Cơm áo không đùa với khách…tuồng

16/01/2010 13:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau 8 ngày công diễn tại nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng, tối qua hội diễn đã bế mạc trong tâm trạng ngổn ngang của những người trong cuộc.

* Khi cánh màn nhung khép lại rồi

Tính đến nay, Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc đã bước qua tuổi thứ 5 (5 năm tổ chức một lần). Năm nay, có tất cả 13 vở diễn của 11 đoàn đến từ cả nước. Trong đó, có đến 8 đoàn thuộc về các địa phương miền Trung.

Lân la gặp gỡ một số nghệ sỹ, lãnh đoàn, nghe tâm sự của họ, ấn tượng đọng lại trong tôi vẫn là những tiếng thở dài cho thực trạng của âm nhạc truyền thống dân tộc, đặc biệt là tuồng.

Đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Hoàng Ngọc Đình (Giám đốc nhà hát tuồng Đào Tấn- Bình Định), người hiếm hoi có mặt ở cả 5 kỳ Hội diễn thẳng thắn:  “Đây là cơ hội để anh em trong nghề gặp gỡ, giao lưu vui vẻ là chính. Còn, để thực sự để thố nghề thì chưa phải. Tôi cảm giác 25 năm qua hội diễn không có gì đột biến về chất lượng, ngoài Hội diễn cuối năm 1999 tại Nha Trang. Đấy là một Hội diễn có sự cọ xát, đua tranh và có cả “cay cú” nghề thực sự. Có lẽ do cảm hứng chuẩn bị bước sang thế kỷ mới, các đoàn muốn chia tay thế kỷ cũ bằng cái gì đó. Còn lại, dự các hội diễn vẫn là những gương mặt cũ, những vở diễn cũ được “xào xáo” lại. Tài năng trẻ không thấy, tác gia trẻ cũng ít xuất hiện”.

Thực ra, đến với hội diễn lần này vẫn có cảm hứng để các đoàn tập trung khai thác: 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy vậy, chỉ có hai đơn vị dàn dựng dựa trên chủ đề này. Đấy là vở Hồn Việt  do nhà hát tuồng Đào Tấn diễn buổi cuối cùng, và Dời đô (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng). Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thì hai vở này vẫn chưa đủ tầm. Riêng vở Hồn Việt bị coi là hơi “lê thê”, nhân vật Lý Long Tường chưa đủ sức nặng để chuyển tải chủ đề 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Các vở mang hơi thở đương đại quá ít, chủ yếu rơi vào loại hình dân ca kịch.  Còn tuồng, để đảm bảo độ “an toàn”, các đoàn phải dựng từ các tích cũ. Duy nhất Nhà hát tuồng Thanh Hóa dựng vở Vòng tay núi rừng, nói về quốc nạn ma túy. Thậm chí, ngay cả Nhà hát tuồng Trung ương còn mang cả vở Huyền Trân Công chúa đã trình diễn cả mười mấy năm trước đến Đà Nẵng, lại diễn ngay hôm khai mạc. Cũng những nghệ sĩ lão làng như Gia Khoảng, Minh Gái sắc thanh đã giảm, nhưng vẫn phải làm kép chính.

Để ý những buổi công diễn, khán giả chủ yếu có tuổi, thanh niên quá ít, nói gì tuổi teen. Có anh chàng vào vừa ngồi xem mấy phút đã gục mặt ngủ khò. Làm sao kéo được khán giả trẻ, làm sao ngoài “tuồng xưa tích cổ”, có thêm nhiều những vở mang tính thời sự để giới trẻ thấy bóng dáng mình trong đó mà đến xem, mới hy vọng tuồng sống được.

* Bài học mang tên Hoàng Châu Ký

Sáng qua, trước khi chờ công bố kết quả vào buổi tối, BTC đã có cuộc hội thảo: Giáo sư Hoàng Châu Ký với Nghệ thuật tuồng Việt Nam. Người con đất Quảng này được đánh giá là “con chim đầu đàn trên bầu trời nghệ thuật tuồng”. GS.Hoàng Chương nói lời đầy tâm huyết: “Đây là cuộc tọa đàm hiếm hoi về GS Hoàng Châu Ký. Mong quý vị đừng bỏ ra ngoài mà có tội với GS”. Rất nhiều bản tham luận đã được đọc lên.

Tuy nhiên, có một người đã gây xúc động mạnh với một câu chuyện không có trong tập tham luận: sự tích và nghiệp chướng. Đấy là NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Viết- người học trò và người bạn tri âm của Hoàng Châu Ký. Ông kể rằng năm 1956, lúc đang học âm nhạc, không mê tuồng nhưng thứ 7 nào, trong suốt 2 năm,  ông cũng lặng lẽ đến rạp Ái Liên để xem tuồng Liên khu 5. Năm 1957, một buổi tối có người đến vỗ vai: “Chủ Nhật nào tôi cũng thấy em có mặt từ rất sớm, ngồi hàng ghế thứ 2 để xem và còn ghi chép cẩn thận. Nếu em tìm hiểu về tuồng anh sẽ chỉ dẫn cho. Đó là nghiệp chướng của đời anh”.

Sau này, khi nhạc sĩ Nguyễn Viết tốt nghiệp Trường âm nhạc VN (nay là nhạc viện Hà Nội),  Hoàng Châu Ký lại đến chúc mừng và nói: “Tôi sẽ bàn với tổ chức sắp xếp anh theo nghiệp chướng của tôi về dựng nghiệp ở ngành tuồng”. Và kể từ đó, hai người đã thành tri kỷ, riêng nhạc sỹ Nguyễn Viết có những công trình về tuồng nổi tiếng.


NSƯT-nhạc sỹ Nguyễn Viết (giữa) với câu chuyện về GS.Hoàng Châu Ký đầy xúc động.
Ảnh Hữu Quý
Kết thúc, nhạc sĩ Nguyễn Viết chắp tay bái vọng di ảnh GS Hoàng Châu Ký: Tiếc lắm anh Ký ơi, anh mới là người khám phá ra “vàng tuồng”.

Và ông vừa khóc vừa run rẩy đi xuống. Tôi thấy lần đầu tiên trong buổi tạo đàm,  nhà thơ Ý Nhi, ái nữ của GS Hoàng Châu Ký đưa tay lau nước mắt. Kết thúc, gia đình GS. Hoàng Châu Ký đề đạt nguyện vọng dành tất cả số tiền phúng viêng lễ tang của ông thành lập quỹ thưởng cho những diễn viên tuồng trẻ xuất sắc trong năm. Đúng là với GS Hoàng Châu Ký, với tuồng thì ông “dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng”! Nghiệp chướng, tại sao ông dùng từ này. Phải chăng ông hiểu nỗi truân chuyên của tuồng chưa có điểm dừng, cần cả xã hội thực sự tận tâm với tuồng hơn nữa.
Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm