Công nghệ rọi sáng tư duy sáng tạo của Da Vinci

01/10/2014 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà khoa học Pháp Pascal Cotte vừa có phát hiện mới gây chú ý, theo đó danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci không vẽ 1 lần mà tới 3 lần bức chân dung The Lady With An Ermine lừng danh, để có sản phẩm cuối ưng ý nhất.

Pascal Cotte đưa ra thông tin trên sau khi bỏ ra 3 năm trời phân tích bức The Lady With An Ermine (Quý bà và con chồn), một trong các họa phẩm nổi tiếng nhất của Da Vinci, nhờ công nghệ ánh sáng phản xạ.

Luôn đổi ý khi vẽ

Cho đến nay, người ta vẫn tin rằng bức tranh 500 năm tuổi này đã được vẽ vài lần và mỗi lần đều có một con chồn ở trong nội dung. Qua nghiên cứu, ông Cotte thấy rằng bức tranh quả đã được vẽ lại tới 3 lần trên một tấm toan, và như thế ta có 3 bức tranh riêng biệt. Tuy nhiên trong 3 bức này, một bức không có con chồn. Trong 2 bức có con chồn, bộ lông của con vật không hề giống nhau. Các chuyên gia về Da Vinci đã gọi phát hiện mới này là thành tựu “gây xúc động”.

Cotte hiện là nhà tiên phong của công nghệ kiểm tra tranh mới có tên Phương pháp khuếch đại lớp (LAM). Phương pháp này hoạt động thông qua việc chiếu các luồng sáng có cường độ lớn vào bức tranh. Cotte sẽ dùng một máy thu hình để ghi lại phản xạ ánh sáng và từ những kết quả thu được, ông sẽ phân tích và tái dựng những gì có trong các lớp của bức tranh.

“Công nghệ LAM giúp chúng ta có thể tách được các lớp của bức tranh, giống như bóc một củ hành. Công nghệ giúp chúng tôi thấy được các tầng khác nhau của bức tranh. Nhờ công nghệ, chúng tôi phát hiện ra rằng Da Vinci luôn đổi ý trong lúc làm việc. Ông rất do dự, thường xóa bỏ rồi lại thêm thắt nhiều chi tiết” – Cotte nói.

Ông Martin Kemp, giáo sư lịch sử nghệ thuật thuộc trường Đại học Oxford, nhận định: “Những gì Pascal Cotte đã phát hiện thật đáng chú ý. Nhờ đó, chúng ta hiểu thêm rất nhiều về lối tư duy của Da Vinci khi ông vẽ tranh. Ông thường do dự khi vẽ và điều này góp phần giải thích vì sao Da Vinci luôn gặp khó khăn trong việc hoàn thành các bức tranh”.

Ai là người phụ nữ trong tranh?

The Lady With An Ermine được cho là ra đời vào khoảng năm 1489 – 1490. Giống như hầu hết các bức chân dung khác của Da Vinci, tranh đã khiến giới chuyên gia tranh cãi gay gắt về việc ai là nguyên mẫu.

Có giả thuyết cho rằng tranh vẽ La Belle Ferronniere, biệt danh dành cho tình nhân của Vua Pháp Francis I. Những người ủng hộ ý kiến này chỉ ra rằng trên góc trái bức tranh có dòng chữ LA BELE FERONIERE LEONARD DA WINCI. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng hướng giả thuyết này không thuyết phục. Theo họ, dòng chữ đã được thêm vào sau này và không có từ đầu.


3 bức The Lady With An Ermine nằm trên cùng 1 tấm toan, đã được phát hiện nhờ công nghệ mới

Ý kiến khác đánh giá tranh được vẽ vào năm 1491 và người phụ nữ trong tranh là Beatrice d'Este, vợ của Công tước Milan Ludovico Sforza. Người ta nói rằng trong 18 năm Da Vinci sống ở Milan, Sforza là người bảo trợ ông và họa sĩ đã vẽ vợ Công tước để thể hiện sự cảm kích.

Song phần lớn vẫn nghĩ The Lady With An Ermine là chân dung Cecilia Gallerani, tình nhân của Sforza, người có biệt danh “chồn trắng”. Gallerani đã rơi vào lưới tình của Sforza và sinh cho ông một cậu con trai. Tuy nhiên về sau, Sforza không chọn Gallerani làm vợ mà lại kết hôn với Beatrice d'Este, con gái của Công tước Ercole I d'Este của vùng Ferrara.

Sau phát hiện của Cotte, nhiều giả thuyết mới về bức tranh đã được đặt ra. Người ta nói rằng có thể Da Vinci đã đưa hình ảnh con chồn vào tranh và về sau còn làm nổi bật nó, nhằm tâng bốc người bảo trợ mình. Song hướng giả thuyết khác đánh giá chính Gallerani đã đề nghị họa sĩ vẽ thêm con chồn vào bức tranh, để triều đình Milan biết về mối quan hệ tình cảm của cô với Công tước Sforza.

Một lịch sử đầy lận đận

Cũng giống như người phụ nữ trong tranh, họa phẩm của Da Vinci từng trải qua một thời gian “long đong lận đận”. Năm 1798, bức tranh được Hoàng tử Ba Lan Adam Jerzy Czartoryski mua lại và nằm trong bộ sưu tập của gia đình này cho đến năm 1939, thời điểm nó bị phát xít Đức cướp đi khi xâm chiếm Ba Lan.

Tranh được gửi về Đức như một chiến lợi phẩm, trước khi quay trở lại Krakow theo lệnh của tướng toàn quyền Đức tại Ba Lan là Hans Frank. Bức tranh được trưng bày trong phòng làm việc của Frank cho đến khi kết thúc Thế chiến 2.

Khi rời khỏi Ba Lan, Frank đã mang theo bức tranh về treo tại nhà riêng ở vùng Bavaria. Về sau quân đội Đồng minh đã tịch thu bức tranh, đưa nó về Ba Lan. Hiện tranh đang thuộc quyền sở hữu của Tổ chức Czartoryski ở Krakow.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm