu Silver Linings Playbook một cách nhỏ giọt, bắt đầu là 16 rạp để tạo sự bàn tán. Ông đợi sau khi bộ phim có được 8 đề cử Oscar rồi mới công chiếu rộng rãi. Có vẻ khó khăn trong tiếp cận khán giả vì nội dung nhân vật bị rối loạn  tâm lý, nhưng nhờ chiến lược khôn ngoan của Weinstein, Silver cuối cùng vẫn vượt ngưỡng 100 triệu USD.

Và các "chiêu trò" của Weinstein chưa dừng ở đó.

Kỳ sau: Khi phim thắng giải không hẳn là Phim hay nhất

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm