Con đường gốm sứ: “Vĩnh cửu hóa” hình ảnh Hà Nội cổ

19/07/2010 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hơn 6.000m2 tranh gốm đã hoàn thành. Đến nay, cùng với sự “về đích’’ của công trình này, nhóm còn cùng nhau tổ chức một triển lãm mang tên Dấu ấn Hà Nội 2010 (từ 17-26/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN) như một cách để giới thiệu những kết quả từ “Con đường gốm sứ”. Và đặc biệt, lần đầu tiên công chúng biết đến một thử nghiệm khá mới mẻ - đưa ảnh cổ Hà Nội lên gốm! TT&VH đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy

Thử nghiệm táo bạo

* Được biết, trong triển lãm này, một thể nghiệm mới của chị là in thành công những bức ảnh cổ về Hà Nội trên những cột gốm cỡ lớn?

- Vâng, kỹ thuật này tương đối mới. Trước đây, in tranh, ảnh lên gốm thường in với kích thước nhỏ và nung nhẹ lửa. Những sản phẩm đó thường được dùng làm quà tặng và chỉ để trong nhà thôi, còn mang ra ngoài trời, màu sẽ bị bay theo thời gian.

Muốn có những thể nghiệm mới trên Con đường gốm sứ, tôi đã tìm tòi kỹ thuật in để làm sao bức ảnh có thể để được ngoài trời mà không bay màu. Tôi đã xin những file ảnh Hà Nội cổ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 của tạp chí Xưa và Nay và tự tay in lên những cột gốm đường kính 50-60cm. Thật vô cùng hạnh phúc khi mẻ gốm ra lò, những bức ảnh hiện lên rõ nét với đầy đủ các chi tiết. Sau khi nung trên 1.200 độC, những tấm hình trở thành vĩnh cửu, có thể chịu được mưa nắng ngoài trời.


Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đưa ảnh cổ Hà Nội lên gốm
* Sau triển lãm, chị dự định sẽ bày những cột gốm đó ở đâu?

- Ngay trong buổi khai mạc triển lãm, một số Đại sứ quán đã đặt vấn đề muốn được in hình ảnh đất nước họ trên những cột gốm như vậy. Tôi dự định sẽ làm một đoạn tranh gốm có những bức ảnh nguyên bản như thế nhưng in to hơn, để lưu lại những hình ảnh lịch sử của Hà Nội trên Con đường gốm sứ. Còn các cột gốm dự định sẽ được làm thêm nhiều nữa và sẽ đặt trên những thảm cỏ ở Con đường gốm sứ nhân dịp đại lễ sắp tới.

* Dự án Con đường gốm sứ về cơ bản là đang trong quá trình hoàn thành. Vậy sau này BQL dự án sẽ quản lý hay chuyển giao cho Hà Nội?

Gần bốn năm triển khai thực hiện (3/1997-9/2010) dự án Con đường gốm sứ đã thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ VN, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước (Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Mỹ, Argentina, New Zealand,...),500 em thiếu nhi VN và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công...

- Thực ra, chúng tôi đã vượt kế hoạch ban đầu đề ra, vì đã nâng cao thành đê để tăng vẻ hoành tráng cho các đoạn tranh. Diện tích tranh gốm hoàn thành đã lên đến hơn 6.000m2. Cho đến nay, con đường gần như sắp xong, chỉ còn đoạn đến dốc Vạn Kiếp là kết thúc.


Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ chuyển giao cho thành phố như một công trình công cộng. Nhưng, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc duy tu bảo dưỡng công trình nghệ thuật đặc biệt này. Trong gần 4 năm thực hiện, chúng tôi cảm thấy yên tâm với chất liệu gốm sứ và chất kết dính mà chúng tôi sử dụng. Thích nhất là mùa Hè, sau mỗi trận mưa rào, bề mặt tranh sạch bóng!

Tôi sắp hoàn thành tâm nguyện của mình

* Con đường gốm sứ có rất nhiều đoạn, mỗi đoạn lại có những chủ đề cũng như phong cách diễn đạt khác nhau. Có khi nào, ý tưởng về mỗi đoạn tranh như vậy được đưa ra bởi nhà tài trợ?

- Tôi là người đề xướng và gần như là tổng chỉ huy dự án này. Chúng tôi có một hội đồng nghệ thuật do UBND TP thành lập, trong đó có các họa sĩ Trần Khánh Chương, Nguyễn Đỗ Bảo, Lê Huy Tiếp...tham gia xét duyệt. Cả con đường dài 6km được chia thành 21 trường đoạn. Tuy nhiên vẫn có những đoạn tranh rất khó trong việc vận động tài trợ, vì các doanh nghiệp bỏ kinh phí tài trợ, giống như bỏ tiền ra mua tranh. Họ phải thích phác thảo đó mới đầu tư. Có những nghệ sĩ có phác thảo rất đẹp, nhưng không nhà tài trợ nào thích, chúng tôi phải tìm những nguồn khác để đầu tư, có khi phải tự bỏ kinh phí của mình ra...


Cột gốm- thử nghiệm mới táo bạo
* Trong khi làm con đường này, chị cũng phải chịu áp lực từ nhiều phía và đến nay?

- Kể cả những lúc khó khăn nhất, chịu áp lực từ nhiều phía, tôi vẫn có một niềm tin là ý tưởng của mình sẽ thành công. Nhiều dự định, tôi đặt ra từ ban đầu, đến giờ gần như đều thực hiện được. Ví dụ như đoạn tranh gốm mang dấu ấn của các làng gốm truyền thống của Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bầu Trúc...; hay những đoạn tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ quốc tế - mà ban đầu tôi phải viết thư mời, nhưng về sau các đại sứ quán thấy hay đã chủ động tham gia, như Đại sứ quán Italia đã tổ chức mấy nhóm nghệ sĩ thực hiện.

Sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn nghệ sĩ quốc tế góp phần làm tăng vẻ đa dạng cho Con đường gốm sứ, cũng như tăng thêm ý nghĩa cho món quà tặng chào đón Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm. Cũng chính vì điều này, họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN còn muốn đề xuất bổ sung thêm tên cho Con đường gốm sứCon đường gốm sứ hữu nghị VN.

* Trong giai đoạn cuối này, chị có được nghe những phải hồi về tác phẩm từ phía dân chúng?

- Các nghệ sĩ tham gia dự án đều rất vui khi nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng cũng như giới truyền thông báo chí trong và ngoài nước. Thông qua phóng sự về dự án Con đường gốm sứ trên kênh truyền hình CNN vào tháng 9/2009, nhiều nghệ sĩ quốc tế biết tới dự án và đã gửi tặng Hà Nội những viên gạch nghệ sĩ. Dự án đã nhận được hơn 100 viên gạch gốm nghệ thuật từ hơn 100 nghệ sĩ gốm và họa sĩ của Hungary, Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ, Pháp, Italia, Đài Loan (Trung Quốc), Croatia,...

Đa số người dân đều đánh giá cao vì từ những mảng bê tông xám xịt, bị vẽ bậy bôi bẩn nhiều chỗ...giờ đây, cung đường này đã khoác lên một tấm áo mới bằng gốm đầy màu sắc. Cho dù bạn chỉ đi lướt qua, nhưng mỗi lần qua đây, bạn sẽ nhận ra một điều gì đầy thú vị trên Con đường gốm sứ.

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm